Kỷ nguyên 'Đại kiệt sức'

Ngày nay, ngay cả khi không làm việc, chúng ta cũng bị áp lực phải lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi bằng những thứ ý nghĩa như đọc sách, du lịch, kết nối với xã hội.

Sau đại dịch, "Qiet Quitting" (Nghỉ việc trong im lặng), "Bare Minimum Mondays" (Thứ hai tối thiểu) hay đỉnh điểm với "The Great Resignation" (Làn sóng đại từ chức) là những xu hướng nở rộ toàn cầu, phản ánh sự căng thẳng trong công việc và cách mọi người nỗ lực cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu nói rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên "Đại kiệt sức" (The Great Exhaustion). Thuật ngữ này lần đầu được sử dụng bởi nhà văn và nhà khoa học máy tính Carl Newport, để miêu tả một xã hội trong đó mọi người mệt mỏi và cảm giác không thể nào tồn tại.

Nếu hội chứng kiệt sức trong công việc phản ánh vấn đề cá nhân, thì "Đại kiệt sức" chỉ ra vấn đề tập thể phía sau nó.

Sự kiệt sức vượt ra ngoài khuôn khổ công việc

"Đại kiệt sức" là hiện tượng xuất phát từ công việc nhưng đã lan rộng hơn thế. Thuật ngữ "burnout" bắt nguồn trong môi trường làm việc đã được áp dụng trong nhiều khía cạnh, tràn lan sang các lĩnh vực xã hội khác: ví dụ như khi chúng ta chịu áp lực phải lấp đầy thời gian rảnh bằng các hoạt động ý nghĩa như đọc sách, tụ tập bạn bè, du lịch check-in...

Các hiện tượng xã hội liên quan đến công việc bắt đầu diễn ra theo tầng lớp. Đầu tiên là cuộc "đại từ chức", khi 47 triệu người tự nguyện rời bỏ công việc của mình chỉ riêng ở Mỹ, theo Bộ Lao động nước này. Sau đó, có những cuộc đấu tranh của công đoàn để làm việc từ xa.

Cuối cùng, năm ngoái người ta bắt đầu bàn luận về "âm thầm nghỉ việc" (quiet quitting), nghĩa là làm việc vừa đủ, không vượt quá nghĩa vụ hoặc số giờ làm việc. Một sự thay đổi mô hình bắt đầu hình thành.

Trong bối cảnh này, mọi người đang tìm cách thiết lập lại mối quan hệ của họ với công việc và các ưu tiên cuộc sống. Theo một cuộc khảo sát mới đây của EL PÁIS, những người tham gia được đưa ra 7 lựa chọn ưu tiên và sắp xếp chúng theo thứ tự từ cao đến thấp. Kết quả cho thấy ưu tiên lớn nhất là sức khỏe tinh thần, tiếp theo là gia đình và thời gian cho bản thân, công việc xếp ở vị trí thứ 4.

 Hội chứng burnout đã vượt ra ngoài khuôn khổ công việc, lan rộng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Allie Runnion/Just Us Gals.

Hội chứng burnout đã vượt ra ngoài khuôn khổ công việc, lan rộng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Allie Runnion/Just Us Gals.

Sau đại dịch, người lao động dần dần trở lại văn phòng, nhưng lượng thông tin trao đổi online vẫn không hề giảm.

Theo báo cáo của Microsoft, thời gian dành cho các cuộc họp trực tuyến đã tăng hơn 350% từ tháng 2/2020 đến năm 2022. Người dùng bộ ứng dụng văn phòng của hãng hiện dành khoảng 60% thời gian để sử dụng các công cụ giao tiếp kỹ thuật số như email, trò chuyện và hội họp.

Cứ 4 nhân viên thì có một người dành 9 tiếng/tuần cho riêng email. Theo báo cáo này, gần 2/3 số người (64%) được hỏi nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thời gian và năng lượng cần thiết để thực hiện công việc của mình.

Thực tế mới này trở thành chủ đề nghiên cứu về mối liên quan giữa tăng thời gian giao tiếp kỹ thuật số với suy giảm sự hài lòng. Báo cáo mới nhất của công ty tư vấn Gallup về việc làm, xuất bản năm 2023, cung cấp dữ liệu lịch sử cho thấy: 44% người lao động cảm thấy căng thẳng.

Yolanda García Rodríguez, giáo sư khoa Tâm lý xã hội tại Đại học Complutense của Madrid, nói rằng: "Nhu cầu công việc giờ đây lớn hơn. Độ phức tạp của nhiệm vụ ngày càng lớn, trình độ chuyên môn yêu cầu trong công việc ngày càng tăng. Người lao động cần phải đưa ra quyết định rất nhanh, thích ứng liên tục và nhanh chóng với các công nghệ mới cũng như cạnh tranh và năng suất cao hơn".

Mặt khác, những cuộc khủng hoảng liên tiếp, công việc bấp bênh cuối cùng đã tạo ra một môi trường bất ổn, thay đổi tâm lý và mối quan hệ của người lao động với công ty.

"Những hội chứng như kẻ mạo danh (Imposter syndrome) xuất hiện và sự cạn kiệt về mặt cảm xúc hay hội chứng burnout ở người lao động tăng lên. Công việc không còn như xưa nữa, mối quan hệ của chúng ta với chúng cũng vậy", vị giáo sư giải thích.

Juan Evaristo Valls Boix, giáo sư Triết học Văn hóa tại Đại học Complutense của Madrid, cho rằng hiện tượng này là do "logic làm việc của chủ nghĩa tư bản đang mở rộng và bão hòa sang các lĩnh vực khác của đời sống".

Nhà triết học tin rằng chúng ta đang biến thành "ông chủ nhỏ" trong việc đầu tư thời gian rảnh của mình. Sự sùng bái năng suất đã ngấm sâu vào đời sống riêng tư của mỗi người, khiến ai cũng hối hả lấp đầy kế hoạch cuộc sống.

"Giờ đây chúng ta coi bạn bè là vốn liếng xã hội, hẹn hò như những cuộc phỏng vấn xin việc, các ứng dụng hẹn hò có chức năng biến ta thành diễn viên và mạng xã hội thúc đẩy ta sản xuất nội dung liên tục để nâng cao thương hiệu cá nhân", ông phân tích.

Kiệt sức ngay cả khi giải trí

Khái niệm giải trí không còn là "không làm việc gì", thay vào đó con người được thúc đẩy lấp đầy khoảng thời gian rảnh hiếm hoi bằng các trải nghiệm: Đọc những cuốn sách cần đọc, xem những bộ phim đang hot, đi ăn uống để check-in ở những quán đang viral trên mạng...

Valls Boix nói: "Đây là sai lầm lớn nhất. Chúng ta không đi làm nhưng vẫn hoạt động hết công suất. Bằng cách này, một xã hội căng thẳng được tạo ra, trong đó ngay cả sự giải trí cũng không còn đơn thuần là thư giãn. Chúng ta luôn sống trong trạng thái phấn khích, bị kích thích quá mức, điều đó có thể gây bực bội và mệt mỏi".

 Áp lực phải lấp đầy lịch trình cá nhân bằng các trải nghiệm cũng có thể khiến chúng ta kiệt sức. Ảnh: Pexels.

Áp lực phải lấp đầy lịch trình cá nhân bằng các trải nghiệm cũng có thể khiến chúng ta kiệt sức. Ảnh: Pexels.

Như vậy, kiệt sức không chỉ đến từ công việc mà còn đến từ cách chúng ta giải trí.

Theo báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), số giờ làm việc đã giảm 3,8% so với năm 2008.

Chúng ta làm việc ít hơn nhưng lại mệt mỏi hơn. Nghịch lý rõ ràng này đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và nhà tâm lý học xã hội, những người khám phá động lực ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thời gian.

Hal E. Hershfield, Giáo sư về Tiếp thị và Ra quyết định Hành vi tại Đại học California, là một trong số người quan tâm. Hershfield đã tiến hành một nghiên cứu vĩ mô với dữ liệu từ 35.000 người, nhằm phân tích liệu có mối quan hệ trực tiếp giữa lượng thời gian rảnh rỗi và sức khỏe chủ quan của bạn hay không.

Ông và các đồng nghiệp của mình nhận thấy rằng việc có ít thời gian rảnh rỗi sẽ làm gia tăng căng thẳng và khó chị. Đó không phải điều bất ngờ. Nhưng đáng chú ý hơn cả là họ nhận ra rằng có quá nhiều thời gian rảnh cũng không tốt. Khi có thời gian rảnh rỗi nhiều hơn 5 tiếng/ngày, cảm giác khó chịu bắt đầu tăng lên.

Trong bài tiểu luận kinh điển xuất bản năm 1930 có tên "Economic Possibilities for our Grandchildren", nhà kinh tế học người Anh John Keynes đã dự đoán về một thế kỷ 21 với tuần làm việc 15 giờ.

Có vẻ dự đoán đó chưa đúng, nhưng trong tiểu luận đó, ông đã đưa ra một quan điểm có thể áp dụng cho thực tế hiện tại: "Không có quốc gia hay dân tộc nào có thể chờ đợi kỷ nguyên nhàn nhã và sung túc mà không sợ hãi. Bởi vì chúng ta đã được huấn luyện quá lâu để phấn đấu chứ không phải để tận hưởng".

Sau gần một thế kỷ, ý tưởng này của Keynes có thể là nền tảng cho cái gọi là "Đại kiệt sức". Tiến bộ công nghệ đã góp phần giải phóng sức lao động của con người, nhưng nó cũng xóa nhòa ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân, tạo ra một trạng thái kết nối vĩnh viễn.

Đinh Phạm

Theo EL PÁIS

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ky-nguyen-dai-kiet-suc-post1477981.html