Kỷ nguyên số, tạo đà cho tỉnh phát triển

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm các địa phương ở mức khá. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (DN) đạt mức cao hơn so bình quân chung cả nước. Năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu.

An Giang ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số

An Giang ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số

Theo đánh giá từ UBND tỉnh, những năm qua, tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về ứng dụng, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đạt nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng số được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các nền tảng số, hệ thống ứng dụng dùng chung đưa vào vận hành hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành. Đóng góp của tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2022 trung bình 4,42%/năm; mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 53,8%. Quy mô kinh tế số tỉnh An Giang năm 2023 chiếm 5,28% GRDP, năm 2024 chiếm 5,99% GRDP.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Quốc Cường, tỉnh tập trung thúc đẩy ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây). Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. DN tích cực ứng dụng đổi mới công nghệ, tiếp cận giải pháp số hóa trong quản lý, sản xuất và thương mại, tăng giá trị…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông được đầu tư khá đồng bộ; đảm bảo kết nối từ tỉnh đến cấp xã. Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ tỉnh được thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh; với bộ, ngành Trung ương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, chuyển đổi số được xem là trụ cột quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW tại An Giang. Tỉnh đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Tính đến tháng 3/2025, có 12/14 cơ quan Nhà nước cấp tỉnh hoàn thiện chính quyền điện tử; sẽ hoàn thành trên 90% trước tháng 8/2025.

Đến nay, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp. 100% khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ quản lý, điều hành. Tỷ lệ phủ rộng mạng băng rộng cố định, tỷ lệ phủ sóng 3G/4G đạt 100% xã… Cùng với đó, thương mại điện tử phát triển mạnh đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho DN, người dân; mở rộng thị trường cho sản phẩm, thông qua dịch vụ thanh toán điện tử (VNPT Pay, Viettel Money, MobiFone Pay, mã QR…). Sản phẩm ngành hàng liên kết với sàn thương mại điện tử lớn, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm… chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian tới, tỉnh phấn đấu tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tối thiểu 55%. Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) nằm trong nhóm 30 cả nước. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, DN trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt trên 80%; trên 40% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.

KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người An Giang duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người/1 vạn dân. Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.

Hạ tầng số tiên tiến, hiện đại; triển khai ứng dụng thành công một số công nghệ chiến lược, công nghệ số, như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, thông tin di động 5G, 6G và một số công nghệ mới nổi. 100% người sử dụng có khả năng truy nhập băng rộng cố định với tốc độ trên 1Gb/s. Phủ sóng 5G toàn tỉnh; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh; quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ trên môi trường số. Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức trung bình cao trong các tỉnh…

Tầm nhìn đến năm 2045, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa An Giang trở thành tỉnh có thu nhập cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) nằm trong nhóm 20 cả nước; có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 35% GRDP; thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu, sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghiên cứu chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, quản trị DN. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của tỉnh; tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế về lĩnh vực này, nhất là trí tuệ nhân tạo.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ky-nguyen-so-tao-da-cho-tinh-phat-trien-a420090.html