Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):'Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là minh chứng cho ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam mà còn là kết tinh của sức mạnh tổng hợp từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Với khí thế “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội đã dốc toàn bộ sức người, sức của chi viện cho miền Nam, tạo nên thế trận vững chắc đưa dân tộc đến ngày toàn thắng.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Thủ đô Hà Nội quyết tâm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ảnh: TTXVN
Nền tảng vững chắc cho mọi chiến thắng
Ngay từ những ngày đầu khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của miền Bắc - hậu phương lớn, có sứ mệnh chi viện toàn diện cho tiền tuyến miền Nam.
Tháng 12 năm 1965, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa III), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định rõ: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, là chiến trường chính hiện nay. Miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam”. Thực hiện nghị quyết này, cả hệ thống chính trị và toàn dân miền Bắc đã bước vào một cuộc chiến đấu mới với mục tiêu cao nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã “xếp bút nghiên”, rời xa mái trường, ruộng đồng, hăng hái lên đường nhập ngũ với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những đoàn quân trùng trùng ra trận, mang theo niềm tin và khát vọng thống nhất của đồng bào miền Bắc. Bên cạnh lực lượng chủ lực, hàng vạn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... cũng xung phong vào Nam, góp phần xây dựng vùng giải phóng, phục vụ đời sống nhân dân và công cuộc kháng chiến.
Miền Bắc đã huy động tối đa mọi nguồn lực để chi viện cho miền Nam. Hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, phương tiện vận tải... đã được vận chuyển ngày đêm qua những tuyến đường huyết mạch, bất chấp bom đạn ác liệt của kẻ thù. Đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển trở thành biểu tượng cho ý chí thống nhất và sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam. Những đoàn xe “không kính”, những “đoàn tàu không số” chở nặng tình cảm và sự sẻ chia của miền Bắc đã góp phần bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch lớn, nuôi dưỡng sức chiến đấu của quân và dân miền Nam.
Đặc biệt, nguồn chi viện từ miền Bắc chưa từng gián đoạn, chưa từng vơi cạn, bất kể khó khăn, gian khổ hay ác liệt đến nhường nào. Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thục (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), vào năm 1972, sau khi Mỹ và Trung Quốc ký “Thông cáo chung Thượng Hải”, đồng thời Mỹ và Liên Xô ra tuyên bố chung tại Mátxcơva, lượng viện trợ vật chất chiến tranh - đặc biệt là vũ khí phục vụ trực tiếp cho chiến trường miền Nam - bắt đầu suy giảm và sau đó bị cắt hoàn toàn. So với năm liền trước, năm 1973 chỉ bằng 66%, năm 1974 chỉ bằng 29,6%, năm 1975 thì hoàn toàn không còn. Nhưng với sự nỗ lực cao của toàn dân tộc, đặc biệt là kế hoạch chuẩn bị dự trữ từ trước kết hợp với nghiên cứu sản xuất bổ sung kịp thời, nên lượng hàng hóa vật chất chiến tranh chi viện cho miền Nam vẫn bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Hơn thế nữa, miền Bắc không chỉ là hậu phương chi viện về vật chất, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Những bài ca, điệu múa, vần thơ và trang báo thấm đẫm tình yêu quê hương, niềm tin tất thắng và khát vọng thống nhất đã vượt dãy Trường Sơn, len lỏi vào từng chiến hào, tiếp thêm sức mạnh cho những người con miền Nam đang ngày đêm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trái tim của hậu phương lớn
Trong dòng chảy mang theo khát vọng hòa bình và thống nhất non sông, Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa mà còn đi đầu trong phong trào chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Lần giở những trang lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở kỳ Đại hội nào, cụm từ “vì miền Nam ruột thịt” cũng được đưa vào văn kiện, được xác định rõ là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Phong trào “Ba đảm đang” (Đảm đang sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, động viên chồng con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu) do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phát động đã trở thành biểu tượng cho sự đóng góp to lớn của phụ nữ Thủ đô vào cuộc kháng chiến. Hàng vạn phụ nữ Hà Nội đã hăng hái tham gia sản xuất, thay thế nam giới đi chiến đấu, đảm nhận mọi công việc ở hậu phương, từ đồng ruộng đến nhà máy, từ trường học đến bệnh viện. Họ vừa là người mẹ, người vợ đảm đang, vừa là chiến sĩ trên mặt trận lao động sản xuất, góp phần giữ vững nhịp sống của Thủ đô và đảm bảo nguồn cung cho tiền tuyến. Từ phong trào của Hà Nội, năm 1965, chỉ sau 2 tháng phát động ra toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia.
Phong trào nổi bật thứ hai là “Ba sẵn sàng” (sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần) do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phát động đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí xông pha của hàng vạn thanh niên Thủ đô. Họ hăng hái đăng ký tòng quân, tham gia các đội thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, góp phần bảo vệ Thủ đô và chi viện cho miền Nam. Hình ảnh những đoàn thanh niên nô nức từ Hà Nội lên đường vào Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Hà Nội còn phát động nhiều phong trào thi đua khác, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... cho thấy miền Nam luôn ở trong trái tim Hà Nội. Các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội đã không ngừng tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra nhiều hơn nữa hàng hóa phục vụ chiến đấu và đời sống. Các trường học, bệnh viện vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc học hành và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời tích cực đóng góp cho tiền tuyến.
Vừa sản xuất, vừa chi viện, Hà Nội còn kiên cường, bất khuất trong chiến đấu bảo vệ thành quả xây dựng xã hội chủ nghĩa, đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà mốc son sáng chói là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Chiến thắng góp phần đưa đến thắng lợi về mặt chính trị khi Hiệp định Paris được ký kết buộc Mỹ rút quân ra khỏi nước ta. Đây là sự “chi viện” có ý nghĩa rất to lớn làm bàn đạp đi đến thắng lợi cuối cùng ở miền Nam.
Hà Nội không chỉ là chỗ dựa vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến miền Nam. Trong suốt những năm tháng đồng bào miền Nam kiên cường chiến đấu vô cùng gian khổ, nhân dân Hà Nội luôn sát cánh, động viên với những tình cảm sâu sắc nhất. Những lá thư, những món quà nhỏ bé chứa đựng tình cảm của người dân Thủ đô đã được gửi đến các chiến sĩ ngoài mặt trận và đồng bào miền Nam. Những cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ miền Nam, lên án tội ác của đế quốc Mỹ đã diễn ra sôi nổi trên khắp các đường phố Hà Nội, thể hiện ý chí quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược của nhân dân Thủ đô...
Như V.I.Lênin đã từng tổng kết: “Ai có nhiều hậu bị hơn, có nhiều nhân lực hơn, ai đứng vững được trong quần chúng nhân dân hơn thì người ấy sẽ giành thắng lợi trong chiến tranh”. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thành quả vĩ đại của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân cả nước, trong đó, sự chi viện to lớn, toàn diện và hiệu quả từ miền Bắc - đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là một địa phương tiêu biểu - đã trở thành nhân tố then chốt, tạo nên nguồn sức mạnh nền tảng, góp phần quyết định vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.