KỶ NIỆM 64 NĂM ĐỒNG KHỞI BẾN TRE (17.1.1960 - 17.1.2024): Tiếng mõ, súng bập dừa… tạo nên thắng lợi

Với tinh thần hăng hái, kiên quyết và dũng cảm đứng lên chống lại sự kìm kẹp của chế độ Ngô Đình Diệm đã làm phong trào Đồng Khởi nổ ra vô cùng mạnh mẽ

Nghị quyết 15 của Đảng ra đời vào đầu năm 1959 đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh và dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam...

Vận dụng sáng tạo

Tại hội nghị bàn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 do Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức vào đêm 2-1-1960 ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, lãnh đạo tỉnh đã phân tích kỹ mặt khó khăn và thuận lợi, đánh giá tình hình giữa địch và ta để đi đến một quyết định táo bạo: Phát động tuần lễ toàn dân nổi dậy, diệt ác, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn.

Để bảo đảm cho cuộc nổi dậy thắng lợi, việc chuẩn bị lực lượng là hết sức quan trọng. Hội nghị đề ra một số giải pháp: lập ngay những tổ hành động làm nòng cốt cho việc trừ gian, diệt ác; tập hợp thanh niên thành từng tổ có vũ trang; xây dựng gấp lực lượng nòng cốt, công khai, hợp pháp để phát động quần chúng; rà soát lại cơ sở nội tuyến, thực hiện công tác binh vận, địch vận.

Hội nghị thống nhất chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh xuất phát cho phong trào Đồng Khởi vì 3 xã này trong nhiều năm liền có phong trào đấu tranh mạnh nhất của huyện Mỏ Cày. Khi thực hiện công tác tập hợp thanh niên, vũ khí trang bị cho lực lượng theo tinh thần "có gì dùng nấy" nên huy động cả mã tấu, dao găm, súng gỗ, súng bập dừa… và lấy danh nghĩa Tiểu đoàn 502 để hoạt động. Trong đó, súng bập dừa (phần gốc của tàu lá dừa nước) là một "vũ khí" độc đáo, thể hiện tinh thần sáng tạo đặc sắc của nhân dân Bến Tre.

Bấy giờ quân địch đang rất mạnh, đồn bót khắp nơi, quân số đông, được trang bị vũ khí hiện đại… Trong khi đó, lực lượng cách mạng, kháng chiến của tỉnh chưa tới 20 chi bộ với 200 đảng viên và một số khẩu súng hư cũ, mỗi khẩu chỉ 10 viên đạn. Với tuyên bố như một lời thề - "Nếu làm sai, xin chịu kỷ luật trước Tỉnh ủy Bến Tre và Khu ủy khu 8", bà Nguyễn Thị Định (Ba Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy) cho người tung tin: Tham gia đồng khởi có Tiểu đoàn chủ lực 502 Đồng Tháp với đầy đủ súng đạn và rất nhiều bộ đội miền Bắc chi viện. Để địch hoang mang, bà Ba Định cho nhiều thanh niên học nói giọng miền Bắc, đẽo cây, gọt bập dừa làm thành súng giả, "hành quân" lũ lượt, chuyện trò vang trời để đánh lừa mạng lưới thám báo của địch. Đêm đêm, lực lượng bộ đội này "hành quân" trong mờ ảo, người ta thấy người nào cũng mang súng, trong đó có cả các khẩu pháo mà không mấy người biết rằng phần nhiều đều là "súng bập dừa"!

Chống lại sự kìm kẹp

Bên cạnh đó, những chiếc mõ cũng gắn liền với phong trào Đồng Khởi. Hầu hết xã, ấp nào cũng có một chiếc mõ lớn dùng để thông tin rộng rãi trong làng xóm.

Trong phong trào Đồng Khởi, các loại mõ cũng chỉ đơn giản làm từ gỗ, tre, dừa… được khoét rỗng một phần ruột. Khi bắt đầu tiến công, người dân ở các xã đồng loạt gõ mõ để báo hiệu, thúc giục mọi người nhất tề đứng lên đánh đồn, diệt ác, phá kìm. Tiếng mõ cũng làm nao núng, hoang mang tinh thần binh lính trước khí thế và tinh thần tiến công của quần chúng nhân dân.

Còn một loại vũ khí nữa cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong buổi đầu đồng khởi, đó là súng ngựa trời. Đây là loại súng tự chế của quân dân miền Tây Nam Bộ, có tầm bắn 10 - 15 m, sử dụng "đạn độc"... bởi đạn được nhồi mảnh kim loại, mảnh sành, phân, nước giải... hoặc có khi được tẩm thuốc độc. Khi đạn được bắn ra, các mảnh đạn dính phân, nước tiểu sẽ găm vào quân địch, nếu không tử vong ngay thì cũng sẽ bị nhiễm trùng, khiến sinh lực địch bị tiêu hao, tâm lý địch hoang mang. Loại súng này có nòng là một ống sắt dài, có hai chân chống, mang hình dáng như con ngựa trời. Tại Bến Tre, đầu năm 1960, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng xưởng sản xuất vũ khí tự tạo và các "công trường" sản xuất được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh.

Các loại "vũ khí" này cùng với tinh thần hăng hái, kiên quyết và dũng cảm đứng lên chống lại sự kìm kẹp của chế độ Ngô Đình Diệm đã làm phong trào Đồng Khởi nổ ra vô cùng mạnh mẽ và giành được những kết quả quan trọng, báo hiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai bước sang một trang mới.

Đồng bào tỉnh Bến Tre mít tinh mừng Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đồng bào tỉnh Bến Tre mít tinh mừng Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát huy sức mạnh của nhân dân

Đúng 8 giờ ngày 17-1-1960, đồng chí Lê Bình An (Hai On), Bí thư Chi bộ xã Định Thủy, chia lực lượng làm 2 bộ phận hành động diệt tổng đoàn dân vệ đóng ở đình Định Nhơn, do tên đội Tý ác ôn cầm đầu và tấn công tiêu diệt đồn Vàm Nước Trong (bọn tề xã).

Với việc diệt đội Tý, quân ta chia làm 2 tổ cải trang đi tảo mộ, rồi bất ngờ tước vũ khí và bắt sống đội Tý. Kế hoạch của ta dùng tên đội Tý để buộc hắn gọi hàng bọn tổng đoàn dân vệ đóng ở đình Định Nhơn nhưng hắn chống cự quyết liệt nên buộc ta phải tiêu diệt.

Sau đó, lực lượng ta gồm tổ 10 người, cùng lực lượng hỗ trợ và cơ sở nội tuyến chia làm 3 mũi bao vây tổng đoàn dân vệ ở đình Định Nhơn. Các lực lượng này chủ yếu được trang bị mã tấu, súng giả áp sát vào đình rồi phóng loa kêu gọi bọn lính đầu hàng. Quá bất ngờ và không rõ đối phương thế nào, bọn lính hết sức hoang mang dẫn đến không còn sức kháng cự. Lực lượng của ta nhất loạt xung phong chiếm tổng đoàn dân vệ, thu 6 súng, 3 lựu đạn, 500 viên đạn.

Cũng thời gian này, bộ phận đánh chiếm đồn Vàm Nước Trong cùng với quần chúng biểu tình, kết hợp với binh lính yêu nước và cơ sở nội tuyến đã nổi dậy đánh chiếm đồn. Bọn tề ngụy và binh lính trong đồn tan rã nhanh chóng, ta chiếm gọn đồn và thu được 15 súng, 10 lựu đạn và 1.000 viên đạn, giải tán bọn tề ngụy xã Định Thủy.

Trước khí thế đó, tối 17-1-1960 tại chợ xã Định Thủy, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, đã tổ chức mít tinh nhằm chào mừng thắng lợi. Hàng ngàn người tham dự đều giơ tay cao và hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ cách mạng, ủng hộ phong trào". Cuộc mít tinh kéo dài 3 giờ với tinh thần hừng hực cách mạng, mở đầu cho những cuộc đấu tranh quyết liệt, anh dũng của quân dân toàn tỉnh Bến Tre và lan rộng ra toàn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm…

Ghi nhớ chiến công lịch sử

Để ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân ta trong phong trào Đồng Khởi, năm 1998, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định quy hoạch xây dựng Nhà Truyền thống Đồng Khởi trong khuôn viên có diện tích 4.684 m2 và đưa vào sử dụng ngày 17-1-2000. Ngôi nhà được xây dựng kiến trúc thể khối, cao 24 m, dài 24,5 m, rộng 24 m; trên nóc nhà xây dựng biểu tượng ngọn đuốc Đồng Khởi cao 12 m, đường kính 4,5 m, có 3 cánh thể hiện sự tấn công địch bằng 3 mũi giáp công của quân dân ta và sự nổi dậy của nhân dân 3 dải cù lao.

Hằng năm, Bến Tre lấy 17-1 làm ngày lễ hội truyền thống lịch sử, tổ chức hội nghị và các hoạt động vui chơi để thu hút du khách đến tham quan.

TRỊNH MINH GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-niem-64-nam-dong-khoi-ben-tre-1711960-1712024-tieng-mo-sung-bap-dua-tao-nen-thang-loi-196240116192635329.htm