Kỷ niệm 66 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2020): Sự kiện nhớ đời trong đêm văn nghệ mừng công
Tinh thần diễn viên bị uy hiếp nặng nề nên chưa hoàn hồn, hát rời rạc, mất hứng thú. Tiếng vỗ tay bên dưới thưa thớt uể oải.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ cho Đoàn văn công quân đội chuẩn bị một chương trình biểu diễn đặc sắc nhất để phục vụ buổi mừng công dành cho các chiến sĩ vừa giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ. Nhà thơ Hoàng Cầm lúc đó là trưởng đoàn văn công quân đội đã họp bàn với các cán bộ chuyên môn của Đoàn về các tiết mục sẽ trình diễn.
Anh em trong đoàn đã lựa chọn được 9 tiết mục. Nhà thơ Hoàng Cầm chọn thêm một tiết mục nữa mang đậm chất dân ca truyền thống dân tộc. Rồi ông quyết định lấy tiết mục thứ mười sẽ là màn Quan họ, thời lượng từ 20 đến 25 phút.
Màn Quan họ gồm các bài: Lý cây đa, Lý trúc xinh, Chàng buông vạt áo, Hoa thơm bướm lượn, Trống cơm, Chanh chua, Ngồi tựa song đào, Giã bạn, Người ở đừng về…
Đêm diễn mừng công mở màn đúng 7 giờ 30 phút tối. Hội trường đông nghịt, khoảng một nghìn chỗ ngồi bằng ghế dài ghép từ tre nứa. Hai hàng ghế trên cùng là ghế mây rồi đến mấy hàng ghế gỗ dành riêng cho các tướng lĩnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chính giữa, bên trái là đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng, bên phải là đồng chí Nguyễn Chí Thanh, rồi đến các vị Trần Độ, Vũ Lăng, Nam Long, Vương Thừa Vũ… Từ hàng ghế thứ tư là các vị cán bộ trung đoàn, sư đoàn và cán bộ của bộ tổng.
Bài hát của Đỗ Nhuận Giải phóng Điện Biên Phủ vang lên, màn từ từ mở, hiện ra hình ảnh quân dân miền ngược, miền xuôi, nam, nữ, già, trẻ, từng cụm, từng nhóm, rồi cả đoàn gần trăm người hát vang như sấm dậy.
Bài hát càng dồn dập thì tất cả mọi người cũng vỗ tay theo. Mấy bài hát tiếp theo thì thấy không khí hội trường càng sôi động. Khi mở màn Đôi lời Quan họ, Hoàng Cầm cảm thấyhồi hộp.
Đến đây thì ở lại đâyHương trà đã đượm, trầu cay lại nồng.
Sáu giọng nữ với tiếng đàn tranh ríu rít. Hai Đại tướng và tất cả đều hân hoan lắng nghe những giai điệu đậm đà tính dân tộc.
Sang đến Lý cây đa:
Chẻ tre đan nón ba tầmAi đem cho cô mình độiXem hội cái đêm hôm rằm tháng giêng.
Từ hàng ghế thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, một số vị chỉ huy ghé tai nhau, một cái gì đó không bình thường. Trên sân khấu, tốp nữ hát khổ đầu thật bay bướm, lẳng lơ, mắt cô nào cũng long lanh, lúng liếng, miệng cô nào cũng như búp hoa quỳnh đang nở dần ra, say đắm và thanh tao trinh bạch:
Yêu nhau cởi áo cho nhauVề nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Cái nón quai thao e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ che đi nửa mặt, nửa lại mở ra tròn trịa mời đón người tình:
Gió giục đêm đông trườngNửa chăn nửa chiếu nửa giường để đón chờ ai.
Đến đây thì bỗng từ hàng ghế thứ tư, những tiếng la ó dội lên:
– Hạ màn xuống! Đả đảo!
Tiếp theo, hình như có hàng trăm người đồng thanh hô theo:
–Đả đảo văn công! Hạ màn xuống! – Vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi! – Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống!
Thấy vậy, Hoàng Cầm và đồng chí Lê Khang, Phó chính ủy Đoàn văn công, giơ tay ra hiệu cho một đồng chí hậu đài lập tức hạ màn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại phía sau ngạc nhiên rồi nói gì đó với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bước rất nhanh lên sân khấu, nói như hét:
– Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à?
Làn sóng phản đối có nguôi đi nhưng vẫn chưa im lặng. Đại tướng nói tiếp, giọng càng gay gắt:
– Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng Quân đội nhân dân. Các ông thật là vô kỷ luật. Sao lại đả đảo văn công đã diễn để chào mừng mình? Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng. Các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha. Vậy, bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời về mà ngủ, ai muốn xem thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!
Ông Thái Dũng và năm sáu người nữa kéo nhau ra khỏi hội trường. Trong chiến dịch Điện Biên, ông Thái Dũng là trung đoàn trưởng giỏi, phụ trách ban tác chiến thuộc Bộ Tham mưu chiến dịch. Tên tuổi ông thuở ấy rất lẫy lừng.
Mấy người vừa lách qua các hàng ghế sắp ra đến cửa thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh gọi giật lại:
– Này, các ông bỏ về hả? Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công đến nhà riêng tôi, có cà phê, thuốc lá, đoàn của anh Hoàng Cầm phải diễn lại màn Quan họ này, cái tiết mục mà ông đả đảo ấy, diễn tại sân nhà tôi. Mai, các ông phải đến để tranh luận, tha hồ ý kiến! Thế nhé, ngày mai, tôi nhắc lại, đúng 2 giờ chiều, mời ông Thái Dũng và các đồng chí đến xem lại, rồi thảo luận dân chủ.
Nói dứt lời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bước xuống và hô to:
– Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn tiếp!
Tinh thần diễn viên bị uy hiếp nặng nề nên chưa hoàn hồn, hát rời rạc, mất hứng thú. Tiếng vỗ tay bên dưới thưa thớt uể oải. Nhưng có tiếng của ca sĩ Kim Ngọc:
– Anh Cầm ơi! Chúng em không nản chí đâu!
Hoàng Cầm liền ra lệnh:
– Còn năm tiết mục nữa, chúng mình phải gắng hết sức. Đừng phụ lòng anh Thanh, anh Văn (bí danh của đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhé!
Năm tiết mục tiếp theo, nhất là màn Múa sạp đã chiếm được tình cảm của tất cả các tướng sĩ, tâm hồn những người vừa thắng trận lịch sử. Kết thúc tiết mục cuối cùng, gần chục tướng tá nhảy lên sân khấu, ôm hôn, bắt tay, xoa tóc, có ông còn bế bổng một diễn viên lên mà nói:
– Xứng đáng với Điện Biên lắm! Khá lắm!
Anh Nguyễn Chí Thanh bắt tay động viên từng diễn viên của đoàn và hẹn chiều mai cả đoàn lên nhà anh diễn lại màn Quan họ để mọi người có dịp cùng nhau thảo luận.
Chiều hôm sau, mọi người đến nhà anh Nguyễn Chí Thanh rất đúng giờ. Trong cái sân rộng có ba bốn dãy bàn, số người có mặt tới gần trăm. Hàng ghế đầu đã thấy ông Thái Dũng. Trên thềm nhà cao ba bốn bậc, anh Nguyễn Chí Thanh đứng đón văn công, vẻ mặt rạng rỡ. Anh vẫn một giọng vui vẻ nói với cả "đội dân ca Quan họ":
– Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh hát, hát thật hay vào!
Rồi anh đi ra ngồi bên cạnh ông Lê Quang Đạo, ông Võ Hồng Cương. Anh nói:
– Đấy nhé. Mời các đồng chí xem lại cho thật kỹ cái mà hôm qua, khá đông các đồng chí đả đảo. Rồi văn công được phép biểu diễn hay không, sẽ tùy kết quả của cuộc tranh luận này.
Chấm dứt 25 phút biểu diễn, nhiều người đứng dậy vỗ tay với những tiếng "hoan hô!", "tuyệt vời!". Ông Thái Dũng cũng vỗ tay nhưng không mặn mà, có vẻ "bất đắc dĩ". Liền sau đấy, anh Nguyễn Chí Thanh đến chỗ diễn bắt tay Hoàng Cầm và cô Kim Ngọc cùng các diễn viên khác. Anh Nguyễn Chí Thanh nói to:
– Bây giờ tôi yêu cầu tất cả thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm, người bày ra tiết mục này, người chịu trách nhiệm về nó, phát biểu trước.
Hoàng Cầm đứng lên, nói đúng như nội dung đã bàn với cả Đoàn khi nhận chỉ thị của đại tướng Nguyễn Chí thanh để chuẩn bị tiết mục. Ngay sau đó, ông Thái Dũng đứng dậy nói:
– Trước hết, tôi thành thực xin lỗi các đồng chí cấp trên ở Tổng cục, xin lỗi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhất là xin lỗi anh Hoàng Cầm và Đoàn Văn công vì thái độ của một số anh em chúng tôi tối qua. Đó là vì tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Cái tính thẳng thắn, cứng nhắc ấy nó quen đi nên mới quát to lên lúc tối qua, thành ra có lỗi với cấp trên và đồng chí Hoàng Cầm. Nhưng, còn về tư tưởng, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ của mình. Cái màn hát đó chỉ có một tác dụng duy nhất là làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội. Màn hát này hiện nay không thể dùng được.
Có hàng chục ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn nhưng vẫn chia làm hai trường phái, một nửa phản đối, một nửa ủng hộ. Cuối cùng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích những cái hay, cái đẹp trong văn nghệ dân gian, trong dân ca truyền thống được cha ông chắt lọc gìn giữ lâu đời, nay cần bảo tồn và phát huy. Không phải qua những làn điệu dân ca trữ tình mà làm giảm sút ý chí chiến đấu của quân đội được. Đại tướng dẫn ra tranh hái dừa, Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm…chẳng lẽ cũng là thô tục?
Gần 5 giờ chiều, buổi thảo luận kết thúc, mọi người ra về đều vui vẻ. Các anh chị em văn công như trút được gánh nặng và hứa sẽ tiếp tục trau dồi, luyện tập, phục vụ quân đội những chương trình sinh động và hấp dẫn hơn.