Kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu

Sáng 21/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Theo đó, hoạt động kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan xây dựng các nội dung, kế hoạch, phương án chi tiết để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hóa - quê hương của danh nhân Lê Văn Hưu, mà còn trên phạm vi cả nước.

Chương trình nghệ thuật trong lễ kỷ niệm

Thiệu Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất có nhiều danh nhân, khoa bảng, anh hùng, hào kiệt, góp phần làm rạng ngời sử sách, non sông. Nổi bật trong đó là nhà giáo mẫu mực, nhà sử học Lê Văn Hưu - người được mệnh danh là “Ông tổ của nền sử học Việt Nam”. Bằng sự tinh anh và trí tuệ mẫn tiệp, ông đã soạn nên bộ “Đại Việt sử ký” lưu truyền cho muôn đời.

Lê Văn Hưu (1230 - 1322) được sinh ra ở vùng đất Kẻ Rỵ, tức giáp Bối Lý, sau đổi thành xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đào Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, suy đến cùng được bồi tụ từ sự xuất hiện và khẳng định tên tuổi, tài năng, đức độ của những người là nguyên khí của quốc gia. Trong đó, bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng, Lê Trạc Tú… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.

Đền thờ Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu có ý nghĩa hết sức thiết thực để nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa - lịch sử, đặc biệt là niềm tự hào của người dân Thiệu Hóa nói riêng và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Chương trình có dự tham gia của nhiều lãnh đạo tỉnh, Bộ, ban, ngành

Thanh Hóa là vùng đất sinh ra nhiều vua, chúa, quan lại trong suốt chiều dài của lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Đất của “Tam Vương” và nổi tiếng với hai dòng Chúa: Chúa Trịnh gồm 12 đời và Chúa Nguyễn có 9 đời.Thanh Hóa còn là vùng đất có truyền thống học hành, khoa bảng.

Trong suốt ngàn năm độc lập, tự chủ, các nhà sử học xứ Thanh đều là những nhà khoa bảng, có học vấn uyên thâm, am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là sử học. Tất cả đã tạo nên truyền thống độc đáo ấy mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-niem-700-nam-ngay-mat-cua-nha-su-hoc-le-van-huu-post190931.html