Kỷ Niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam (Tiếp theo kỳ trước)

Trong quá trình tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống khủng bố của thực dân, cán bộ, đảng viên luôn được thử thách, rèn luyện, thực hiện tốt chủ trương của Đảng bộ đề ra. Công tác củng cố, phát triển Đảng được quan tâm chú trọng. Số người được kết nạp ngày càng nhiều. Đến tháng 4/1931 tổng số đảng viên ở Hà Nam có 82 đồng chí ở 43 làng, khu phố thuộc 5 huyện, thị xã. Số đảng viên tăng lên, yêu cầu sâu sát với quần chúng được đặt ra. Ban Tỉnh ủy không thể trực tiếp giao nhiệm vụ cho từng đảng viên cho phù hợp từng địa bàn hoạt động, do vậy phải thành lập các Ban Huyện ủy: Bình Lục, Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân. Bình Lục có đông đảng viên nên còn thành lập các Ban Tổng ủy.

Cùng với phát triển đảng viên, Đảng bộ Hà Nam hết sức quan tâm xây dựng các tổ chức quần chúng, giao chỉ tiêu cho mỗi đảng viên phải tuyên truyền, thành lập một tổ chức quần chúng, lấy đó làm nơi tập hợp, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cho phát triển Đảng. Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội, Thanh niên là những tổ chức phát triển mạnh, nhất là Nông hội đỏ, tập hợp được đông đảo những nông dân tích cực.

Một số tổ chức hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp cũng được thành lập (Hội Hoa đăng, Hội Tập thiện, Hội May áo, Hội Đàn thiện...), qua đó, đảng viên tập hợp, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống hủ tục phong kiến lạc hậu, chống phụ thu lạm bổ. Những nơi phong trào phát triển mạnh (Bình Lục, Duy Tiên) còn tổ chức nhiều thanh niên khỏe mạnh hăng hái vào tổ Xích vệ, làm công tác bảo vệ cơ quan, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình, hội nghị quan trọng của Đảng. Những quần chúng tích cực có điều kiện kinh tế được tổ chức vào đội Xích trợ ủng hộ cách mạng về kinh tế. Đội thiếu nhi Xích vệ được thành lập, làm nhiệm vụ liên lạc, theo dõi địch, bảo vệ cơ sở Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức quần chúng công khai, nửa công khai này đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, cất giấu tài liệu của Đảng. Nhờ đó, các cuộc họp, mít tinh, biểu tình, các cơ quan, cán bộ Tỉnh ủy, Xứ ủy đi về hoạt động... đều được bảo vệ an toàn.

Giai đoạn 1930-1931, kẻ thù không ngừng phá hoại phong trào cách mạng bằng mọi thủ đoạn. Giữa năm 1931, nhiều cơ quan của Đảng từ Trung ương đến địa phương bị phá vỡ. Các cơ quan Trung ương ở Nam Kỳ, Xứ ủy ở Hải Phòng bị khủng bố mạnh. Hàng ngàn quần chúng ở nông thôn bị mật thám bắt bớ, tra hỏi, đe dọa, đuổi việc; một số trường học bị đóng cửa, hàng trăm cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xét xử, giam cầm… làm tổn thất lực lượng của Đảng bộ Hà Nam.

Ngày 4/5/1931, mật thám Pháp vây cơ quan giao thông của Tỉnh ủy Hà Nam ở thị xã Phủ Lý, bắt một số đồng chí. Tuy nhiên cơ quan Tỉnh ủy vẫn được bảo vệ và nhanh chóng chuyển về Quyển Sơn (Kim Bảng). Ở Bắc Kỳ, đến tháng 5/1931, chỉ còn cơ quan Tỉnh ủy Hà Nam, Thái Bình là chưa bị phá vỡ. Ngày 22/5/1931, 3 cán bộ Tỉnh ủy Hà Nam (Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Văn Tô, Nguyễn Duy Huân) bị mật thám bắt gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Tiếp theo một loạt cơ sở cách mạng bị phá vỡ.

Tháng 7/1931, những đồng chí còn lại của Tỉnh ủy Hà Nam đã họp bàn, kiện toàn cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, chỉ định bổ sung thay thế các đồng chí bị bắt; quy định thủ tục về tổ chức bảo vệ Đảng, củng cố phong trào, duy trì tinh thần đấu tranh của quần chúng. Cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện được kiện toàn, song cơ sở thu hẹp lại. Cơ quan Tỉnh ủy phân tán từng người một và thường xuyên lưu động. Tuy vậy, tờ báo Đỏ vẫn được phát hành, có nhiều bài kêu gọi quần chúng tiếp tục đấu tranh đòi cơm áo, vạch trần tội ác đế quốc phong kiến. Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1931), cờ Đảng lại xuất hiện ở núi Đường Cạnh (Thụy Sơn), cây đề chợ Chanh (Kim Bảng); cây gạo Lương Xá, cây đề Duyên Giang (Duy Tiên)... thể hiện tinh thần cách mạng bền bỉ đấu tranh của cán bộ, đảng viên Hà Nam trong hoàn cảnh bị địch điên cuồng khủng bố.

Tháng 1/1932 địch vây bắt đồng chí Lê Công Thanh lúc đó là Xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Từ đó đến tháng 5/1932, địch tiến hành bảy cuộc khủng bố, bắt 3 Tỉnh ủy viên, 9 đảng viên, 17 quần chúng cách mạng. Từ tháng 2/1931 đến tháng 10/1931, địch đưa hầu hết cán bộ, đảng viên, quần chúng bị bắt ra xử trước tòa án. Mặc dù bị khủng bố dữ dội nhưng đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng vẫn giữ vững tinh thần bất khuất, tỏ thái độ kiên cường; luôn lạc quan, tin tưởng, tích cực đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc; tranh thủ học tập lý luận cách mạng, học văn hóa, giúp đỡ động viên anh em tù giữ vững tinh thần cách mạng.

(Còn nữa)

(Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam 1927-1975)

.

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2025-143295.html