Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Để 'chất' nhân văn sáng mãi: Một giá trị căn cốt làm nên nền báo chí cách mạng

Nhân văn là một giá trị căn cốt đã làm nên nền báo chí cách mạng Việt Nam vẻ vang với ngót 100 năm lịch sử. Nay yêu cầu xây dựng nền báo chí 'chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại' còn được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội tác nghiệp tại mũi Cà Mau. Ảnh: Nguyệt Ánh

Phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội tác nghiệp tại mũi Cà Mau. Ảnh: Nguyệt Ánh

1. Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến báo chí Việt Nam, được quy định bởi pháp luật. Theo đó, Luật Báo chí 2016 định nghĩa: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử” (Điều 3). Chức năng, nhiệm vụ của báo chí được xác định trong khoản a, mục 2 Điều 4 Luật này: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”.

Bác Hồ từng nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Ta cũng có thể nói: Để có một nền báo chí cách mạng, trung thực, nhân văn, cần phải có cơ quan báo chí, nhà báo, tác phẩm báo chí cách mạng, trung thực, nhân văn.

Trong một số lần đặt câu hỏi trắc nghiệm cũng như đọc các bài báo đã đăng, chúng tôi thấy đa số quan niệm rằng: Nhân văn là tình yêu thương, sẻ chia với con người, là một hoạt động hướng ngoại; là nêu gương người tốt, việc tốt để mọi người noi theo. Như thế là đúng, nhưng chưa đủ.

Nhân văn là một từ Hán Việt. Nhân là người. Văn nguyên nghĩa là “vằn”, chỉ màu sắc rực rỡ, trông đẹp mắt của các loài vật; nghĩa được hiểu đúng về “văn” ngày nay tức là cái đẹp, sự đẹp đẽ.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc

Như vậy, “Nhân văn là bản chất, là nhu cầu, là hoạt động có ý thức (cả hướng nội và hướng ngoại) của con người hướng tới sự cao đẹp của con người, vì con người”. Nội dung của nhân văn, ở tầm vĩ mô là cuộc chiến đấu giải phóng loài người, xây dựng một xã hội hạnh phúc. Ở cấp độ ứng xử, là sự yêu thương, chia sẻ, sự nâng đỡ tạo điều kiện cho người khác thoát vượt khó khăn, càng ngày càng phát triển; chứ không phải để chèn ép, áp bức, thậm chí loại bỏ người khác. Nhân văn còn là hoạt động tích cực để chống lại “tính bản ác” trong con người. Lịch sử nhân loại chứng minh rằng, sự tàn ác của con người, một loại con tự nhận là thông minh (homo sapiens) nhất, chính là kẻ đã tiêu diệt các loài khác, tiêu diệt nòi giống mình, phá hoại thiên nhiên một cách ghê gớm nhất. Chính loài người có thể đẩy thế giới đến sự tận diệt.

2. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa được tiến hành ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là một cuộc cách mạng nhân văn, vì giải phóng dân tộc, vì con người.

Bản chất của chủ nghĩa tư bản là áp bức và bóc lột, là một số ít người giàu thống trị và sống trên lưng đa số người nghèo. Dù hình thức có thay đổi thế nào, thì bản chất ấy vẫn không bao giờ thay đổi. Chủ nghĩa xã hội chính là con đường tương lai của nhân loại. Trong bài “Thư không dán gửi Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21-4-1960, Bác Hồ dẫn lời của Harriman, bạn của Tổng thống Mỹ Eisenhower: “Trong cuộc đấu tranh tư tưởng của người ta, rõ ràng ưu thế đã ngả về chủ nghĩa xã hội chứ không phải ngả về chủ nghĩa tư bản”.

Những từ như “cách mạng”, “cộng sản”, “chủ nghĩa xã hội” ngày nay dường như làm cho một số người dị ứng. Những ai từng trải qua kiếp nô lệ thì mới thấu hiểu cuộc cách mạng của dân tộc ta là một sự cứu rỗi, đổi đời. Cách mạng, theo Bác Hồ là “tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt”, là để xây dựng chế độ dân chủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã nói theo cách nói của dân ta: Chủ nghĩa xã hội là mọi người ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do; Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý.

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.

Như vậy, làm cách mạng, đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, suy cho cùng là giải phóng con người, đem lại tự do, sung sướng cho con người. Nó chính là sự nghiệp nhân văn.

Trong nhận thức của nhiều người cho đến hôm nay, việc coi báo chí như một công cụ, một vũ khí sắc bén của cách mạng, đòi hỏi báo chí phục vụ chính trị... dường như là một quan niệm khô cứng ép buộc, hạ thấp vai trò của ngòi bút. Không! Hoàn toàn ngược lại. Được làm một ngọn bút phục vụ cho sự nghiệp cách mạng cao cả ấy là một vinh dự.

Trong phạm vi bài báo này, tôi không thể bàn nhiều đến hoạt động báo chí nhân văn, mà chỉ nói về chủ thể của nó, tức nhà báo. Đã từng nhiều người đặt câu hỏi: Nhà báo, anh là ai? Và từng có những cách trả lời khác nhau. Đã có những biểu hiện khác nhau, khi ngày nay, chúng ta thấy báo chí càng ngày càng xa rời tính trung thực, tính cống hiến; vồn vã với những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Nhà báo trước hết là chiến sĩ, là cán bộ cách mạng, là người “đầy tớ trung thành” của nhân dân.

Xác định và tự hào với vai trò này, người làm báo sẽ thấy hạnh phúc, vinh quang khi được bày tỏ sự hiếu thảo với dân, dùng tài năng, sức lực, và khi cần cả sự sống của mình cho nhân dân, cho Tổ quốc; không để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” như Chế Lan Viên từng viết.

Xác định và tự hào với vai trò này, nhà báo sẽ không bao giờ bị những dục vọng tầm thường lôi kéo, không bao giờ bị tiền bạc, quyền lực bẻ cong ngòi bút, nhuộm đen danh dự và tâm hồn. Rốt cuộc kết thúc cuộc đời mình một cách bi thảm.

Xác định và tự hào với vai trò này, nhà báo sẽ không ngừng phấn đấu tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực chuyên môn và nhân phẩm.

Tôi tin rằng, hầu hết các nhà báo hiện nay đều biết đến Tháp nhu cầu của Abraham Harold Maslow (Mỹ, 1908 - 1970). Đó là năm bậc: Nhu cầu sinh lý/ Nhu cầu an toàn/ Nhu cầu được yêu thương/ Nhu cầu được tôn trọng/ Nhu cầu tự hoàn thiện. Khi con người có nhu cầu được yêu thương, tôn trọng, biết hoàn thiện mình, chắc chắn hoạt động của họ sẽ hướng tới sự cống hiến, đem tới tình yêu thương con người, lợi ích xã hội. Nhà báo, cơ quan báo chí từ đó sẽ sáng tạo ra muôn vàn hình thức hấp dẫn, phong phú và hiệu quả vì nhân văn chứ không chỉ có những chuyên mục, những cuộc thi viết như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Báo Nhân Dân), Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (Báo Quân đội nhân dân), “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” (Đài Truyền hình Việt Nam); phát hiện và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...

3. Như trên đã nói, vì nhân văn là phải chống lại cường quyền, lừa mị và xâm hại lợi ích của nhân dân, của đất nước; chống lại hủy hoại môi trường.

Với nhà báo, cũng phải chống lại sự tự diễn biến, suy thoái; chống lại sự lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp của mình; không nên khi trong tay có cái búa, thì coi mọi người khác, vật khác chỉ là cái đinh.

Tôi lại nhớ, năm 2014, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã gọi tên những tiêu cực, tình trạng tự diễn biến trong báo chí, gồm thông tin sai sự thật; biến báo chí trở thành công cụ lăng xê mình, hạ đối thủ trong chính trị, kinh tế, nghệ thuật; dùng báo chí để trả thù cá nhân, che giấu tội ác, tiêu cực; dùng báo chí để chạy chức, chạy dự án, chạy tội; nhà báo viết thuê, tờ báo làm thuê... ("Báo chí và văn hóa" - sách "Quét cầu thang", NXB Chính trị quốc gia, 2015). Ngày nay, sau 10 năm, tình trạng đó vẫn còn nguyên và có thêm một số hiện tượng đáng buồn mới như coi viết báo là một nghề kiếm sống thuần túy và dễ dàng; lao động báo chí cẩu thả, copy của nhau, có một sự kiện nào thì mọi tờ báo đều in sao lại thông cáo báo chí hoặc người ta nói gì viết nấy; thậm chí viết theo tin đồn mà không kiểm tra thông tin, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác.

Chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tôi nhớ, ngày 27-12-1945 tại Hà Nội, có gần 100 nhà báo đại biểu cho vài trăm nhà báo khác để thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, bầu nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân làm Chủ tịch. Ngày nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã có hơn 25 nghìn hội viên, đó là bước phát triển đáng tự hào. Nhưng vẫn có nhiều câu hỏi đáng đặt ra, rằng trong số đó thật sự có bao nhiều nhà báo viết được những tác phẩm báo chí mà “quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay” như căn dặn của Bác Hồ trong "Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (7-1-1949)"?

Tóm lại, muốn trở thành nhà báo chân chính, muốn và có thể đóng góp cho con người và xã hội, trước hết, nhà báo phải là một nhà nhân văn; cơ quan báo chí phải là một cơ quan nhân văn. Nếu không được như thế, nhiều khi các hoạt động “từ thiện” cũng có thể là một hành động cơ hội.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-1925-21-6-2024-de-chat-nhan-van-sang-mai-mot-gia-tri-can-cot-lam-nen-nen-bao-chi-cach-mang-669878.html