Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Báo chí thời 'chuyển đổi số'

Năm kia, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1962 - 2022), có cuộc giao lưu diễn ra sôi nổi giữa các thế hệ sinh viên nhà trường. Tại đây, một sinh viên đang học năm cuối đã nêu câu hỏi với một cựu sinh viên là nhà báo khá nổi tiếng: Trước đây việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạn chế, vậy mà tại sao nhà trường lại đào tạo được nhiều nhà báo giỏi, là những cây bút có uy tín như thế?

Câu trả lời được nhiều người đồng tình là: Thời ấy, những người làm báo với một nhiệt huyết tràn đầy, ngòi bút lúc nào cũng như có lửa. Họ hành nghề với sự dấn thân hết mình, gắn chặt với thực tiễn đời sống, sáng tạo tác phẩm báo chí từ thực tiễn và đem lại giá trị thực tiễn bằng tác phẩm của mình. Vì thế, họ được công chúng bạn đọc coi như những “cây bút thẩm quyền”.

 Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tác nghiệp. Ảnh: CTV.

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tác nghiệp. Ảnh: CTV.

Rồi cũng chính người trả lời trên đây lại nêu câu hỏi: Liệu những phẩm chất của các nhà báo trong nền báo chí truyền thống trước đây có đủ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong thời đại kỹ thuật số? Có đủ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ “bốn chấm không” (4.0) đang được các quốc gia trên toàn thế giới hướng đến?

Rất nhiều sinh viên và cựu sinh viên đã hào hứng trả lời câu hỏi trên đây, biến cuộc giao lưu thành một buổi tọa đàm nghiệp vụ xoay quanh chủ đề: “Báo chí thời chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức”. Cơ hội để ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số vào hoạt động báo chí thì rõ rồi; nhưng thách thức là rất mới, rất lớn, rất cấp thiết... Nó đòi hỏi mỗi nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí phải có sự chuyển đổi mau lẹ, đối phó kịp thời với “cái chết của báo giấy” đang cận kề...

Quả thực ngày nay, hình ảnh mỗi người trên tay vừa cầm tờ báo vừa nhâm nhi ly cafe vào các buổi sáng trong quán xá đã trở nên khan hiếm. Trên đường phố cũng khó mà bắt gặp hình ảnh một bác xích-lô hay người lái xe ôm đang chăm chú đọc tờ báo giấy dưới gốc cây trên vỉa hè trong lúc nghỉ ngơi. Thay vào đó là chiếc điện thoại thông minh để “lướt sóng”. Truyền thông xã hội đã làm thay đổi mối quan hệ giữa báo chí và độc giả. Nó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong báo chí.

Trước đây, độc giả đón nhận thông tin một chiều, thiếu cơ chế giám sát cũng như phản hồi đối với thông tin báo chí. Giờ đây, hầu hết các báo điện tử đều có mục “Bình luận của bạn đọc” (comment) và “yêu thích” (like) dưới mỗi bài viết. Một số tờ báo đã tạo ra diễn đàn chung để công chúng cùng thảo luận những vấn đề xã hội quan tâm. Các phương tiện truyền thông hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng. Do vậy, độc giả cũng đóng góp vào việc sản xuất và phổ biến thông tin. Có thể nói ở chừng mực nào đó, độc giả cũng là “đồng tác giả” một sản phẩm báo chí.

Rồi nữa, sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội (MXH) cùng những tiện ích vô cùng của nó đã hình thành nên nền “báo chí công dân” với nền tảng công nghệ của truyền thông xã hội, đã giúp cho công chúng mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách tương tự như một nhà báo, bằng cách tự cung cấp, tự quảng bá và lan truyền những sản phẩm mang tính báo chí của mình ra cộng đồng. Ở nước ta, “báo chí công dân” đã cung cấp thông tin đa chiều hơn cho độc giả bên cạnh các kênh truyền thông chính thống. MXH cũng đã đặt ra cho báo chí chính thống nhiệm vụ nâng cao chất lượng thông tin, hàm lượng thông tin, cần có những bài viết phân tích sâu sắc để lý giải những vấn đề, những sự việc mà dư luận xã hội quan tâm tới.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, nguyên Tổng Biên tập một tờ báo điện tử vào loại sớm nhất ở nước ta từ những năm đầu thế kỷ 21, kể: Cách nay hơn chục năm, ông được đến thăm tòa soạn The New York Times là tờ báo danh tiếng nhất ở Mỹ, được thành lập từ năm 1851 với số lượng phát hành hàng triệu bản mỗi ngày. Tại đây, ông vô cùng ngạc nhiên khi họ nói rằng khoảng dăm năm nữa, có thể họ sẽ ngừng xuất bản báo giấy, do tình trạng sụt giảm doanh thu liên tục trong nhiều năm gần đây.

Cách nay 4 năm, ông trở lại Mỹ và chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục của The New York Times, nhờ chiến lược tận dụng triệt để sức mạnh lan truyền của các nền tảng MXH làm kênh giao tiếp với độc giả. Cùng đó là sự phát triển của phiên bản di động và đẩy mạnh các ứng dụng mới, tạo sản phẩm độc lập với nội dung của tờ báo. Chuyển đổi số đã mang về cho tờ báo nguồn doanh thu hơn 800 triệu USD vào cuối năm 2020. Doanh thu từ theo dõi thuê bao (subscription) trên nền tảng số của The New York Times đã tăng trên 40% qua mỗi năm...

Internet băng thông rộng của thế hệ mới, với công nghệ số và đổi mới sáng tạo... đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra thách thức, phương tiện truyền thông mới, làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin báo chí của cộng đồng xã hội. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí và quản lý báo chí phải có những giải pháp ứng phó kịp thời, tương thích và hiệu quả.

Rõ ràng với Internet băng thông rộng của thế hệ mới, với công nghệ số và đổi mới sáng tạo... đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra thách thức, phương tiện truyền thông mới, làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin báo chí của cộng đồng xã hội. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí và quản lý báo chí phải có những giải pháp đối phó kịp thời, tương thích và hiệu quả. Mô hình báo chí đa phương tiện được coi như một giải pháp tích cực. Đây là xu hướng tất yếu của nền báo chí hiện đại, thời công nghệ 4.0.

Ngay ở nước ta hiện nay, một số cơ quan báo chí đã chuyển từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn đa phương tiện. Đó là việc một tòa soạn phải được sắp xếp lại, tổ chức lại bộ máy nhân lực, quy trình làm báo để trở thành “guồng máy” thống nhất sản xuất tin, bài cho tất cả các loại hình báo chí. Đồng thời với mô hình tòa soạn hội tụ là mô hình báo chí tương tác, tạo ra những mục để độc giả có thể bình luận, trao đổi trực tiếp mọi nội dung của bài báo. Theo đó, bản thân người làm báo phải luôn linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề và nắm bắt phản hồi của dư luận...

Theo nhiều chuyên gia truyền thông, chuyển đổi số đang mở ra một thời đại hoàng kim của báo chí. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ hiện hữu với những cơ quan báo chí dám thay đổi, quyết liệt áp dụng công nghệ để phát triển. Làm báo trong kỷ nguyên công nghệ đặt ra nhiều thách thức mới, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển chưa từng có. Nhân loại đã chứng kiến thành công của những gã khổng lồ trong làng công nghệ như Facebook hay Google. Vậy còn những tờ báo nào đang lúng túng, thậm chí chưa đưa công nghệ vào mô hình hoạt động của mình, cần sớm có chiến lược thay đổi để thích nghi và phát triển. Đứng ngoài công nghệ là nguy cơ tiềm ẩn cho giai đoạn thoái trào, phá sản!

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí cách mạng nước ta đã hoàn thành xuất sắc những sứ mạng cao cả của mình. Ngày nay, trước vận hội mới của “thời đại 4.0” cùng những thách thức to lớn của công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, những người làm báo càng phải phấn đấu hơn nữa; ra sức tu dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp; gắn kết những thành tựu của khoa học công nghệ với những phẩm chất tốt đẹp của báo chí truyền thống, để xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của các nhà báo cách mạng Việt Nam!

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-bao-chi-thoi-chuyen-doi-so-063403.bbg