Kỷ niệm khi tác nghiệp tại cơ sở

Đi thực tế vừa là yêu cầu nghề nghiệp, vừa là yêu cầu đối với mỗi người làm báo. Đi để khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và để lắng nghe hơi thở cuộc sống. Với tôi, mỗi khi được về cơ sở là một trải nghiệm mới, một câu chuyện mới và có những kỷ niệm đáng nhớ.

Được nhận vào công tác tại Tòa soạn Báo Hà Giang - cơ quan Báo Đảng của tỉnh, tôi được phân công về tại Phòng Phóng viên. Ngày đầu tiên bắt đầu công việc, tôi được phân công theo dõi, phụ trách tuyên tuyền tại địa bàn huyện Quản Bạ. Từ khi đó hành trình “đi và viết” của tôi bắt đầu.

Quản Bạ là một trong những huyện vùng cao biên giới của tỉnh, với 13 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã biên giới giáp với huyện Malypho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn huyện có 19 dân tộc, trong đó đa số là dân tộc Mông, Dao, Tày…

Tác giả (áo trắng) tại Mốc 318 trong chuyến tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. Ảnh: PV

Tác giả (áo trắng) tại Mốc 318 trong chuyến tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. Ảnh: PV

Trong hành trình tác nghiệp tại cơ sở sau mỗi tác phẩm với tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm. Mỗi vùng, mỗi xã tôi đến đều có những ấn tượng khác nhau. Điều tôi thích nhất ở nghề báo có lẽ là trong những chuyến đi cơ sở những vùng đặc biệt khó khăn, mỗi năm đi qua, bà con nơi tôi phụ trách đều dần thay đổi từng ngày.

Trở lại vùng biên Nghĩa Thuận vào một ngày mưa Hạ, tôi cùng cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận và lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện vẫn quyết tâm tham gia tuần tra biên giới tại các Mốc 318, 319. Đi xe máy từ UBND xã đến trung tâm thôn Ma Sào Phố, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ, con đường đất dốc vì mưa đã trở nên trơn trượt và lầy lội, tôi cảm thấy mình dần mệt mỏi, bước chân chậm chạp hơn. Nhưng khi được CBCS của Đồn và các ĐVTN động viên nhiệt tình, tôi như được tiếp thêm năng lượng. Giữa vùng biên khắc nghiệt, đầy gian khó để bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc, dù nắng mưa hay ngày đêm các anh luôn có mặt tuần tra, bảo vệ biên giới. Có lẽ vì vậy mà mỗi cánh rừng, con suối, lối đi đều ghi dấu kỷ niệm của các anh. Chính những hình ảnh chân thật ấy đã trở thành tư liệu “sống” cho những bài viết đầu tiên của tôi về biên giới.

Trong lần tác nghiệp tại Mốc 318, từng lời giới thiệu về cột mốc của Thượng úy Lê Phúc Mạnh - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Nghĩa Thuận, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận như càng khắc sâu vào tâm trí mỗi người đến dự. Giữa cơn mưa mùa Hè, quần áo ai nấy đều đã ướt, nhưng tất cả chúng tôi vẫn mang trong mình trái tim rực cháy, thực hiện nghi lễ chào cờ thật nghiêm trang với một cảm xúc dâng trào. Cảm xúc ấy khó gọi bằng tên, như có một sức mạnh đặc biệt, làm bao mệt mỏi tan biến. Nó làm cho nhiều người lần đầu tiên đặt chân đến phải rưng rưng khóe mắt.

Niềm vui của những chuyến đi cơ sở là được gần gũi với nhân dân các dân tộc để tìm hiểu về văn hóa đời sống bà con. Ảnh: PV

Niềm vui của những chuyến đi cơ sở là được gần gũi với nhân dân các dân tộc để tìm hiểu về văn hóa đời sống bà con. Ảnh: PV

Đến với biên cương, tôi được chứng kiến niềm vui hiện hữu trên gương mặt những người lính bởi sự khéo léo, chịu khó và chăm chỉ của các anh đã gieo lên vùng đất cằn cỗi một màu xanh tươi mới với vườn rau đủ các loại theo mùa, cây trái trĩu cành; khuôn viên doanh trại sạch, đẹp thoang thoảng hương hoa...

Rồi những lần theo các anh đến các thôn, bản tác nghiệp tôi càng hiểu rằng, nhiều năm qua, CBCS các đồn biên phòng đóng chân tại địa bàn huyện Quản Bạ như Đồn Tùng Vài, Nghĩa Thuận đã không quản khó khăn, cùng Nhân dân vùng biên xây dựng Nông thôn mới; phát triển các mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo; tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí; mở các lớp học xóa mù chữ, làm đường nông thôn; sửa chữa nhà ở cho bà con...

Nhớ những ngày đầu đến biên giới cũng như các xã nội địa trong huyện, chứng kiến cuộc sống của bà con thay đổi từng ngày, tôi cảm thấy vui vì đã có nhiều gia đình thoát nghèo và có nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả, xuất hiện nhiều tấm gương sáng bản, làng. Đó là thành quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cửa ngõ Cao nguyên đá.

Trong không khí của những ngày tháng Sáu nhiều ý nghĩa đối với những người làm báo, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào. Với tôi hành trình làm báo là những kỷ niệm khó quên và đầy cảm xúc. Tự nhủ rằng phải sống xứng đáng với nghề, với niềm tin của mọi người dành cho nghề báo, nhà báo.

NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/ky-niem-khi-tac-nghiep-tai-co-so-e49759d/