Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: 'Nghề cao quý...' - Tự hào và trách nhiệm
Nelson Mandela - nhà cách mạng lỗi lạc Nam Phi, giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 1993, có câu nói nổi tiếng: 'Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới'. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị - xã hội tầm quốc tế của mình, Nelson Mandela luôn đề cao vai trò của giáo dục trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo và lạc hậu.
Bất cứ ở đâu và thời đại nào, đội ngũ nhà giáo cũng là lực lượng nòng cốt, là nhân tố trọng yếu của sự nghiệp giáo dục. Dân tộc Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, người dạy học được gọi là “Thầy” với hàm ý tôn vinh người dạy học như cha mẹ - “sư phụ”. Bậc túc nho thì quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Dân gian thì nói giản dị: “Không thầy đố mày làm nên”.
Phát huy truyền thống của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, tạo điều kiện cho họ thực hiện sứ mệnh cao cả là “trồng người” vì tương lai của dân tộc. Và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hằng năm là ngày để toàn xã hội tôn vinh những người làm “nghề cao quý trong các nghề cao quý”.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập, khiếm khuyết do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến xã hội đôi khi phải phiền lòng, ca thán nhưng nhìn chung, đội ngũ nhà giáo hiện nay đã đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005. Hầu hết các nhà giáo trong hệ thống giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp đều có tinh thần trách nhiệm trong công việc; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các nhà trường cũng như yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước.
Hình ảnh những giáo viên “cắm bản” thực sự là những tấm gương về sự tận tụy với công việc, yêu trẻ, yêu nghề. Họ cùng với hàng trăm ngàn giáo viên “chính danh” và “vô danh” đang ngày đêm cặm cụi cần mẫn “đưa đò” để góp phần tạo dựng cho giáo dục Việt Nam có vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Những năm gần đây, trong bối cảnh chung của thời cuộc và những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, ngành Giáo dục có những sa sút về mặt này mặt khác. Người ta lo lắng cho nền giáo dục nước nhà. Song, như chúng ta thấy, tuy chưa đáp ứng được trọn vẹn kỳ vọng của xã hội, nhưng giáo dục Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển. Kết quả ấy thể hiện sự đóng góp có ý nghĩa nền tảng của đội ngũ nhà giáo.
Mặt khác, khi đánh giá “giáo dục sa sút” cũng cần phải hiểu là trong tương quan so sánh với sự phát triển của đất nước, với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Còn so với trước đây thì nhiều mặt của sự nghiệp giáo dục hiện nay đã có chuyển biến tốt. Trẻ em ngày nay có khả năng nhận thức, tư duy và nhiều kỹ năng vượt xa trẻ em cách đây vài chục năm. Tất cả những điều đáng mừng đó, thì “phần nhiều do giáo dục mà nên” như sinh thời Bác Hồ đã dạy.
Có một nghịch lý đang diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay: Trong lúc các ngành và các địa phương đang tích cực giảm biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn và hiệu quả, thì ngành Giáo dục lại đang thiếu giáo viên trầm trọng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học 2023 - 2024, cả nước thiếu 118 nghìn giáo viên, tập trung chủ yếu ở khối mầm non và phổ thông công lập tại các thành phố lớn. Năm 2022, số giáo viên được tuyển dụng thêm mới chỉ đạt khoảng 67% nhu cầu và dự báo tình trạng này còn kéo dài trong nhiều năm trước mắt.
Một trong những nguyên nhân của sự thiếu hụt trên đây là bởi những năm gần đây xuất hiện tình trạng giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển ngành. Theo thống kê của ngành Giáo dục, năm học 2021-2022 cả nước có 16.265 giáo viên xin nghỉ việc, hoặc chuyển ngành. Trong đó, số giáo viên phổ thông công lập nghỉ việc là 10.407 người… Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng “rời bỏ” này, nhưng chủ yếu là do thu nhập không đủ cho cuộc sống bản thân và gia đình.
Những người thầy giáo, cô giáo cần nhớ mình đang đứng trong đội ngũ những người làm nghề “cao quý trong các nghề cao quý” để tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề; để là người thúc đẩy con thuyền phát triển của đất nước, chứ không phải là những người “lái đò” trên bến vắng vô hồn, trước biển học vô bờ. Đất nước Việt Nam phát triển bền vững hay không là nhờ ở sự nghiệp trồng người, là trông vào sự nghiệp “quốc sách hàng đầu” mà đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công hay thất bại!
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm cải cách tiền lương cho ngành Giáo dục, nhưng hiện nay thang bậc lương giáo viên vẫn đứng thấp hơn nhiều ngành nghề khác. Một giáo viên chục năm trong nghề, lương cũng không bằng người làm “osin” giúp việc. Giáo viên có thêm phụ cấp đứng lớp từ 25%- 30% lương cơ bản, trong khi một người làm tạp vụ ở cơ quan Đảng và đoàn thể, hiện cũng có phụ cấp 30%, có ngành còn phụ cấp trên 100%...
Cùng đó, giáo viên lại là nghề đang phải chịu quá nhiều áp lực. Đồng ý rằng trong xã hội hiện đại thì ngành nào cũng có áp lực. Vấn đề là không nên tạo ra những áp lực không đáng có cho người thầy. Chẳng hạn về chứng chỉ ngoại ngữ áp dụng cho tất cả các giáo viên là không thực tế. Ai cũng biết có ngoại ngữ thì rất lợi thế, nhất là trong điều kiện hội nhập.
Tuy nhiên với những giáo viên đã đứng lớp hàng chục năm, đã hoàn thành việc giảng dạy các môn học được đào tạo, nay yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ có thực sự cần thiết không? Và ngoại ngữ cũng là một trong rất nhiều những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, danh hiệu… xuất phát từ căn bệnh thành tích trầm kha của ngành giáo dục hiện nay mà người giáo viên phải “phấn đấu” để đạt cho được.
Trong khi đó, “đầu vào” cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của ngành Giáo dục, hiện cũng đang hết sức khó khăn. Trước đây, sư phạm được coi là một ngành “hot” với điểm tuyển sinh thuộc tốp đầu, vì hồi đó Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên thu hút nhân tài cho ngành sư phạm; trong đó có việc miễn hoàn toàn học phí, cùng nhiều cơ hội tuyển dụng và nhiều cải tiến chính sách đãi ngộ giáo viên… Nhưng dần dần nhu cầu tuyển dụng bão hòa, chính sách miễn học phí không còn hấp dẫn nữa. Chưa kể sinh viên sư phạm ra trường, việc để được vào một ngôi trường nào đó phù hợp với chuyên môn được đào tạo và điều kiện gia đình là vô cùng nhiêu khê, phức tạp…
Còn rất nhiều lý do chủ quan và khách quan khác khiến tuổi trẻ, nhất là những người học giỏi, ngày càng ít mặn mà với nghề sư phạm. Thực tế trên đây đòi hỏi xã hội, trước hết là các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng, trước hết là chất lượng “đầu vào” của một nghề được coi là thầy của tất cả các nghề. Làm thầy giỏi không chỉ là nghề mà còn phải là “nghiệp” của những người tài năng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Bởi vậy, một chiến lược căn cơ về đào tạo, tuyển dụng và trọng dụng đội ngũ giáo viên cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước đang là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại là ngày nay không nghề nào không có áp lực. Những thầy giáo, cô giáo cần nhớ mình đang đứng trong đội ngũ những người làm nghề “cao quý trong các nghề cao quý” để tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề; để là người thúc đẩy con thuyền phát triển của đất nước, chứ không phải là những người “lái đò” trên bến vắng vô hồn, trước biển học vô bờ. Đất nước Việt Nam phát triển bền vững hay không là nhờ ở sự nghiệp trồng người, là trông vào sự nghiệp “quốc sách hàng đầu” mà đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công hay thất bại!
Mai Nam Thắng