Kỷ niệm ngày Quốc tế nghị viện với chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh

Hôm nay, 30.6, các thiết chế dân chủ trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Nghị viện. Đây là dịp để vinh danh các nghị viện trên khắp thế giới và công việc mà thiết chế này đang nỗ lực cho nền dân chủ. Chủ đề của năm 2023 là Nghị viện vì Hành tinh và IPU đã phát động một chiến dịch để kêu gọi các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới hành động hướng tới một tương lai xanh hơn và bền vững hơn.

Lịch sử và ý nghĩa

Ngày Quốc tế Nghị viện (30.6) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thiết lập vào năm 2018 để ghi nhận tầm quan trọng của các thể chế nghị viện. Ngày này có tầm quan trọng lịch sử vì nó đánh dấu việc thành lập Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vào năm 1889. IPU được thành lập thông qua nỗ lực hợp tác của hai cá nhân có tầm nhìn xa trông rộng, William Randal Cremer đến từ Anh và Frederic Passy đến từ Pháp. Mặc dù có nền tảng xã hội khác nhau, cả hai đều có chung niềm tin vào việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua đàm phán hòa bình. William Randal Cremer và Frederic Passy đã đoàn kết các nghị sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hungary, Italy, Liberia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, trong cuộc họp liên nghị viện đầu tiên được tổ chức tại Paris, Pháp vào năm 1889. Từ đó, IPU được thành lập, với mục tiêu cao cả là thúc đẩy quản trị dân chủ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và khuyến khích sự hợp tác giữa các nghị viện quốc gia. Hiện tại, IPU gồm 175 nghị viện quốc gia thành viên.

Logo của Chiến dịch "Nghị viện vì Hành tinh". Ảnh: IPU

Logo của Chiến dịch "Nghị viện vì Hành tinh". Ảnh: IPU

Sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế nghị viện hàng năm cũng là dịp nhắc nhở các các cơ quan lập pháp trên khắp thế giới xem xét lại các thông lệ, chính sách và sáng kiến của họ, với mục đích tăng cường mối quan hệ giữa các đại biểu và công dân mà họ phục vụ.

Chủ đề Ngày Quốc tế Nghị viện 2023

Hàng năm, LHQ công bố chủ đề cho năm kỷ niệm và danh sách các sự kiện, dựa vào đó để tổ chức ngày Quốc tế Nghị viện. Chẳng hạn vào năm 2022, LHQ đặt ra chủ đề về sự tham gia của công chúng nhằm khuyến khích sự tham gia của công chúng vào công việc của Nghị viện.

Đối với năm 2023, LHQ đã đặt ra chủ đề “Nghị viện vì Hành tinh” (Parliament for the Planet) nhằm gửi đi thông điệp đơn giản ằng: “Hành động vì khí hậu cần bắt đầu ở mỗi nước”. Chủ đề này cũng nhằm mục đích: thúc đẩy giảm lượng khí thải carbon; khuyến khích các quốc gia áp dụng các chính sách xanh hơn; nỗ lực vì một tương lai bền vững.

Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh

Cùng với chủ đề bao trùm mà LHQ đặt ra, IPU đã phát động chiến dịch “Nghị viện vì Hành tinh”, được thiết kế để vận động các nghị viện và nghị sĩ hành động trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Chiến dịch này được phát động tại Đại hội đồng IPU lần thứ 146 ở Manama, Bahrain hồi tháng 3 vừa qua, với sự nhất trí ủng hộ của đại diện các Nghị viện đến từ hơn 130 quốc gia.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khởi động Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh vào ngày 14.3.2023 tại Đại hội IPU lần thứ 146 diễn ra ở Manama, Bahrain. Ảnh IPU

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khởi động Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh vào ngày 14.3.2023 tại Đại hội IPU lần thứ 146 diễn ra ở Manama, Bahrain. Ảnh IPU

Chiến dịch sẽ khuyến khích các nghị viện cùng tất cả các cơ quan của nghị viện “làm gương” và đi tiên phong trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong chính hoạt động của mình; thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Với khẩu hiệu: “Nghị viện của chúng ta, Hành tinh của chúng ta và tương lai toàn cầu chung”, chiến dịch bao gồm hai phần: Phần một khuyến khích các nghị viện “trở thành một thiết chế xanh hơn” bằng cách áp dụng các biện pháp khử carbon áp dụng trong chính hoạt động hàng ngày của tòa nhà nghị viện và hoạt động của cá nhân các nghị sĩ. Để hỗ trợ các nghị viện thực hiện mục tiêu này, IPU đã xuất bản hướng dẫn: 10 hành động để nghị viện xanh hơn.

Hướng dẫn của IPU về 10 hành động để nghị viện xanh hơn. Ảnh: IPU

Hướng dẫn của IPU về 10 hành động để nghị viện xanh hơn. Ảnh: IPU

10 hành động bao gồm các biện pháp giúp hoạt động của nghị viện bền vững hơn, chẳng hạn như theo dõi lượng khí thải của chính nghị viện và đặt ra các mục tiêu để giảm thiểu chúng; chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; triển khai thực hành mua sắm xanh; và chấp nhận số hóa.

Các nghị sĩ được khuyến khích trở thành nhà “những người tiên phong” trong nỗ lực chống khí hậu bằng cách nâng cao nhận thức cho các cử tri của họ, thúc đẩy hợp tác giữa các đảng phái để đề xuất các chính sách xanh cả trong và ngoài nghị viện.

Phần hai của chiến dịch được thiết kế để trao quyền cho các nghị viện và các nghị sĩ xây dựng luật hiệu quả về biến đổi khí hậu, bỏ phiếu thông qua ngân sách cần thiết phục vụ mục tiêu khí hậu, trao quyền cho nghị viện giám sát kỹ lưỡng hành động của chính phủ, đặc biệt là tiến độ khi thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để thực hiện Thỏa thuận Paris.

Các NDC đề ra những nỗ lực mà mỗi quốc gia đang thực hiện để giảm lượng khí thải quốc gia và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Chiến dịch sẽ khuyến khích các nghị viện tham gia chặt chẽ hơn vào các quy trình của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trước thềm COP28, sẽ được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất vào tháng 12 tới.

Hành động của IPU

Song song với chiến dịch, IPU cũng đóng vai trò là nền tảng để chia sẻ những kinh nghiệm hay, thú vị của các nghị viện trên thế giới mà các nước khác có thể áp dụng và học tập bằng cách nêu bật các sáng kiến mà các nghị viện và nghị sĩ đang thực hiện để trở nên xanh hơn, cũng như các ví dụ về pháp luật hiệu quả.

Bên cạnh đó, LHQ cũng hợp tác với Viện Nghiên cứu Grantham của Trường Kinh tế London tiến hành thống kê, tập hợp hơn 3.000 luật và chính sách liên quan đến khí hậu để tạo thành Cơ sở dữ liệu về Luật Biến đổi Khí hậu của Thế giới, một cơ sở dữ liệu quý giá mà các quốc gia khác có thể tham khảo.

IPU hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và đối tác kỹ thuật của LHQ để đảm bảo các nghị sĩ được tiếp cận với những kiến thức khoa học và giải pháp mới nhất liên quan đến biến đổi khí hậu. Chiến dịch này cũng được hỗ trợ bởi Phòng thí nghiệm Tương lai Toàn cầu Julie Ann Wrigley tại Đại học Bang Arizona.

Để liên kết với chiến dịch, Tặng thưởng Cremer-Passy năm 2023 (Tặng thưởng của IPU) sẽ được trao cho cá nhân hoặc nhóm nghị sĩ có đóng góp xuất sắc cho hành động khí hậu. Tặng thưởng này được đặt theo tên của những người sáng lập IPU William Randall Cremer và Frédéric Passy.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/ky-niem-ngay-nghi-vien-quoc-te-nghi-vien-voi-chien-dich-nghi-vien-vi-hanh-tinh-i334464/