Kỳ thi hướng đến nền giáo dục toàn diện

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 (kỳ thi) được đánh giá là phép thử đầu tiên đối với thế hệ học sinh được học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), phản ánh nỗ lực của các cấp và ngành Giáo dục trong việc chuyển từ dạy chữ sang phát triển năng lực người học, hướng tới nền giáo dục toàn diện.

Chương trình GDPT 2018 đặt mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực, được chia thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản ở bậc tiểu học và THCS và định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Ở giai đoạn này, học sinh được phân hóa theo năng khiếu, định hướng nghề nghiệp thông qua hình thức tự chọn với nhiều tổ hợp môn học. Để phù hợp với chương trình học, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới. Đề thi không còn tập trung kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức, mà nhấn mạnh đến năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Cấp độ tư duy trong đề thi được phân bổ gồm: 40% mức biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Đề thi môn Ngữ văn mở rộng liên hệ các vấn đề xã hội, bày tỏ quan điểm cá nhân có lập luận. Các môn tự nhiên tăng cường câu hỏi thực hành, có tính ứng dụng cao, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu bản chất kiến thức. Những đổi mới này đặt ra yêu cầu học sinh phải tự học, tự đọc và rèn luyện tư duy.

Học sinh Trường THPT Việt Lâm (Vị Xuyên) được tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Biện Luân

Học sinh Trường THPT Việt Lâm (Vị Xuyên) được tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Biện Luân

Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn đã học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Điểm xét tốt nghiệp sẽ bao gồm 50% điểm thi và 50% điểm trung bình quá trình học tập ba năm của học sinh. Đặc biệt, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bỏ quy định xét tuyển sớm đối với tuyển sinh đại học. Nếu xét tuyển bằng học bạ thì bắt buộc phải sử dụng điểm cả năm lớp 12. Quy định mới này buộc các trường THPT phải tổ chức ôn tập phù hợp, đồng thời học sinh không được lơ là việc ôn thi tốt nghiệp như trước đây, khi nhiều em đã được xét trúng tuyển đại học từ sớm.

Kỳ thi năm nay được phân cấp mạnh cho các địa phương trong khâu tổ chức thi, đặc biệt là công tác giám sát, coi thi và chấm thi. Điều này đòi hỏi các tỉnh, thành phố phải nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm sự minh bạch, công bằng và ngăn ngừa gian lận trong thi cử. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 7.050 thí sinh đang học lớp 12 năm học 2024 - 2025 tham dự kỳ thi. Nhằm chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào các điểm mới; triển khai đề thi minh họa; quán triệt và phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hội nghị tập huấn trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên về hướng dẫn ôn tập theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu, phân tích kết quả thi năm 2024 làm căn cứ điều chỉnh hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập, phụ đạo phù hợp với từng đối tượng học sinh; tăng cường tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 12 trong việc lựa chọn môn thi tự chọn, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và năng lực học sinh.

Các gian hàng tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh tại trường THPT Ngọc Hà. Ảnh: Mai Ánh

Các gian hàng tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh tại trường THPT Ngọc Hà. Ảnh: Mai Ánh

Kỳ thi năm nay không chỉ là kỳ thi đầu tiên triển khai theo Chương trình GDPT mới, mà còn diễn ra trong bối cảnh Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm đang được triển khai quyết liệt; đồng thời, các địa phương cũng đang thực hiện tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, với phương châm tất cả vì người học, vì một kỳ thi an toàn, chất lượng, ngành Giáo dục đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả nhằm tạo tâm lý an tâm cho học sinh, bảo đảm không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, không gián đoạn công tác thi và công tác tuyển sinh; kiên quyết thực hiện nguyên tắc “4 đúng, 3 không, 2 phát huy”: Đúng quy chế và hướng dẫn thi, đúng và đủ quy trình, đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ và đúng thời điểm để kịp thời xử lý sự cố; không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống; phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng tổ chức kỳ thi và phát huy ý thức tự học, tuân thủ quy chế của thí sinh.

BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/ky-thi-huong-den-nen-giao-duc-toan-dien-6451e79/