Kỳ thú miền Đông
PTĐT - Đầu tháng tám, đoàn công tác của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ đã có hành trình vượt hơn 1.500 cây số ....
PTĐT - Đầu tháng tám, đoàn công tác của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ đã có hành trình vượt hơn 1.500 cây số về trao đổi, học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp Báo Tây Ninh. Cùng với những kỹ năng, kinh nghiệm làm báo, các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi đã có được những trải nghiệm độc đáo, mới lạ mà như thân thuộc tự khi nào và cả niềm tự hào với những thử thách khám phá, cảnh sắc kỳ thú của miền Đông Nam Bộ.
“Xin chúc mừng. Các bạn là những người làm báo Đảng tỉnh đầu tiên đến Tây Ninh chinh phục được đỉnh Núi Bà Đen.!” Lời nói chân tình, mộc mạc với nét mặt trịnh trọng, biểu cảm của chị Huỳnh Thanh Nam- Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Tây Ninh khi vừa đặt chân lên điểm cao gần nghìn mét so với mực nước biển trong không gian lãng đãng mây trắng, ngập tràn nắng và lồng lộng gió đã gây được ấn tượng đặc biệt, giúp chúng tôi như quên đi mệt nhọc, háo hức tận hưởng phần thưởng cảnh sắc kỳ thú của thiên nhiên sau hành trình dài cam go đau tức cơ chân, mồ hôi đẫm áo...
Cận kề tuổi 50, hiếm người phụ nữ nào có được sức khỏe dẻo dai cùng tình cảm sâu nặng với di tích núi Bà Đen như Phó Tổng Biên tập Huỳnh Thanh Nam. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để chị duy trì niềm đam mê môn thể thao leo núi mạo hiểm như cách rèn luyện thân thể, thử thách và tìm kiếm trải nghiệm thú vị, tự “refresh” giúp thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống và công việc. Cuối tuần nào cũng mang giầy, đeo ba lô leo lên đỉnh núi Bà Đen nhưng với chị và nhóm bạn cùng sở thích, mỗi chuyến đi luôn là một lần khám phá, trải nghiệm mới. Bởi lẽ, núi thiêng Bà Đen vốn thâm nghiêm, bí ẩn, càng gắn bó, gần gũi lại càng khám phá ra nhiều điều mới lạ, kỳ diệu của thiên nhiên...
Vậy nhưng khi nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng chinh phục đỉnh núi Bà Đen, chị chau mày nghi ngại: “Tôi rất sẵn lòng và mong muốn mời các bạn cùng chinh phục đỉnh núi. Nhưng nói thật, ở cơ quan, nhiều người chưa bao giờ leo lên đến đỉnh núi, còn chinh phục đến lần thứ hai chắc chỉ mình tôi...”. Sau một hồi giải thích rằng thì là con dân Đất Tổ sinh ra, lớn lên đã gắn bó với đồi rừng, không những chân tay cứng cáp, lanh lẹ mà tinh thần chịu đựng cũng “lỳ” không kém ai, rồi thì đã đặt chân đến đất Tây Ninh mà không lên đến đỉnh Bà Đen cũng coi như chưa tới..., chị đã cười xòa rồi phán một câu chắc nịch: Được rồi, các bạn nghỉ sớm dưỡng sức, 5 giờ sáng mai chúng ta sẽ khởi hành, nếu suôn sẻ, trưa muộn sẽ về tới chân núi...!Đúng hẹn, chúng tôi khởi hành leo núi khi trời vẫn mờ tối. Ngẩng đầu nhìn ngọn núi uy nghiêm đen thẫm như chiếc nón khổng lồ tạc vào nền trời, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nữ sĩ Phan Phụng Văn “Chiếc nón Bà Đen lộng giữa trời/ Ngàn năm mây trắng vấn vương chơi…”. Chúng tôi đang cách “đỉnh nón” cao gần nghìn mét so với mực nước biển kia hơn 6km đường rừng và đang rất nóng lòng chạm tay, tắm mình trong mây trắng bồng bềnh bao phủ đỉnh núi mờ ảo...Với chiều cao 986m so với mực nước biển, ngọn núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Nếu nói về độ cao thì núi Bà chỉ bằng 1/3 so với đỉnh Phanxipăng - “nóc nhà” Đông Dương. Nhưng xét về dáng vẻ bề thế, hùng vĩ thì ngọn núi này xứng đáng là Phanxipăng của miền Đông. Những người đam mê leo núi thường chinh phục đỉnh núi Bà Đen theo hai con đường mòn chính. Một đường nằm sau lưng Điện Bà ở lưng chừng núi, đường này gập ghềnh, khó đi với vách núi dựng đứng, những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau ngổn ngang. Đường mòn khác bắt đầu từ Đài liệt sĩ dưới chân núi, đi men theo các trụ điện lên thẳng đến đỉnh. Theo chân chị Nam và cậu thanh niên tên Lợi người bản xứ dẫn đường, chúng tôi đi theo các trụ cột điện có đánh số với lời căn dặn: Cứ bám theo đường dây điện, khi nào đến trụ cột có số thứ tự 117 là tới đỉnh!. Dốc núi vút cao. Đá chồng đá như xây thành đắp lũy. Thiên nhiên thật kỳ diệu. Chẳng hiểu cấu tạo địa chất thế nào mà giữa đồng bằng phì nhiêu lại “chồi” lên một núi đá cao ngút ngàn với những hang động kỳ vỹ, những phiến đá phẳng lỳ như được gọt đẽo có mặt phẳng bằng cả gian nhà. Luồn người lách qua các khe đá hẹp, chân dồn trên đá thoáng chốc đã tê cứng, nhức mỏi. Mũi, miệng thi nhau thở theo những bước đi nặng nhọc. Nhưng bù lại, cảnh sắc thiên nhiên hoang dã kỳ thú ở núi Bà luôn khiến du khách ngỡ ngàng đến mê mẩn. Từng cây sung núi cổ thụ thân mấy người ôm, quả sai lúc lỉu gọi đàn khỉ hoang dã chí chóe giành ăn. Động Thanh Long với những dây thanh long chịu nắng chịu mưa bám trên đá mà kết tầng kết lớp như tấm thảm xanh bí hiểm đến Hang Hổ, nơi truyền tụng khi xưa là nơi trú ẩn của một vị chúa sơn lâm sống thành tinh, nhưng chưa hại một ai. Rồi Hang gió, Chùa Hang, động Kim Quang, động Ba Cô… những kỳ quan thiên nhiên cứ nối tiếp như mời gọi bước chân khách hành hương khám phá, trải nghiệm.
Sau gần ba giờ đánh vật với dốc núi, chúng tôi cũng đặt chân lên đỉnh “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Gió núi lồng lộng vần vũ, nắng chói chang nhưng không khí dịu mát, trong lành rất dễ chịu. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, thành phố Tây Ninh như bàn cờ thu nhỏ ẩn hiện trong mây trắng bồng bềnh kế bên Hồ Dầu Tiếng - hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất miền Nam phẳng lặng, mặt nước phản chiếu ánh mặt trời lấp lóa...Đỉnh thiêng núi Bà đang rộn vang tiếng máy thi công. Chiếc cần cẩu lừng lững trên tòa nhà đồ sộ đang hoàn thiện. Chị Nam giới thiệu: Núi Bà Đen là khu di tích lịch sử- văn hóa nổi tiếng ở Nam bộ và cả nước. Với đỉnh núi cao nhất Nam bộ, nơi đây đã trở thành vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1946-1975), lực lượng cách mạng và phản cách mạng đã giành giật nhau quyết liệt quả núi này. Suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ (1960 - 1975) nhiều đơn vị của cách mạng bám giữ núi Bà Đen. Các căn cứ Huyện ủy Tòa Thánh. Dương Minh Châu, Liên đội 7 và nhiều đơn vị chủ lực đã bám núi đánh giặc đến ngày 6/1/1975 toàn bộ núi Bà Đen được hoàn toàn giải phóng. Gắn liền với rất nhiều truyền thuyết linh thiêng, Núi Bà Đen nổi tiếng với chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự thu hút đông đảo khách thập phương về vãn cảnh, dâng hương. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 với tổng diện tích 2.903,79ha cùng nhiều loại hình nhà nghỉ dưỡng trên đỉnh núi, sân golf và vườn thú Safari...Núi Bà Đen sắp chuyển mình trong diện mạo mới mang theo niềm tin, tự hào và cả những lo lắng mơ hồ về việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã vô giá của những người sâu nặng tình cảm với ngọn núi thiêng... Dẫu biết rằng khó, nhưng khi chi tay, chúng tôi vẫn háo hức hẹn ngày trở lại để cùng chinh phục, khám phá đỉnh thiêng núi Bà. Như lời Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Tây Ninh Huỳnh Thanh Nam: “Càng khám phá Núi Bà Đen sẽ càng có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tình cảm sẽ càng sâu nặng, gắn bó với đá núi, cây rừng nơi đây...”.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201908/ky-thu-mien-dong-166456