Ký ức 3 ngày khốc liệt tại Sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận

50 năm đã trôi qua, những người lính của Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1-E25-B3) mỗi lần gặp nhau câu chuyện chiến trường từ Gia Lai, Đắk Lắk, Phan Rang-Tháp Chàm… luôn là đề tài không dứt. Nhất là trận đánh chiếm Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận).

Núi Bác Ái (Ninh Thuận) nơi D631 anh hùng (D1-E25-B3) đứng chân để tối 13/4/1975 hành quân "luồn sâu lót sẵn" bên ngoài hàng rào kẽm gai Sân bay Thành Sơn.

Núi Bác Ái (Ninh Thuận) nơi D631 anh hùng (D1-E25-B3) đứng chân để tối 13/4/1975 hành quân "luồn sâu lót sẵn" bên ngoài hàng rào kẽm gai Sân bay Thành Sơn.

Tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng (hàng ngồi thứ 2 trái qua) là người chỉ huy trận đánh Sân bay Thành Sơn. Ảnh: Tư liệu

Tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng (hàng ngồi thứ 2 trái qua) là người chỉ huy trận đánh Sân bay Thành Sơn. Ảnh: Tư liệu

“Sa mạc” Thành Sơn những ngày tháng 4 năm 1975 nắng nóng như đổ lửa, khốc liệt bởi bom đạn, khốc liệt bởi bộ đội không có nước uống, khốc liệt bởi phơi mình ngoài hàng rào kẽm gai sân bay chịu bom đạn ngút trời chờ lệnh nổ súng... 30 cán bộ, chiến sĩ ưu tú của đơn vị anh hùng mãi mãi nằm lại mảnh đất này.

Tôi là một trong những người lính của đơn vị trực tiếp tấn công, đánh chiếm Sân bay Thành Sơn. Sau nay có thời gian dài làm báo, đi đến nhiều nơi, tìm hiểu nhiều sách báo, tài liệu nhất là chiến trường Tây Nguyên và duyên hải miền trung, tôi có dịp tiếp xúc với chỉ huy tiểu đoàn, một số cựu binh tham gia trận đánh chiếm Sân bay Thành Sơn.

Một câu hỏi chúng tôi thường nhắc suốt mấy chục năm qua: vì sao đơn vị chúng tôi luồn sâu, lót sẵn thậm chí có mũi đã cắt được 2 hàng rào (11 hàng rào kẽm gai bao quanh sân bay) lại chưa được lệnh nổ súng vào ngày 14 tháng 4 năm 1975 mà lại nằm im chịu bom đạn suốt ngày và đêm.

Cho đến nay, câu hỏi này đã được đại tá Hoàng Uy nguyên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 631 anh hùng (D1-E25-B3) người trực tiếp chỉ huy đại đội 1 trong trận đánh chiếm Sân bay Thành Sơn giải đáp.

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Giá (Bắc Giang thứ 4 trái qua hàng đầu - người 3 lần dùng nước tiểu chống khát khi nằm ngoài hàng rào sân bay) cùng một số đồng đội D631 tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Giá (Bắc Giang thứ 4 trái qua hàng đầu - người 3 lần dùng nước tiểu chống khát khi nằm ngoài hàng rào sân bay) cùng một số đồng đội D631 tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Tôi gặp lại Thương binh Phan Văn Duy tại Thanh Hóa - người cùng tôi chiến đấu trong trận đánh sân bay Thành Sơn.

Tôi gặp lại Thương binh Phan Văn Duy tại Thanh Hóa - người cùng tôi chiến đấu trong trận đánh sân bay Thành Sơn.

Sau khi mất toàn bộ vùng đất Quân khu 1 và Quân khu 2, chính quyền Sài Gòn ngay lập tức lập Phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm, được mệnh danh là “lá chắn thép” từ xa hy vọng có thể ngăn chặn làm chậm bước tiến của quân giải phóng từ hướng duyên hải vào Sài Gòn.

Bộ Tư lệnh phòng tuyến này do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy đồn trú trong Sân bay Thành Sơn cùng với Sở chỉ huy Sư đoàn 6 không quân rút từ Tây Nguyên về do chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang đảm trách. Lực lượng địch có khoảng 12.000 quân cùng 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm, 1 chi đội thiết giáp; 150 máy bay và khoảng 10 tàu chiến ở cảng Ninh Chữ.

Phán đoán hướng tấn công của ta vào thị xã Phan Rang - Tháp Chàm từ hướng Bắc theo quốc lộ 1 và hướng Tây Bắc theo đường 11, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi lệnh cho các đơn vị bộ binh ra tiển khai chiếm giữ các địa bàn có lợi ở Du Long, Suối Đá, Bà Râu, Cà Đú, ngã 3 đường số 1 và đường 11… ngăn chặn quân giải phóng.

Trở lại với đơn vị chúng tôi - Tiểu đoàn 631 (D1-E25-B3) sau khi cùng các đơn vị của Quân đoàn 3, nay là Quân đoàn 34 tấn công giải phóng quận lỵ Khánh Dương (Đắk Lắk), tấn công Lữ dù 3 trên đèo Phượng Hoàng rồi hành tiến về Ninh Hòa, qua Nha Trang, Cam Ranh đến rừng dừa Mỹ Thanh (điểm tiếp giáp giữa Khánh Hòa với tỉnh Ninh Thuận thì dừng lại.

Tối ngày 11 tháng 4 năm 1975, đơn vị được lệnh bí mật hành quân ngược rừng lên Bác Ái quê hương anh hùng Pi Năng Tắc. Tháng 4 thời tiết Phan Rang nắng nóng như đổ lửa, các con suối khu vực Bác Ái gần như “khô reng”.

Nhận lệnh triển khai phương án tác chiến “luồn sâu, lót sẵn” bên ngoài hàng rào Sân bay Thanh Sơn đợi lệnh nổ súng. Một trong những công tác chuẩn bị cho bộ đội đánh trận là tìm nước đóng vào bi đông cho từng chiến sĩ vô cùng khó khăn.

Tối ngày 13 tháng 4 năm 1975 toàn tiểu đoàn được lệnh bí mật theo trinh sát dẫn đường, các mũi triển khai đội hình đã định nằm bên ngoài hàng rào kẽm gai đợi lệnh nổ súng. Các trung đội trực thuộc tiểu đoàn gồm trinh sát, thông tin, vận tải, đội phẫu, nuôi quân… nhận nhiệm vụ cụ thể nhất là tìm cho bằng được nước uống mà phần nhiều là tận dụng những hố trũng nước ít, bùn đất nhiều chắt từng giọt nước dự trữ cung cấp cho các đại đội đã chiếm lĩnh trận địa…

Cả đêm 13 tháng 4, đại 1 chủ công do tiểu đoàn phó Hoàng Uy (Nghệ An) chỉ huy, đại đội 2 do chính trị viên phó tiểu đoàn Phạm Văn Uyến (Ninh Bình) đảm nhận triển khai đội hình áp sát hàng rào đợi lệnh dùng bộc phá ống mở cửa để bộ đội thần tốc vận động vào sân bay đánh chiếm các cứ điểm, đại đội 3 thê đội dự bị, đại đội 4 hỏa lực triển khai vũ khí nhằm hướng cửa mở sẵn sàng tấn công khống chế lô cốt đầu cầu trong sân bay để bộ đội hành tiến thuận lợi vào đánh chiếm các mục tiêu.

Theo phương án tác chiến đánh chiếm Sân bay Thành Sơn, sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1-E25-B3) tiểu đoàn chủ công của trung đoàn 25 trực tiếp tấn công đánh chiếm Sân bay Thành Sơn được lệnh nổ súng. Đây là nhiệm vụ vẻ vang những vô cùng khốc liệt bởi Sân bay Thành Sơn nơi có Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 ngụy do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trực tiếp chỉ huy phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm và là nơi đồn trú của Sư đoàn 6 không quân của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.

Vì thế, Sân bay Thành Sơn được bố phòng cẩn thận với lực lượng hùng hậu của hỏa lực mà trên hết là hàng trăm máy bay chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép, pháo binh chưa kể khoảng 10 tàu chiến ngoài biển sẵn sàng chi viện.

Đêm 13 tháng 4 đơn vị chúng tôi nằm toong vùng thời tiết khắc nghiệt nóng bỏng, cây cối khu vực ém quân chỉ lúp xúp phần nhiều là cây xương rồng. Đất cát khô không khốc bộ đội chỉ khoét được nơi trú ẩn sâu chừng vài chục phân và phải ngụy trang hết sức cẩn thận bởi chỉ cách địch 11 hàng rào kẽm gai. Qua đêm đến 7 giờ rồi 8 giờ sáng ngày 14 tháng 4 vẫn chưa được lệnh nổ súng, bộ đội nhìn nhau không ai biết điều gì đang xảy ra…

Cả buổi sáng nằm im “như thóc” chờ lệnh nổ súng, nắng nóng khát nước đến độ nhiều chiến sĩ phải “són” từng giọt nước tiểu để chống khát khô họng. Chiến sĩ Đinh Ngọc Giá (Bắc Giang) nằm sát hàng rào phải 3 lần dùng vài giọt nước tiểu để giải khát. Thương nhất là Phan Văn Duy lính mới “tò te” mới bổ sung vào tiểu đội 2W của tôi là số 2 cùng tôi ở sở chỉ huy tiểu đoàn phục vụ thông tin cho tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng (Bắc Kạn) và chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Tịch (Nam Định).

Phan Văn Duy mệt quá nằm lim dim mắt, miệng cứ gọi anh ơi, em khát nước lắm rồi! Tôi bảo, em có tiểu được không? Không nói không rằng, Duy xoay nắp bình tông rồi “đỏ mặt tía tai” chắc được vài giọt, Duy đưa nắp bình tông lên miệng, tôi quan sát thấy mặt Duy nhăn nhúm. Cả tiểu đoàn chúng tôi cũng trong tình trạng khát nước như thế.

Quá trưa sang chiều ngày 14 tháng 4 năm 1975 bất thần một trung đội địch đi tuần vòng ngoài sân bay đang tiến gần vào hướng đại đội 1. Tiểu đoàn phó Hoàng Uy điện báo cáo tiểu đoàn trưởng và nhận được lệnh nằm im chưa được bắn. Tiểu đoàn phó Hoàng Uy ra lệnh cho bộ đội nếu chúng đến gần quá buộc phải nổ súng thì chỉ được bắn phát 1 để đảm bảo giữ được bí mật chừng nào hay chừng ấy.

Bọn địch đi tuần một lúc một gần vào đội hình dàn quân của đại đội 1 buộc phải nổ súng, các chiến sĩ đại đội chủ công của tiểu đoàn, những người đã trải qua nhiều trận đánh, giàu kinh nghiệm và điêu luyện khi sử dụng vũ khí hạ được 4-5 tên, số còn lại phải bỏ chạy.

10 phút sau, trên trời máy bay trực thăng quần đảo bắn như vãi đạn, pháo địch từ ngoài biển, cối trong sân bay bắn liên hồi vào đội hình ém quân của của tiểu đoàn, cả khu vực phía Tây Sân bay Thành Sơn khói đạn mù trời, tiếng nổ của đạn, bom inh tai nhức óc suốt gần một tiếng đồng hồ rồi im bặt.

Khoảng 30 phút sau xuất hiện tình huống khác, 5 chiếc xe bọc thép tiến vào phía sau đội hình đại đội 1 cắt ngang giữa đội hình dàn quân của đại đội 1 và sở chỉ huy tiểu đoàn, 5 xe bọc thép vừa hành tiến vừa bắn xối xả vào trận địa...

Cao Ngọ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-uc-3-ngay-khoc-liet-tai-san-bay-thanh-son-ninh-thuan-179250413101839852.htm