Ký ức bầu cử Quốc hội đầu tiên
77 năm (1946-2023) với 15 khóa Quốc hội Việt Nam, là chặng đường dài đi qua bao nhiêu biến cố lịch sử đất nước. Mỗi khóa Quốc hội đều đã hoàn thành sứ mệnh từng giai đoạn lịch sử huy hoàng.
Tôi còn nhớ năm 1960, một lần thấy trong làng ngoài phố tưng bừng khẩu hiệu, treo cờ, trống ếch vang lừng tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa II, mẹ tôi chậm rãi kể rằng: Khi mới 24 tuổi được cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội đầu tiên. Ấy là chủ nhật 6.1.1946, tức mùng 4 tháng chạp năm Ất Dậu, chỉ còn hơn hai chục ngày là đến Tết Nguyên đán (Bính Tuất).
Là con dâu nhà nông, công việc bộn bề, nhưng được sống trong một chính thể mới, mẹ vẫn bỏ cả việc đồng áng, với niềm vui háo hức đi bầu cử. Dạo ấy mẹ mang thai tôi đã 4 tháng. Mấy chị em bạn chí thân cùng trang lứa trong làng, nhìn thấy mẹ úp nón thẹn thùng che bụng, thì cười bảo rằng: “Sao không ở nhà, nhờ chồng bỏ phiếu hộ, còn khệ nệ ra đình làng làm gì? Mọi người nhìn chị kia kìa!”.
Mẹ cũng chẳng vừa, đáp lại: Thời đại dân chủ, nam nữ bình quyền. Ai lại thế?
5 tháng sau tôi chào đời. Thế là tôi được sinh ra vào đúng năm bầu cử Quốc hội khóa I.
Sau này trưởng thành, được học tập mới biết thấu đáo rằng, bầu cử Quốc hội khóa I là một dấu son của lịch sử Việt Nam trong dựng nước và giữ nước. Đó là Quốc hội đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do.
Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 2.9.1945, Chính phủ Lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tại thời điểm này, nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, chính quyền mới thành lập còn non trẻ, quân đội đang được xây dựng; giặc đói, giặc dốt, đang là mối đe dọa trước mắt và lâu dài… Ngân khố quốc gia trống rỗng. Miền Bắc, bọn phản động điên cuồng phá hoại. Miền Nam, quân Pháp gây hấn, lăm le cướp nước ta một lần nữa. Nhưng ngày 8.9.1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 14 về Tổng tuyển cử vào ngày 6.1.1946, bầu Quốc hội, lập chính phủ chính thức, xây dựng hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.
Mùng 6.1.1946, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu Quốc hội. Vượt qua nhiều trắc trở, cuối cùng kết quả có 333 đại biểu đã trúng cử.
Ở Hải Dương, ngay từ chiều hôm trước, nhân dân các huyện, xã đã tập trung tại đình làng dự mít tinh chào mừng và nghe phổ biến về nguyên tắc, thể lệ đi bầu. Mỗi đình làng được chọn là một khu vực bỏ phiếu. Đặc biệt, làng chài Kim Lai, xã Ngọc Châu (nay là phường thuộc TP Hải Dương) tổ chức hòm phiếu ngay ở dưới thuyền cho bà con sống nghề sông nước thực hiện nghĩa vụ công dân.
Ngày ấy, gần 90% số cử tri không biết chữ, Ban tổ chức bầu cử phải phân công người biết chữ viết phiếu hộ. Và thật cảm động, người viết hộ đã tuyên thề trước cử tri là tuyệt đối trung thành, rồi các cử tri tự mình bỏ phiếu…
Công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo… đều hào hứng đi bầu. Các cụ bà, chị em phụ nữ nghĩ đến thân phận mình trước kia chẳng bao giờ được ra chốn đình trung lo việc nước, nay được bình đẳng với nam giới, tỏ rõ xúc động.
Tài liệu lịch sử Đảng chép rằng: Tỉnh Hải Dương có 98% số cử tri đi bỏ phiếu, có 12 vị trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Sau bầu cử Quốc hội, ngày 26.4.1946, cử tri Hải Dương lại tiến hành bầu cử HĐND tỉnh và xã theo Sắc lệnh 63 của Chính phủ. Tùy theo số cử tri, mỗi xã có từ 15-25 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết. HĐND đã cử ra Ủy ban hành chính thay cho Ủy ban hành chính lâm thời trước đó. Nhờ thế, chính quyền các cấp được kiện toàn nhanh chóng, ổn định hoạt động, ngày càng trưởng thành lớn mạnh, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp vào cuối năm 1946.
77 năm (1946-2023) với 15 khóa Quốc hội Việt Nam, là chặng đường dài đi qua bao nhiêu biến cố lịch sử đất nước. Mỗi khóa Quốc hội đều đã hoàn thành sứ mệnh từng giai đoạn lịch sử huy hoàng.
Quốc hội khóa I (1946) khai móng, mở nền và huy động toàn dân kháng chiến, để "Chín năm làm một Điện Biên/ nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Quốc hội khóa II, III, IV, V đóng góp to lớn vào chiến lược đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đánh thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam. Quốc hội các khóa tiếp theo đã xây dựng một tư duy cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Và Quốc hội khóa XV (2021) - kỳ vọng của toàn dân trong công cuộc chống tham nhũng và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn ba phần tư thế kỷ, với 15 kỳ bầu cử, đất nước đã lựa chọn 6.713 lượt đại biểu Quốc hội, đã hội tụ được sức mạnh đoàn kết.
Ngày 6.1 năm nay, Quốc hội Việt Nam 77 tuổi khi hương xuân Quý Mão đang ngập tràn cả đất trời… Có điều, mẹ tôi không còn nữa… Câu chuyện năm xưa người kể về ký ức đi bầu cử Quốc hội đầu tiên khiến tôi nhớ mãi: Một người phụ nữ nông dân, chỉ thoát nạn mù chữ, đang mang thai đứa con đầu lòng, che nón trước bụng cầm lá phiếu bầu, để tự hào mình là một người dân của đất nước độc lập.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ky-uc-bau-cu-quoc-hoi-dau-tien-223876