Ký ức cách mạng từ những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng
Sóc Trăng có khoảng 31% dân số là người Khmer và 93 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, trong những năm tháng chiến tranh, nhiều ngôi chùa đã chở che cho các chiến sĩ cách mạng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của dân tộc, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh đã trở thành nơi che chở, bảo vệ cán bộ và chiến sĩ cách mạng. Các chùa không chỉ là nơi trú ẩn an toàn mà còn tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh, biểu tình phản đối chính quyền tay sai. Nhiều vị sư sãi và phật tử Khmer đã một lòng đi theo cách mạng, đoàn kết cùng nhân dân cả nước, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Chùa Ô Chumaram Prếk Chếk (chùa Ô Chum) ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm là một trong những ngôi chùa có lịch sử gắn liền với tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng kiên cường của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Khuôn viên chùa Ô Chum ngày nay. Ảnh: HẢI HÀ
Dù đã bước qua tuổi 70, ông Trịnh Phơl ở xã Vĩnh Quới vẫn nhớ rõ những ký ức hào hùng thời kháng chiến. Ông kể lại: "Trước đây từng tu học tại chùa nên còn nhớ về giai đoạn từ năm 1969 đến 1972. Khi ấy, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, đồng bào Khmer nơi đây vẫn một lòng đóng góp lương thực và sức lao động để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đặc biệt, chùa Ô Chum còn bí mật xây dựng hầm trú ẩn ngay trong chánh điện để che chở cho chiến sĩ, giúp nhiều người an toàn trước những cuộc càn quét ác liệt của địch".
Dù bị địch nhiều lần ném bom tàn phá, gây thương vong và thiệt hại nặng nề, bà con phật tử và sư sãi chùa Ô Chum vẫn kiên cường không khuất phục. Nhiều thanh niên Khmer còn hăng hái tham gia du kích, giao liên, tiếp tế, cùng một lòng gìn giữ sự bình yên cho quê hương và lý tưởng giải phóng dân tộc.

Đại đức Sơn Phước Lợi dạy chữ Khmer cho học sinh trong dịp hè. Ảnh: HẢI HÀ
Theo Đại đức Sơn Phước Lợi - Trụ trì chùa Ô Chum, trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều vị hòa thượng, đại đức của chùa đã đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào Khmer tại địa phương, từ đó sẵn sàng góp công, góp của, đồng lòng tham gia ủng hộ phong trào cách mạng, bảo vệ quê hương. Sau hơn 50 năm đất nước thống nhất, đời sống của người Khmer ở xã Vĩnh Quới không ngừng được cải thiện. Trẻ em được đến trường đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo cơ bản được xóa bỏ, nhiều gia đình vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Có được những đổi thay tích cực đó là nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer.

Chùa Chrôi Tưm Chắs (chùa Trà Tim cũ) ở Phường 10, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HẢI HÀ
Cũng trong thời kháng chiến, ở cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, chùa Trà Tim, tại Phường 10, thành phố Sóc Trăng từng là nơi tập kết lực lượng để tấn công vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho địch. Ông Nguyễn Minh Tâm - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng cho biết, chính quyền tay sai từng âm mưu dời chùa để xây phi trường, nhưng vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ sư sãi và phật tử. Những cuộc biểu tình chống bắt lính, chống đàn áp tôn giáo đã thể hiện rõ tinh thần quật cường của đồng bào Khmer nơi đây. Phong trào chống giặc tại chùa Trà Tim trở thành ngọn lửa lan tỏa tinh thần yêu nước, góp phần tạo điều kiện cho các đợt tập kích, phá hoại căn cứ địch, mang lại thắng lợi cho cách mạng.

Khuôn viên chùa Trà Tim. Ảnh: HẢI HÀ
Một trong những ngôi chùa là địa chỉ cách mạng, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc là chùa Tầm Vu (Prếk Om Pu) ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề. Trong thời Mỹ - Diệm, chính quyền tay sai tăng cường đàn áp tín đồ Phật giáo. Tại chùa Tầm Vu, chúng nhiều lần tổ chức khám xét, lùng bắt cán bộ cách mạng. Dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Châu Mum, sư sãi và phật tử đã nhiều lần cứu nguy cán bộ cách mạng khỏi các đợt lùng bắt của địch. Dù bị giám sát nghiêm ngặt và đe dọa, chùa Tầm Vu vẫn là nơi tiếp sức, che chở cho phong trào kháng chiến với tinh thần đoàn kết và lòng dũng cảm. Chính sự kiên cường ấy đã khiến địch khiếp sợ và góp phần vào thắng lợi của toàn dân tộc. Năm 2012, chùa Tầm Vu được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Sau hơn 50 năm thống nhất đất nước, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, Sóc Trăng kiên cường trong kháng chiến năm xưa đang nỗ lực đi lên cùng đất nước. Các ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng tiếp tục phát huy vai trò văn hóa - tâm linh để người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nhắc nhớ về truyền thống yêu nước của dân tộc. Qua đó góp phần nuôi dưỡng đạo đức, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong thời đại mới.