Ký ức chiến tranh qua bộ ảnh của phóng viên chiến trường Trần Văn Thông

Từ cuối năm 1970 đến 1975, chàng trai Hải Dương Trần Văn Thông (1942 - 2022) đã rong ruổi khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ với chiếc máy ảnh cũ kỹ, ghi lại những khoảnh khắc hào hùng, nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Anh Trần Quang Trí lật từng tấm ảnh kể cho con mình về ông nội từng là phóng viên chiến trường

Anh Trần Quang Trí lật từng tấm ảnh kể cho con mình về ông nội từng là phóng viên chiến trường

Lăn lộn giữa chiến trường khói lửa

Một chiều cuối xuân tại Hải Dương, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có dịp gặp anh Trần Quang Trí, con trai cố phóng viên chiến trường Trần Văn Thông, quê xã An Châu (Nam Sách) nay là xã An Thượng (TP Hải Dương). Trong chiếc ba lô nặng trĩu trên vai, anh mang theo nhiều tài liệu quý về cha mình, đặc biệt là những album ảnh ông đã chụp suốt 5 năm lăn lộn nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Lật từng trang album, mỗi bức ảnh như một lát cắt của lịch sử, là kỷ vật mà phóng viên chiến trường Trần Văn Thông cất giữ như báu vật suốt mấy chục năm. Điều đặc biệt là tất cả các bức ảnh đều được ông chú thích tỉ mỉ: chụp ở đâu? trận chiến đấu nào? thời gian?... Những bức ảnh ố màu năm tháng ấy đến hôm nay vẫn là những chứng minh sống động của một thời hào hùng, bi tráng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hải Dương, chàng trai Trần Văn Thông nhập ngũ khi vừa tròn 25 tuổi. Trước khi ra chiến trường, ông từng là giáo viên dạy các lớp bình dân học vụ. Trong cuốn nhật ký cũ kỹ, những dòng chữ nhỏ nhắn, ngay ngắn ghi lại chi tiết từng ngày ông hành quân qua bao miền đất lạ. Ngày lên đường, ông chẳng mang theo vật dụng gì quý giá, chỉ vài bộ quần áo cũ với niềm tin sắt đá sẽ cống hiến tuổi xuân cho đất nước, dù phải hy sinh.

Sau những tháng ngày rèn luyện gian khổ, năm 1968, ông được kết nạp vào Đảng tại chiến trường Tây Nguyên và đảm nhiệm công tác tuyên huấn tại đơn vị E33, Đoàn Quyết Thắng, Quân khu 7.

Đầu năm 1969, ông được cử đi học nhiếp ảnh tại Trường Thông tấn báo chí miền Nam bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Tuy được đào tạo bài bản nhưng điều kiện thời chiến rất thiếu thốn. Trong nhật ký, ông từng viết: “Mong có một máy ảnh cỡ 24 x 36 mm, ống kính 1.4 để khi thiếu sáng vẫn có thể chụp. Máy có một ống kính chụp xa 3.000 thước, nếu không được thì cũng phải đến 1.000 mét và một ống kính chụp gần…”. Trong một trận đánh cuối năm 1970, đơn vị thu được một chiếc máy ảnh của Nhật Bản do lính Mỹ thua chạy để lại.

Có máy ảnh trong tay, ông lập tức xung phong ra gần chiến tuyến để chụp những khoảnh khắc chân thật. Chụp xong, ông lại mau chóng quay về hầm tráng phim. Những lần đầu, ông và đồng đội vật lộn nhiều giờ nhưng phim hỏng, mãi sau mới thành công.

Bộ ảnh quý

Mỗi tấm ảnh của cố phóng viên Trần Văn Thông đều ghi rõ chú thích, thời điểm

Mỗi tấm ảnh của cố phóng viên Trần Văn Thông đều ghi rõ chú thích, thời điểm

Bộ ảnh của ông Thông hiện còn hơn một trăm bức rõ nét bên cạnh nhiều bức đã ố, rách. Hầu hết ảnh được chụp tại các chiến dịch ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, khu vực sông Thao - Trảng Bom - Biên Hòa (Đồng Nai)… Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện, một khoảnh khắc sống động giữa khói lửa chiến tranh, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh.

Tấm ảnh của cố phóng viên Trần Văn Thông ghi lại trận quyết chiến tại khu suối Nghệ, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), quân dân ta đã tiêu diệt 315 tên địch

Tấm ảnh của cố phóng viên Trần Văn Thông ghi lại trận quyết chiến tại khu suối Nghệ, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), quân dân ta đã tiêu diệt 315 tên địch

Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất là cảnh trận đánh của Đoàn Quyết Thắng E33 tại khu suối Nghệ vào tháng 4/1972, tiêu diệt 315 tên địch và thu nhiều vũ khí. Qua bức ảnh, người xem có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của quân đội ta.

Có lần, khi đang tác nghiệp ở mặt trận Xuân Lộc, ngã ba chiến lược của quốc lộ 1 và 20, chỉ cách Sài Gòn 80 km, ông bị mảnh đạn găm vào sườn. Dù đau đớn, ông vẫn cố gắng bấm máy để ghi lại những khoảnh khắc anh dũng của đồng đội khi đối mặt với kẻ thù.

Có khi, chỉ vì tiếng “tách” của chiếc máy ảnh phát ra trong rừng sâu mà cả đơn vị suýt bị lộ vị trí. “Ban đêm, tiếng bấm máy có thể khiến cả đơn vị gặp nguy hiểm. Có hôm, mình phải bọc máy bằng khăn dày rồi chụp trong im lặng tuyệt đối”, ông Thông ghi lại trong nhật ký.

Không chỉ có bom rơi, đạn nổ, bộ ảnh còn ghi lại những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi trong chiến tranh. Hình ảnh nhóm lính trẻ quây quần bên bếp lửa, chia nhau ngụm nước trà, hay một chiến sĩ viết thư dưới gốc cây cổ thụ, ánh nắng xuyên qua tán lá in bóng lên trang giấy nhuốm màu thời gian.

Những mùa xuân vắng nhà

Ngày giải phóng được ghi lại sinh động qua ảnh chụp của cố phóng viên chiến trường Trần Văn Thông

Ngày giải phóng được ghi lại sinh động qua ảnh chụp của cố phóng viên chiến trường Trần Văn Thông

Trong nhật ký, ông Thông nhiều lần bày tỏ nỗi nhớ mẹ và quê hương, nhớ những cái Tết, những mùa xuân không về nhà… Ông cùng đồng đội từng trải qua những cái Tết giữa rừng sâu, thiếu thốn trăm bề, chỉ có cơm với muối trắng và rau rừng. Thế nhưng ai cũng lạc quan, vui vẻ với niềm tin sắt đá vào ngày chiến thắng.

Ngày trở về quê, ông mang theo hơn 100 bức ảnh quý từ chiến trường, cùng cơ thể đầy thương tích. Phải mất nhiều năm sau, sức khỏe của ông mới hồi phục phần nào. Nhưng mỗi lần trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát kéo theo những cơn đau hành hạ.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thông tuy là thương binh nhưng vẫn tiếp tục nghề dạy học và đam mê nhiếp ảnh. Ông là cộng tác viên tích cực cho nhiều tờ báo, ghi lại những hình ảnh xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Năm 1986, ông được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ky-uc-chien-tranh-qua-bo-anh-cua-phong-vien-chien-truong-tran-van-thong-409675.html