Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình
Vào những ngày này cách nay 48 năm, cả dân tộc ta hân hoan trong niềm vui đại thắng: Ôi, buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa… (thơ Tố Hữu).
Đó là khí thế ngút trời “thần tốc” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, là tiếng reo vui của cả dân tộc sau bao nhiêu tháng năm trường kỳ kháng chiến, gian khổ hy sinh để có ngày non sông thu về một mối, Bắc-Nam sum họp một nhà…
Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nằm bên thượng nguồn sông Gianh của miền Trung “gió Lào cát trắng”. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làng tôi là nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực của tỉnh đội Quảng Bình, về sau phát triển thành Trung đoàn 18 Anh hùng của Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng, nay là Sư đoàn 325 đứng chân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng tôi thuộc vùng “tuyến lửa”, được gọi là cửa ngõ của chiến trường…
Khi tàu bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, tôi bắt đầu đi học vỡ lòng. Suốt cuộc chiến tranh, chúng tôi hầu như phải sống phía dưới mặt đất. Ban ngày đến trường dưới lòng hào giao thông, chằng chịt khắp đường làng ngõ xóm. Lớp học cũng chìm trong lòng đất.
Ban đêm, chúng tôi chui xuống hầm học bài dưới ánh đèn phòng không tù mù rồi ngủ luôn dưới đó đề phòng tàu bay Mỹ ném bom tọa độ. Hết năm này sang năm khác cứ chui rúc như thế, chúng tôi chỉ ao ước bao giờ được tung tăng chạy nhảy trên mặt đất, tung tăng đến trường trên những con đường rợp mát bóng tre… Sau này lớn lên, tôi hiểu đó không chỉ là ao ước của những đứa trẻ chúng tôi, mà là khát vọng hòa bình của cả dân tộc!
Hồi đó ở làng tôi, nếu có một đoàn cán bộ xã mà có đủ “bộ tứ” là Chủ tịch Ủy ban hành chính hoặc Bí thư Đảng ủy, Xã đội trưởng, Hội trưởng Phụ nữ và Trạm xá trưởng, là dân làng thót tim dõi theo từng bước chân của họ, bởi chắc chắn đó là đoàn báo tử. Và mỗi khi đoàn rẽ vào ngõ nhà nào là ngay lập tức trong nhà dậy lên tiếng khóc đau đớn của những người thân... Có người ngã lăn ra bất tỉnh. Vì thế, đoàn báo tử lúc nào cũng phải có anh Trạm xá trưởng mang theo túi thuốc cấp cứu...
Vài hôm sau khi báo tử, lễ truy điệu liệt sĩ được tổ chức tại trụ sở Ủy ban hoặc nhà kho Hợp tác xã. Lại những tiếng khóc não nề xa xót. Dân làng nhiều người cũng khóc. Đám con nít chúng tôi đứng khép nép sau lưng người lớn, nhiều đứa cũng thút thít sụt sùi. Hồi đó, hầu như tháng nào làng cũng có vài cuộc báo tử và lễ truy điệu. Đau xé ruột gan như thế, nhưng làng tôi vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Lớp lớp trai làng lại tiếp bước nhau ra trận, hết năm này sang năm khác, hết đợt tòng quân này lại đến đợt Thanh niên xung phong khác. Hàng trăm người con ưu tú của làng tôi đã ngã xuống trên các chiến trường. Nhiều người đến hôm nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Tôi dám chắc ngôi làng nào trên đất nước ta cũng đều giống làng tôi như thế. Và tôi hiểu đó là cái giá của khát vọng hòa bình mà dân tộc ta phải đánh đổi…
Có thể nói những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà dân tộc ta đạt được sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là những minh chứng sinh động của ý chí Việt Nam trong kháng chiến cứu nước trước đây, đang được tiếp nối phát huy trong môi trường và điều kiện mới của cuộc sống hôm nay.
Có một nữ nhà báo, nhà văn Cuba từng 13 lần đến Việt Nam để viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trước đây, từng xuất bản 3 cuốn sách về Việt Nam và hô hào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trên nhiều diễn đàn quốc tế… Đó là bà Marta Rojas, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam. Trong lần trở lại Việt Nam giữa tháng 4/2017, bà đã có nhiều bài viết bày tỏ sự vui mừng khi thấy đất nước Việt Nam đang phát triển và đổi thay nhiều mặt.
Dẫu còn nhiều điều đáng lo ngại phải thay đổi cho tốt hơn, nhưng cuộc sống hòa bình, thống nhất, ổn định và phát triển của nhân dân Việt Nam hôm nay thật sự là một hạnh phúc lớn, là khát khao cháy bỏng của nhân dân nhiều nước đang chìm ngập trong chiến tranh, ly tán; hoặc đang kề bên miệng vực chiến tranh, ly tán…
Đó là những lời tâm huyết của một chiến sĩ từng tham gia cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Cuba khỏi chế độ độc tài Batista, một người dân của đất nước nửa thế kỷ bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, một nhà báo từng chứng kiến cảnh đau thương tang tóc vì chiến tranh đã và đang xảy ra tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Và tôi hiểu, chẳng riêng gì dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại hôm nay vẫn đau đáu khát vọng hòa bình.
Mới gần đây thôi, những tưởng đi qua đại dịch Covid-19, nhân loại sẽ xích lại gần nhau hơn. Những bất đồng và xung đột về hệ ý thức, thể chế chính trị, quyền lợi kinh tế, sắc tộc, tôn giáo… sẽ được hóa giải hoặc tạm lắng xuống để cố kết cùng nhau trước kẻ thù chung của mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia là dịch bệnh, thiên tai, nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Nào ngờ không phải thế! Đó đây trên thế giới vẫn còn nhiều thảm cảnh tang thương, không chỉ vì động đất, sóng thần, bão lụt, hạn hán… mà còn vì đạn bom của sự thù hận chia rẽ, chủ nghĩa cực đoan, tham vọng bá quyền…
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của nó vẫn còn nhức nhối trong đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều thế hệ trên đất nước chúng ta, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Đó là điều không chỉ chúng ta tự hào nhìn nhận, mà còn là sự thật được bạn bè quốc tế công nhận.
Khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam ngày nay là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nội dung này được nhắc đến nhiều lần trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta, thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân nhằm “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Trong diễn văn nhậm chức ngày 3/2/2023 tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự “trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân; tạo môi trường để mọi người, nhất là thế hệ trẻ, được tiếp cận công bằng, minh bạch với những cơ hội phát triển và cống hiến cho đất nước”. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sức mạnh toàn dân để thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của dân tộc. Đó là một khát vọng lớn, có cơ sở từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là từ những thành tựu to lớn của hơn 35 năm sự nghiệp đổi mới đất nước.
Có thể nói những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà dân tộc ta đạt được sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là những minh chứng sinh động của ý chí Việt Nam trong kháng chiến cứu nước trước đây, đang được tiếp nối phát huy trong môi trường và điều kiện mới của cuộc sống hôm nay. Hiểu như thế để tin tưởng và quyết tâm hơn trong công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” để chấn hưng văn hóa và đạo đức xã hội, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đồng thời chủ động và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là những giá trị được đánh đổi bằng biết bao xương máu của lớp lớp đồng chí, đồng bào…
Tùy bút của Mai Nam Thắng