Ký ức Điện Biên Phủ của người cựu binh Hà Tĩnh
Đã 69 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong trí nhớ cựu binh Trương Hồng Lợi (Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Qua sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lộc Hà, tôi tìm về thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ) để gặp cựu binh Trương Hồng Lợi. Dù năm nay đã 92 tuổi nhưng ông Lợi vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Khi nhắc lại ký ức về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 69 năm trước, ông Lợi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.
“Trong dặm dài cuộc đời từ những ngày trong quân đội cho đến sau này làm cán bộ Nhà nước, mỗi thời kỳ tôi đều luôn nỗ lực cống hiến nhưng kỷ niệm sâu đậm và tự hào nhất vẫn là được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày nào” - ông Lợi tâm sự.
Ông Trương Hồng Lợi sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân ở thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ). Lớn lên dưới ách đô hộ của chế độ thực dân phong kiến nên ông sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã tham gia Đội quân báo thanh thiếu niên của xã Hộ Độ, làm nhiệm vụ liên lạc cho dân quân và bộ đội địa phương. Tháng 10/1949, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vinh dự được kết nạp Đảng, tháng 1/1950, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ.
Nhớ về thời điểm vào bộ đội, ông Lợi kể: “Được lên đường đánh giặc là ước mơ và là sự chờ đợi từ khi tôi còn là thiếu niên. Tuy nhiên, đến năm 18 tuổi, tôi vẫn “thấp bé nhẹ cân”. Sau bao lần quyết tâm, dịp đầu năm 1950 có đợt tuyển quân, tôi đã mạnh dạn ứng tuyển.
Hôm đó, tôi đã dậy rất sớm vượt sông Hộ Độ lên xã Thạch Đài (Thạch Hà) để tham gia tuyển quân. Lo lắng không đủ chỉ tiêu cân nặng, tôi đã lén bỏ đá cuội vào 2 túi và gấu quần, không ngờ số cân nặng lại vượt qua mức chuẩn bằng số đá tôi bỏ vào người”.
Đạt được ý nguyện trúng tuyển, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Lợi được biên chế vào Trung đoàn 64 (từ tháng 1/1951 thuộc Sư đoàn 320 - còn gọi là Sư đoàn Đồng Bằng - một sư đoàn chủ lực thuộc Quân đoàn 3).
Trong khoảng thời gian từ 1950-1953, ông Lợi đã tham gia chiến đấu chống Pháp trên nhiều mặt trận ở Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định… Trong đó có chiến dịch chống cuộc hành quân Hải Âu do 12 tiểu đoàn viễn chinh Pháp và 8 tiểu đoàn quân tay sai thực hiện tại Nho Quan (Ninh Bình), bẻ gãy ý đồ của kế hoạch Nava hòng phân tán lực lượng của ta trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 ở hướng Tây Bắc.
Tháng 3/1954, ông Lợi được điều chuyển bổ sung vào Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308), lúc đó vừa từ chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở mặt trận biên giới phía Bắc trở về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Lợi kể: “Do yêu cầu cấp thiết cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và nhiều đồng chí khác được điều chuyển bổ sung vào Trung đoàn 88. Khi vừa đến đơn vị mới, chúng tôi đã được lệnh đánh chiếm đồi Độc Lập.
Kỷ niệm tôi không thể nào quên là vào chiều 14/3/1954, chúng ta tấn công đồi Độc Lập, sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, khi lực lượng pháo binh nã pháo vào cứ điểm của địch thì lính bộ binh chúng tôi nhanh chóng tiến lên lùa bộc phá vào các hàng rào kẽm gai để mở đường. Khí thế ngút trời, tôi và đồng đội xông vào trận địa”.
Trước khí thế tấn công dâng cao, ồ ạt, mạnh mẽ, lực lượng của ta đã nhanh chóng phá tan hàng phòng thủ của địch, tiến sát vào sào huyệt của chúng. Hàng loạt quân lính lê dương đều bị quân ta tiêu diệt hoặc vứt súng đầu hàng.
“Cuộc tấn công đồi Độc Lập thắng lợi vẻ vang, tôi may mắn không bị thương nhưng chứng kiến nhiều đồng đội đã ngã xuống anh dũng, cho đến bây giờ tôi vẫn không quên những giây phút đau thương mà hào hùng đó” - ông Lợi xúc động chia sẻ.
Sau thắng lợi từ trận đánh ở đồi Độc Lập, ông Lợi cùng đơn vị thực hiện các cuộc tấn công khác cùng với toàn quân giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng giặc Đờ Cát-xtơ-ri đầu hàng nhưng từ xa nhìn thấy lá cờ của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch, ông Lợi vẫn nhớ mãi cảm xúc hân hoan khi đứng giữa tiếng reo hò của toàn quân vào chiều 7/5/1954.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bền bỉ suốt 9 năm (1945-1954) của đồng bào và chiến sỹ cả nước. Tháng 10/1954, ông Lợi trở lại Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 44, Sư đoàn 320, thực hiện nhiệm vụ đi xây dựng Tây Bắc. Năm 1959, ông chuyển sang làm việc tại Nông trường quốc doanh ở huyện Tam Đường (Lai Châu), công tác qua nhiều vị trí như: cảnh vệ, kế toán… Tháng 11/1972, ông chuyển về làm cán bộ tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Nghĩa Lộ (năm 1975 sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn). Đầu năm 1983, ông Lợi nghỉ hưu về sinh sống tại quê nhà xã Hộ Độ.
Sau khi trở về địa phương, ông Lợi không ngừng tích cực tham gia công tác xã hội với các vai trò như Ủy viên Kiểm tra Đảng ủy xã, BCH Hội Người cao tuổi xã Hộ Độ… Ông cũng thường xuyên tham gia sinh hoạt chi bộ cho đến năm 2020 thì được tổ chức cho nghỉ danh dự. Dù vậy, ông vẫn đóng góp ý kiến cho chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong các phong trào xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Những ngày này, khi ông Lợi vừa trở về quê sau chuyến đi thăm con trai là Đại tá Trương Văn Lưu (Quân đoàn 4, Bình Dương) cũng là lúc cả đất nước bước vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2023).
Cùng các ĐVTN xã Hộ Độ đi trên những con đường NTM khang trang rợp bóng cờ hoa, ông Lợi không khỏi bồi hồi. “Nhắc lại ký ức một thời cầm súng lên đường chiến đấu vượt qua bao gian khổ, đặc biệt, nghĩ về những đồng đội của mình đã ngã xuống để quê hương thanh bình, phát triển như hôm nay, tôi cảm thấy sự hy sinh đó thật xứng đáng. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ ngày nay phát huy hơn nữa truyền thống của cha anh để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - cựu binh Trương Hồng Lợi bày tỏ.