Ký ức Giáp Thìn

Năm Giáp Thìn ấy, thân mẫu của tôi mất khi người mới ngoài bốn mươi tuổi và gia đình tôi rời bỏ đồng bằng, theo đoàn người đi khai hoang mở đất trên Thái Nguyên, gây dựng vùng chuyên canh chè.

Vùng chè dưới chân dãy núi Tam Đảo (Đại Từ). Ảnh: C.T.V

Vùng chè dưới chân dãy núi Tam Đảo (Đại Từ). Ảnh: C.T.V

Năm ấy, chuyện của chúng tôi là chuyện bé, chuyện đất nước năm Giáp Thìn 1964 là năm thứ tư của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất là chuyện lớn. Chúng tôi, những cư dân của phố thị Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, quây quần bên chiếc đài bán dẫn nghe tin thắng trận miền Nam và như lệ thường nghe thơ Bác Hồ. Năm ấy, Bác truyền cảm hứng, nhiệt huyết về niềm tin thống nhất đất nước. “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/. Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.

Rồi cũng trong năm Giáp Thìn 1964 ấy, nhiều sự kiện lớn đã đến: Cách mạng miền Nam thắng lớn, Mỹ thua đau nên tìm cách đánh ra hậu phương bằng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam do không quân thực hiện, bắt đầu từ ngày 5/8/1964… Ngày 15-10, Mỹ hèn hạ giết hại chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi làm dấy lên ngọn lửa đấu tranh với giặc Mỹ xâm lược trong dân ta và thế giới yêu chuộng hòa bình. Ngày đầu năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Thái Nguyên, Người chỉ thị những việc cần làm trong xây dựng công nghiệp, trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa...

***

Bấy giờ, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22,7 nghìn héc-ta; sản lượng chè đạt 250 nghìn tấn, cũng lớn nhất cả nước. Có cả trăm hợp tác xã (HTX), công ty, tổ sản xuất với phương pháp chọn giống, thu hái, chế biến theo quy chuẩn và mẫu mã đẹp cũng như tiếp thị tốt, giá trị chè Thái đã tăng không ngừng. Các cơ sở sản xuất chè liên tục ra đời và chè Thái Nguyên ngoài có mặt ở các tỉnh, thành phố còn xuất khẩu đi nhiều nước. Cây chè - cây làm giàu đích thực của Thái Nguyên.

Hòa bình vừa lập lại, một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Cuộc di dân của miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây… lên các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn… lớn chưa từng thấy. Hàng nghìn gia đình với hàng chục vạn lao động đi xây dựng kinh tế miền núi có tổ chức, trong các HTX cây công nghiệp có chi bộ đảng và ban quản trị HTX rất chính quy. Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào đi kinh tế mới.

Những HTX: Bắc Hà, Song Thái, Tân Linh, Hà Thái… ra đời. Liền đó, các nông trường quốc doanh chuyên trồng chè cũng ra đời nhanh chóng: Nông trường chè Sông Cầu, Quân Chu, Bắc Sơn, Sơn Phú... là những đơn vị “mở đất” cho ngành công nghiệp chè Thái Nguyên thời ấy và cả sau này.

Tôi là người trong cuộc. Tuổi trẻ là người nông dân làm chè thực thụ, gắn bó với cây chè trong HTX chuyên canh chè Bắc Hà. Vất vả, đầu tắt mặt tối từ nghề trồng chè nhưng cũng được hưởng lộc từ cây chè. Nói đúng hơn cây chè là "ân nhân" nuôi tôi ăn học. Ngày 28/12/1964 với tôi là ngày đáng nhớ. Ngày mà cha tôi, ông Phan Hữu Tiến - một người thợ thủ công phố Ga gà trống nuôi con, gọi đàn con dậy từ rất sớm để tập trung đi khai hoang.

Đoàn chúng tôi có 12 gia đình, người dồn cả lên một xe ca, tài sản thì trên một xe tải. Đoàn xe rời phố nhỏ Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nhìn xuống cả trăm người đưa tiễn xa dần, chúng tôi, lũ trẻ mới thảng thốt, òa khóc tức tưởi, vui buồn lẫn lộn… Hai chiếc xe lầm lũi đi trong chiều muộn đồng rừng, quãng chín giờ tối thì dừng lại bên một xóm nhỏ có tên La Giai, có con suối uốn quanh, nước chảy róc rách hòa cùng tiếng chim kêu nghe hoang vắng, não nề với những người vốn sống bên Quốc lộ 1, nhộn nhịp tầu xe.

Được phổ biến là lên Đại Từ, Thái Nguyên khai khẩn đất hoang trồng chè nhưng từ già đến trẻ đều không lường hết, không tưởng tượng ra nỗi gian nan, khó khăn chồng chất khó khăn đối với dân khai hoang chúng tôi. Nhất là, đại bộ phận lao động chính của hơn năm chục gia đình lên khai hoang tại xã Mỹ Yên này là những tiểu thương, thợ thủ công chưa một lần đến với rừng. Còn bọn trẻ con chúng tôi đi học xa hơn, đói khát hơn vì cha mẹ trong những năm tháng chân nâng thiếu thốn trăm bề…

Cứ thế, chúng tôi đốn cây, phát rừng, chờ khô rồi đốt; rồi đánh gốc, bốc trà, tra lúa mố, trồng sắn, gơ khoai lang, khoai sọ… gọi là lấy ngắn nuôi dài. Tiếp theo là trồng chè. Những cây chè cao chừng hai ba mươi phân nhổ từ vườn ươm trồng theo rạch, theo luống, cây cách cây năm mươi phân… Lần hồi rau cháo, lao động miệt mài, thoắt cái cũng đã 3 năm chúng tôi lập nghiệp trên quê mới. Lấy cái mốc 3 năm là để nhắc đến những đồi chè đầu tiên cho thu hái. Có chè là có tiền, có đời sống và có tương lai…

Từ những bãi chè ban đầu còn nhỏ, chúng tôi cứ phát rẫy, phát rừng mở rộng dần diện tích đến vài chục héc-ta, cùng với các nông trường chè Sông Cầu, Quân Chu, Tân Việt Hoa, Sơn Phú… và hàng chục hợp tác xã chuyên canh có tên tuổi: Song Thái, Tân Linh, Kiến Linh… góp phần làm nên tên tuổi ngành chè Thái Nguyên. Khách miền xuôi lên thu mua trà khô cũng chính là những người điều chỉnh giúp về kỹ thuật, chất lượng. 30 HTX chuyên canh chè của tỉnh cũng thế, đều có những hạt nhân nghề chè…

Nghề làm chè cũng thay đổi qua năm tháng theo cơ chế quản lý và thị trường. Chè của HTX được giao về cho gia đình canh tác. Cung cách làm chè tập trung và cả tổ chức hợp tác xã cũng không còn. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, năng suất chè tăng, giá trị của chè cũng tăng cao. Các cơ sở chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè ra đời ngày càng nhiều. Người dân làm chè không còn sao bằng củi, vò chân, phơi nắng chè như xưa mà bán chè tươi tại bãi cho cơ sở chế biến hoặc đầu tư máy sao chè, vò chè bằng gas, bằng điện.

Thái Nguyên hiện là mảnh đất Đệ nhất danh trà. Có nhiều sản phẩm được làm ra từ nguyên liệu chè và trà Thái Nguyên không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà đã vươn ra thế giới. Từ thế hệ nông dân làm chè tập trung những năm 60 thế kỷ trước - những người đi vỡ đất, năm, sáu thế hệ tiếp theo sinh ra và lớn lên từ vùng chè. Cây chè đã gắn bó với cuộc đời bao người.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202405/ky-uc-giap-thin-86f2749/