Ký ức 'kết nối' những con đường cho Chiến thắng Điện Biên Phủ
Cùng với bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Lực lượng TNXP luôn đi trước mở đường, kết nối, hàn gắn những con đường, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Đã 70 năm, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu TNXP Hoằng Hóa.
Anh hùng LLVT Nhân dân - “Vua phá bom” Cao Xuân Thọ chia sẻ kỷ niệm tại Hội Cựu TNXP tỉnh. Ảnh: Lê Hà
Ông Lê Viết Khích, thôn Khang Thọ Hưng, xã Hoằng Đức là cựu TNXP kháng chiến chống Pháp. Tôi đến gặp đúng lúc ông đang chuẩn bị quân trang để đầu giờ chiều ra thủ đô Hà Nội dự cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây không phải lần đầu ông xa nhà, cũng không phải lần đầu dự hội nghị quan trọng nhưng tâm trạng có sự khác lạ vô cùng. Ông Khích hồi hộp, bồn chồn và phấn khởi. Bởi đây là chuyến đi sẽ mang lại nhiều kỷ niệm với ông tuổi xế chiều, xen lẫn niềm tự hào, hãnh diện. Ông sẽ gặp lại những đồng đội của mình thời là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, hăm hở ra tiền tuyến.
Ông Khích kể: "Tháng 2/1952, tôi được biên chế vào đơn vị C410 - Đội 40 được một thời gian rồi được điều chuyền đến C404 và C408 - Đội 40 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực từ ngã ba Cò Nòi (Sơn La) lên Tuần Giáo (Điện Biên) để mở đường, đào hào giao thông... Tháng 1/1954, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và một số đồng đội trong đơn vị có sức khỏe hơn được bổ sung cùng với lực lượng bộ đội đào hào bao vây Điện Biên Phủ; làm đường cho bộ đội kéo pháo để thực hiện chiến dịch. Thời điểm này khó khăn, gian khổ không thể kể hết: ăn cơm nắm, cá khô, ngủ màn trời chiếu đất... Nhưng có một điều đặc biệt là tinh thần của TNXP và bộ đội hăng hái vô cùng. TNXP chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, lên rừng đốn cây gỗ chèn xuống đường sình lầy để cho xe và người kéo pháo lên trận địa. Nhiều tuyến bị Pháp đánh bom, lực lượng TNXP phải mở đường mới, làm bằng mọi cách để cho xe và người qua được".
Lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Hoằng Hóa đến thăm ông Lê Viết Khích xã Hoằng Đức (bên phải).
Trực tiếp sát cánh với bộ đội những nơi ác liệt để duy trì huyết mạch giao thông cho chiến dịch, nhiều kỷ niệm cứ thế ùa về khiến ông Khích xúc động. Năm nay đã 89 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Ông nhớ chi tiết từng sự kiện: "Năm tháng trong kháng chiến, tôi còn được gặp Bác Hồ, Bác tặng TNXP mấy câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Với TNXP chúng tôi, 4 câu thơ này luôn là kim chỉ nam cho lý tưởng và lẽ sống đến tận bây giờ".
Sinh năm 1929, ông Nguyễn Đình Tạo ở thôn Liêm Chính, xã Hoằng Sơn có những kỷ niệm sâu sắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỷ niệm nào ông cũng muốn kể cho chúng tôi. Không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang đến gần khiến ông thêm phấn chấn. Nhập ngũ tháng 10/1953, lúc đó ông Tạo đang là Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc xã. Ông được biên chế vào C401 - Đội 40 và làm Trung đội trưởng rồi Đại đội phó.
Lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Sơn thăm ông Nguyễn Đình Tạo (thứ 2 từ trái qua phải).
Ông Tạo chia sẻ: “Nhớ nhất là khoảng thời gian 5 ngày trước Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Pháp đánh phá rất ác liệt, phá đường, giải bom bươm bướm găm xuống đường, găm vào ngọn cây nhằm gây thương vong cho các lực lượng của ta. Pháp thay đổi chiến thuật và giờ nổ bom nên lực lượng của ta bị thương vong nhiều và làm đường vô cùng gian khổ. Đơn vị của tôi được hướng dẫn cách phá bom và được Công trường 13, Hội đồng Trung ương động viên nên tinh thần các chiến sĩ hăng hái lắm”. Với tinh thần “Người này ngã xuống, người kia đứng lên” để đảm bảo giao thông thông suốt, chúng tôi như những chú ong thợ làm đường, vá đường, đào hào, vận chuyển lương thực, vũ khí xuyên ngày, xuyên đêm. Chỉ với cây đuốc thôi, chúng tôi cứ thế thi nhau đào hào, vá đường, mở đường cho kịp thời gian cấp trên chỉ đạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Cùng đơn vị với ông Tạo là Anh hùng Cao Xuân Thọ, xã Hoằng Giang - Vua phá bom và 4 lần được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ trực tiếp gắn Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2014, đồng chí Cao Xuân Thọ là một trong 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những công lao của ông, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Nhớ về những ngày tháng gian khổ, hào hùng ấy, đôi mắt người lính già vẫn ánh lên niềm tự hào một thời máu và hoa. Theo lời ông Thọ: "Năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh Đoàn X-P, khi đó Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP 40 và 34 được điều ra làm nhiệm vụ bảo vệ Đường 13 và 41 phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi được cử làm Đội trưởng Đội phá bom (Đại đội 404 - Đội 40) để thông đường tại ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La). Dụng cụ phá bom rất thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, thuốn và thuốc nổ". Thế nhưng với tinh thần tất cả cho chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, với bản lĩnh kiên cường và sự sáng tạo, ông đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá hủy hết quả bom này đến quả bom khác do địch thả xuống. Bởi ông và đồng đội biết, đây là trận đấu quyết định cho vận mệnh đất nước được độc lập, tự do.
Theo thống kê, huyện Hoằng Hóa có gần 1.000 thanh niên tham gia nhập ngũ chống thực dân Pháp và được biên chế ở các đơn vị 34, 40, 42, 36 và ATK phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những người lính tham gia chiến đấu khi xưa, có người gửi lại ước mơ, tuổi thanh xuân nơi chiến trường, có người may mắn được trở về sống trong hòa bình và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và đặc biệt là truyền lửa cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.