Ký ức không quên, mỗi lần nhớ về chực trào nước mắt của NSND Thu Hiền, Thái Bảo
NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo đã làm việc cùng nhau gần 40 năm, họ có nhiều ký ức về một thời hoa lửa, mang 'tiếng hát át tiếng bom'.
Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), NSND Thái Bảo, NSND Thu Hiền nhớ lại những tháng ngày mang "tiếng hát át tiếng bom".
NSND Thái Bảo kể, NSND Thu Hiền không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người chị trong nghề. Cả hai cùng tuổi rồng, NSND Thu Hiền hơn NSND Thái Bảo một giáp.
"Hai chị em thân thiết với nhau hơn 40 năm kể từ ngày tôi đặt chân về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Ngày đó, tôi ngưỡng mộ chị Hiền. Trên sân khấu chị duyên dáng, dưới sân khấu rất hài hước. Từ thủa hàn vi, chúng tôi đi diễn từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền núi. Ở các tỉnh thành một ngày 7, 8 suất diễn là bình thường", NSND Thái Bảo chia sẻ.
NSND Thái Bảo thuộc thế hệ hậu sinh nên không có nhiều cơ hội được vào chiến trường phục vụ văn nghệ như NSND Thu Hiền. Nhưng vào đầu những năm 1984 - 1987, chị cũng 3 lần được cùng đoàn đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh biên giới phía Bắc như: Phong Thổ, Điện Biên (thuộc Lai Châu cũ) và Móng Cái (Quảng Ninh)... Khi đó, tiếng súng đã lắng xuống nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn còn ám ảnh.
Năm 17 tuổi, Thái Bảo lần đầu tiên đi biểu diễn ở biên giới phía Bắc. Chuyến đi đó, ngoài tư trang cá nhân, chị còn ôm theo cây đàn guitar gỗ. Chị nhớ rất rõ, sân khấu là mặt đất bùn nhão nhoét, không có ánh đèn chiếu sáng, không micro… Ca sĩ bước lên hát mộc với cây đàn guitar. Nhiều lần hát xong, chân bị lún xuống bùn sâu khoảng 20cm, nhấc mãi mới lên.
Gần 40 năm trôi qua, có kỷ niệm mà đến tận bây giờ vẫn hằn sâu trong ký ức của NSND Thái Bảo, mỗi lần nhớ về chực trào nước mắt.
"Hôm đó, khi diễn xong, trời mưa lất phất, ô tô quân đội chở tôi về lán trại dựng bằng tranh tre để nghỉ ngơi. Khoảng 1 giờ sáng, khi tôi đang vùi sâu trong giấc ngủ thì nghe thấy tiếng đập cửa liên hồi. Tôi ra mở cửa thấy một đoàn các anh bộ đội đứng xếp thành hàng dài, chừng khoảng 20 người. Họ nói đã xin phép chỉ huy, đi bộ 15km tới lán trại, xin tôi hát bài Vết chân tròn trên cát.
Nghe hát xong, họ còn muốn tôi chép lại lời ca khúc. Tôi lấy bút, tì lên lưng một anh bộ đội, chép liền. Xong xuôi, các anh chào theo hiệu lệnh quân đội rồi rời đi, tôi chỉ đứng khóc. Giờ đây, khi kể câu chuyện này, có thể nhiều anh đã đi xa, mong những ai còn sống hãy nhớ về kỷ niệm đẹp ngày hôm ấy", NSND Thái Bảo nghẹn ngào.
Thời bình, NSND Thái Bảo, NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức có rất nhiều buổi diễn cùng nhau, rong ruổi các vùng miền trong nước.
"Khán giả gửi thư yêu cầu hát lên sân khấu rất nhiều. Có hôm tôi hát tới 5, 6 bài, chị Hiền 7, 8 bài", NSND Thái Bảo nhớ lại.
Chị nhớ nhất những chuyến đi lưu diễn ở biên giới, làng xã đầy gian khổ, khó khăn nhưng không ai than vãn.
"Chúng tôi phân công người mang nồi, bếp, chăn chiếu. Đi đến đâu cũng đi chợ tự nấu ăn. Hôm nào được đơn vị bộ đội mời ăn thì sung sướng không gì bằng. Cả những chuyến đi lưu diễn nước ngoài. Bà con Việt kiều rất yêu quý chị Hiền. Chị Hiền không dạy nhạc cho tôi. Nhưng hơn 40 năm làm việc cùng, tôi học hỏi ở chị rất nhiều, đó là thái độ trân trọng nghề và khán giả, chỉn chu từ cách hát tới trang phục biểu diễn", NSND Thái Bảo bày tỏ.
Sắp tới, NSND Thái Bảo và NSND Thu Hiền sẽ tham gia hát tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Nghĩ tới lúc cất tiếng ca gửi tới các liệt sĩ đã nằm xuống dưới mênh mông đại ngàn, cả hai không kìm được nước mắt.
NSND Thu Hiền tâm sự có em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, phần mộ vẫn đang đặt tại Quảng Trị. Vì thế, mỗi lần đi qua mảnh đất này, bà luôn có cảm xúc khó tả.
Không chỉ riêng Quảng Trị mà cả mảnh đất miền Trung, mỗi lần xe đi qua nơi đây, NSND Thu Hiền không thể ngăn được những dòng ký ức xưa hiện về. Bởi cả tuổi trẻ, bà xuôi ngược ở vùng đất ấy… sống nhờ những củ khoai, củ sắn và sự che chở của người dân.
Thời chiến tranh khói lửa, NSND Thu Hiền được cử vào chiến trường phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ trên tuyến lửa. Bà hát trên trận địa, bên cạnh chiến hào, trạm y tế dã chiến và cả trong khu nghỉ dưỡng của thương binh.
"Hát trong địa đạo, dưới ánh đèn măng-xông, micro bằng ống bơ lấy từ chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường, mỗi lần hát tiếng vang ra. Những năm tháng đó, thuốc gây tê rất hiếm, mỗi khi có kíp mổ cho thương binh, chúng tôi lại vào hang đá hát cho họ nghe để bớt đau đớn. Cứ vớ được câu gì là hát câu đấy, đang hát lại phải dừng lại lấy tay lay lay người thương binh: Anh ơi! Anh mở mắt nghe em hát này", NSND Thu Hiền bùi ngùi kể.
NSND Thái Bảo hát 'Mùa xuân đầu tiên':