Ký ức ngày hạ

Nắng chói chang bỏng rát, tiếng ve dường như cũng đã rạc đi vì gọi hè. Ngồi bên thềm nhà, ngước lên nhìn khoảng trời cao xanh, cô bất chợt nghĩ ra điều gì...

Nắng hạ chói chang, tiếng ve dường như cũng rạc đi vì gọi hè

Nắng hạ chói chang, tiếng ve dường như cũng rạc đi vì gọi hè

Sau cơn mưa đêm qua, cây cối trong vườn nhà như được tiếp thêm nguồn sống, xanh tươi hơn. Vậy nhưng sang ngày hôm sau, nắng vẫn tiếp tục “đốt cháy” cả không gian. Vườn nhà cô dù nhiều cây cũng chẳng thể xua đi hơi nắng bốc lên từ khoảng sân gạch đã cũ phả vào da thịt. Hơi nắng oi nồng khiến người ta thực sự khó chịu.

Khác với mọi lần, cô không nhanh chân chạy vào nhà để trốn nắng. Dường như, cô đang muốn thi gan với nắng, xem nắng đáng sợ đến nhường nào. Và cô ngồi dưới mái hiên nhà, ngước nhìn đám mây trắng bồng bềnh trên nền trời màu xanh...

Ngày còn nhỏ, hè về, cũng như bao đứa trẻ ở quê, mấy chị em cô thường trốn bố mẹ ra chỗ bờ ao nhà ông giáo. Nơi ấy có cây sung già, thân cây nghiêng hẳn - sà xuống mặt nước. Cây sung như cây cầu, để đám trẻ con leo ra giữa ao, rồi ngồi xuống thả chân đung đưa dưới làn nước mát lành. Bà giáo từ trong nhà chạy ra thấy vậy không ngừng quát nạt vì sợ có đứa nào chẳng may rơi xuống ao. Nhưng rồi bờ ao có cây sung nhà ông giáo vẫn cứ là “điểm hẹn” yêu thích của bọn trẻ con trong xóm vào những trưa hè trốn bố mẹ đi chơi.

Rồi một hôm, đang vắt vẻo ngồi trên cây sung đá nước thì cô thấy thấp thoáng bố cô đi ra. Khi cô còn chưa kịp “đáp” vào bờ thì đã thấy bố đứng trước mặt. Sắc mặt ông nghiêm lại, chỉ nói mấy chữ “đi về nhà” mà khiến chị em cô tái mặt, mấy đứa em cũng lũi chũi theo chị chạy về. Đến nhà, biết lỗi nên cả ba chị em đứng úp mặt vào tường. Không có tiếng quát tháo như mẹ, cô chỉ nghe có tiếng roi tre vút lên và hai chân đau rát... Không nhiều, mỗi đứa chỉ một roi. Nhưng sau lần đó, chị em cô không còn dám trốn bố mẹ đi chơi vào giữa trưa nắng. Có chăng, vào buổi chiều khi người trong làng thường tập trung về đó ngồi hóng mát thì bọn trẻ cũng tranh thủ lượn lờ ra chơi. Dĩ nhiên, mấy trò nghịch ngợm của đám trẻ khiến người lớn phải thường xuyên nhắc nhở...

Thấm thoát, ông bà ông giáo đã thành người thiên cổ. Cây sung già không còn, ao trước nhà ông giáo đã được các con ông kè bờ sạch sẽ, dưới ao trồng hoa sen và súng... Có điều, các con ông cũng đã xây tường cao bao quanh nên đi từ bên ngoài, chẳng ai nhìn được vào bên trong ao nữa. Có người bảo xây như vậy cho kín đáo, người nói không nên xây tường quá cao vì trông rất chướng, chưa kể chắn hết gió từ ngoài thổi vào nhà. Có điều, cũng từ đó, dù mùa hè vẫn nóng bức nhưng bờ ao nhà ông giáo không còn là “điểm hẹn” của người trong làng nữa.

Rồi cô lại nhớ đến những mùa hạ theo đứa bạn thân ra đồng đi bắt cua. Ấy là sau những ngày gặt lúa vụ chiêm và chờ cấy vụ mới, trên những đám ruộng lấp xấp nước, chỉ cần đi lật các mô rạ người ta bỏ lại ruộng thì kiểu gì cũng bắt được cua đang “trốn nắng” trong đấy.

Cô nhớ đến đứa bạn học cùng lớp nhà ở cuối xóm vẫn thường rủ cô đi bắt cua. Nhà nó khó khăn nhưng thực sự tốt tính, giỏi bắt cua cá. Gọi là đi cùng nhưng nhiệm vụ của cô chỉ cần xách giỏ đi theo nó và khi về, kiểu gì nó cũng chia cho cô một nửa... Cô bạn ấy giờ đã thành cô giáo mầm non, dạy ở xã bên cạnh.

Một lần hai đứa ngồi uống nước, nó hỏi cô: Mày còn nhớ cái lần tao đến nhà chơi, mày có cái bánh bao cũng chia cho tao một nửa không... đến giờ tao vẫn nhớ. Nghe bạn nói xong, cô mông lung lục lại ký ức nhưng không nhớ nổi. Rồi cô bạn lại tiếp lời: Mày có tin, đó là lần đầu tiên tao được ăn bánh bao không! Ngày đó, nhà tao thực sự rất nghèo. Nhiều hôm vì chưa có tiền nộp học, đến lớp cô giáo hỏi, tao nói dối là quên, cô giáo bảo quên thì chạy về nhà lấy đến nộp cho nhớ, thế là tao lại chạy ra ngoài, vẩn vơ đợi cho hết tiết mới vào lớp vì không muốn cô biết mình nói dối... Bạn nói xong, khóe mắt cô khi ấy rưng rưng. Cô không nghĩ bạn phải trải qua nhiều chuyện như vậy...

Nghĩ đến đó, cô bất chợt tự hỏi, sao bây giờ nhiều chuyện vừa mới xảy ra chỉ mới hôm trước, tháng trước, thậm chí là vài tiếng đồng hồ trước thì cô đã nhớ nhớ - quên quên, vậy mà những chuyện xưa cũ ấy, cô lại vẫn nhớ?! Cô không thích mùa hạ. Nhưng rồi cô lại có nhiều chuyện đáng nhớ xảy ra trong những mùa hạ đã qua. Từng chút một, cô sẽ kể bạn nghe!

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ky-uc-ngay-ha-31439.htm