Ký ức về Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong lòng tôi
'Khoảng 4 giờ chiều ngày 21-5-1945 thì Bác Hồ cùng một số cán bộ và bộ đội về đến làng Kim Long, nay là xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Bác được những người già của làng đưa về ở tại nhà cụ Nguyễn Tiến Sự (cụ Sự là Chủ nhiệm Việt Minh), còn một số cán bộ và bộ đội được bố trí ở tại nhà của bà con trong làng (có 23 nhà), mỗi nhà từ 5-7 người. Bác Hồ, cán bộ và bộ đội cùng ăn, cùng ở với người dân.
Bác ở nhà cụ Sự được 3 ngày thì có tin Đồng minh cử đội Con nai về Tân Trào để giúp Việt Minh và Bác bảo phải làm lán ngay. Trong đoàn đưa Bác đi tìm địa điểm làm lán có ông Nguyễn Tiến Sự là Chủ nhiệm Việt Minh, ông Hoàng Văn Các là cố vấn Việt Minh, ông Hoàng Trung Nguyên là liên lạc cho Bác và một cán bộ, bộ đội. Vào đến khu Lũng Tẩu, Bác Hồ bảo: “Xa dân quá, phải chỗ nào gần dân”. Ra đến khu Nà Nưa, Bác hỏi: “Núi này là núi gì?”. Ông Các là già làng trả lời Bác đó là núi Hồng. Bác hỏi tiếp một số việc nữa và đồng ý làm lán ở đây.
Ông Hoàng Ngọc (84 tuổi), năm 1945 là một trong 4 cháu nhỏ được ra Đình Tân Trào chúc mừng Quốc dân Đại hội. Ảnh: HOÀNG CAO KHẢI.
Hôm sau, bộ đội làm lán xong, Bác Hồ và cận vệ cùng với mấy người thuộc quân Đồng minh lên lán ở, còn bác Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ ở với dân làng. Khoảng tháng 7-1945, Bác Hồ bị ốm nặng, dân làng và mọi người tìm thuốc thang chữa bệnh cho Bác. Thấy Bác ốm nặng, ông Văn (ông Võ Nguyên Giáp) xin ngủ lại với Bác. Tối đó, Bác Hồ nói với ông Văn đại ý: Thời cơ đã đến, dù phải hy sinh gian khổ đến mấy, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do. Hôm sau, Trung ương họp luôn trên lán để quyết định tổng khởi nghĩa giành độc lập. Các ngày 16, 17 và 18-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Đình Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa giành độc lập.
Nhân dân làng Kim Long đã cử một phái đoàn ra Đình Tân Trào chúc mừng Quốc dân Đại hội họp. Đoàn đại diện dân làng đi chúc mừng có phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên do cụ Hoàng Văn Các làm trưởng đoàn mang theo gạo, gà và 1 con bò để chúc mừng đại hội. Khi đoàn ra đến nơi thì ông Trần Huy Liệu từ trên sàn đình xuống đón. Chào hỏi xong, đoàn xếp thành một hàng ngang trước cửa đình, các cháu nhỏ đứng trước (có 4 cháu) gồm có tôi (khi đó 9 tuổi), ông Khoái, ông Giai, ông Hiền. Sau đó, đồng chí già (Bác Hồ) xuống chào hỏi, nói chuyện và cảm ơn dân làng đã ủng hộ cách mạng, ủng hộ Quốc dân Đại hội và căn dặn đôi điều về công tác cách mạng. Tiếp theo, thấy 4 cháu nhỏ mặc quần áo rách rưới, gầy gò đứng hàng trước, Bác đến âu yếm xoa đầu chúng tôi và nói với các đại biểu dự đại hội: “Đây này, chúng ta phải làm thế nào để các cháu đây có cơm no, áo mặc, phải được học hành, nhân dân phải được tự do, ấm no hạnh phúc”. Sau đó Quốc dân Đại hội tiếp tục họp, đến ngày 19-8-1945 thì tổng khởi nghĩa giành độc lập thành công ở Hà Nội, tạo tiền đề khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong ký ức của tôi và người dân Tân Trào, Bác Hồ rất vĩ đại mà vô cùng giản dị. Mặc dù bận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi người dân trong làng. Người còn tham gia cùng với bà con lao động sản xuất, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, động viên người dân hăng hái lao động. Dù đã 75 năm trôi qua, nhưng những ký ức về Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong lòng tôi và mỗi người dân nơi đây. Học và làm theo lời Bác dạy, người dân Tân Trào hôm nay luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao".