Kỷ vật chiến tranh

Chiến tranh kết thúc đã gần nửa thế kỷ. Quãng thời gian ấy đủ khiến một thanh niên trở thành một người cao tuổi. Nhưng với người trong cuộc, những kỷ niệm, kỷ vật của một thời hoa lửa vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

1. Trong căn nhà cấp 4 trên đường Cù Chính Lan (TP. Pleiku), ông Phạm Hồng Nam-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tôi cùng với một số hiện vật để sẵn trên bàn. Một chiếc mũ cối, một dây đeo và vỏ bao súng ngắn K59. Đáng kể hơn là một bộ tăng võng dù. Ông bảo, hồi còn công tác, có cơ hội đi khắp nơi nhưng rồi không hiểu sao đến khi ngủ-nghỉ, mình vẫn cứ thích nằm võng. Giờ hưu trí, mỗi lần đi chơi dưới huyện hay về quê Bình Định là thế nào cũng phải xách võng theo. Có lần, biết là mang đi nhưng cũng không dùng đến, vậy mà vẫn cầm theo, vì nếu không lại thấy... thiêu thiếu. Có lẽ, lính căn cứ khu 6 ai cũng như vậy, nhiều năm rồi giờ thành nếp.

Năm 1965, ông Nam bắt đầu công việc ở Ban Kinh tài (Tài mậu) tại Căn cứ địa cách mạng Khu 10 của tỉnh (nay là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang). Đầu năm 1972, ông được kết nạp vào Đảng; đến tháng 4-1972, được phân về huyện 6, theo phương châm “đi phía trước”. Tại đây, cứ 3 tháng một lần, ông được cử về căn cứ của tỉnh báo cáo thu chi và nhận kinh phí cùng một số nhu yếu phẩm cho cơ quan huyện. Cùng đi với ông, có một người được trang bị vũ khí để bảo vệ. Tại những điểm vượt đường nguy hiểm, bộ đội sẽ hỗ trợ các đoàn công tác. Khi cần thiết, ông cùng anh em trong đoàn có thể cắt rừng lội bộ xuống đồng bằng (chủ yếu là Bình Định) mua hàng hóa cho công việc chung.

Ông Phạm Hồng Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) bên các kỷ vật thời chiến tranh của mình. Ảnh: Đ.T

Ông Phạm Hồng Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) bên các kỷ vật thời chiến tranh của mình. Ảnh: Đ.T

Ông Nam dừng lại giây lát rồi nháy mắt cười vui: Và cả mua hàng cho việc… riêng nữa. Ông kể tiếp: Khoảng năm 1973, biết thủ trưởng có cảm tình với nữ đồng hương Bình Định, anh em trong cơ quan “nói vào” rất nhiều, mong 2 người thành đôi. Thấy sự việc chín muồi, một số anh em trẻ nhân chuyến công tác đồng bằng liền mua trà, thuốc, bánh kẹo về sửa soạn đám cưới. Tiếc là việc không thành. Mãi đến sau năm 1975, anh ấy mới xây dựng gia đình khi đã ở tuổi 50…

Theo ông Nam, cơ quan huyện 6 đóng trong rừng, bộ phận đầu não ở xã Kon Chiêng ngày nay. Để an toàn, các đơn vị/bộ phận hợp thành căn cứ không ở gần nhau. Khi cần, lãnh đạo cơ quan sẽ triệu tập lãnh đạo hoặc đại diện các đơn vị dưới quyền về họp/tập trung tại khu vực trung tâm hoặc một địa điểm thích hợp. Chẳng hạn, giai đoạn sau năm 1970, Văn phòng UBND huyện và Văn phòng Huyện ủy từng có những thời điểm chung và riêng. Các căn nhà của Huyện ủy được dựng tại Đe Bơchăk còn cơ sở của UBND huyện lại ở Đak Ó.

Nhà cửa ở căn cứ làm bằng nguyên vật liệu sẵn có. Để tránh bị máy bay phát hiện, nhà được dựng dưới tán lá rừng. Người ta đi chặt cây, cắt tranh cách nơi dựng nhà khoảng một vài cây số. Gỗ, tre không chặt nhiều cây một chỗ mà chỉ “bấm, tỉa” để tránh bị thám báo địch nghi ngờ, cũng là cách không làm tán rừng che phủ thưa đi. Việc cắt cỏ tranh lợp nhà cũng được thực hiện theo lối này. Trừ nhà bếp, lán ăn, hội trường buộc phải rộng hơn, mỗi căn nhà ở trong căn cứ thường nhỏ gọn, có 4 cột và 2 vì kèo. Tất cả được kết nối với nhau bằng dây cột. Vách nhà thưng bằng le hoặc lồ ô đập dập. Vào mùa lạnh, người ta kết tranh chắn thêm bên ngoài vách cho kín gió. Người có tuổi ở căn cứ thường nằm ngủ trên giường làm bằng tre, lồ ô còn thanh niên thì mắc võng. Dù nằm giường hay võng, trong mỗi căn nhà nhỏ ấy đều có hầm, nối với giao thông hào, đường thoát xuống suối hoặc ra rừng.

“Từ khi ở căn cứ Krong cho đến khi về cơ quan huyện 6, mình đi đâu cũng có võng sau lưng. Đến giờ, hơn 50 năm rồi vẫn còn giữ cái võng là vì vậy”-ông Nam bộc bạch. Nghe tôi gợi ý: “Những hiện vật quý này sẽ càng quý hơn khi được trưng bày trong nhà truyền thống của huyện Mang Yang hoặc Bảo tàng tỉnh”, ông cười: “Có bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với những kỷ vật ấy. Nhưng rồi có lẽ cũng phải gửi lại thật, mình chẳng thể giữ được mãi…”.

2. Chúng tôi vừa có chuyến công tác về làng Ktu (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) thăm Trung úy Yek, người Bahnar, sinh năm 1937. Gặp nhau, ông hỏi ngay: Trên tỉnh có biết Phan Anh Tuấn không? Tôi đáp có. Ông cười hồ hởi: “Thủ trưởng mình đấy. Mình là lính “nó” từ những năm 60, đến 1966, thành lập Tiểu đoàn 15 thì mình vẫn đi theo Phan Anh Tuấn, làm trinh sát”. Tôi hỏi ông có biết căn cứ huyện 6 không? Ông cười lớn: Sao lại không, mình ở đây từ nhỏ mà. Nói rồi, ông cùng chúng tôi ra khu vực từng là cơ quan huyện 6. Chỉ tay về phía một khu rừng còn tương đối rậm rạp, rộng dăm héc ta, ông bảo: Bây giờ, ai muốn vô thì vô, chứ ngày xưa thì không được. Bí mật lắm, ở đâu cũng có người gác. Có người gác ta thấy, có người gác ta không thấy. Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khi về thăm Kon Chiêng cũng đã đến chỗ này rồi.

Theo ông Yek, Kon Chiêng là vùng đất có truyền thống cách mạng. Trước năm 1975, ai cũng tin Bác Hồ, theo cách mạng. Người đi bộ đội, người làm du kích, người gùi hàng trên các tuyến hành lang bí mật ngang qua địa phương. Không một ai đứng ngoài khi cán bộ huyện 6 về làng vận động. Ngay cả các em nhỏ cũng chăm chỉ đi kiếm rau, bắt cua, ốc mang cho bếp ăn tập thể. Tôi hỏi, ông có còn giữ được hiện vật nào sau cuộc chiến không? Ông lắc đầu: Súng đạn thì khi về đã trả lại đơn vị, còn con dao găm hay cái ca inox, có người xin thì cũng đã cho cả rồi. Với mình, nhìn thấy chúng là lại nhớ thời chiến tranh, nhớ về đồng đội đã hy sinh…

NGUYỄN QUANG TUỆ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202005/ky-vat-chien-tranh-5680369/