Kỷ vật kể chuyện người lính biển

Trong căn nhà sàn 2 tầng của quán cà phê, cựu binh Trần Quân Chính làm nơi trưng bày, lưu giữ những kỷ vật của người lính hải quân, đó là những mảng san hô mang hình hài Tổ quốc hay những vật dụng giản dị của người lính biển.

Nâng niu

Chúng tôi tìm về “bảo tàng” của cựu lính hải quân Trần Quân Chính ở xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một chiều hè oi nóng. Mang cốc trà đá mời khách, ông Chính chia sẻ về niềm đam mê và tâm huyết của bản thân. Vốn sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống là lính hải quân, thân sinh ông Chính là cụ Trần Quân Toản từng là chiến sỹ đoàn tàu Không số, chú ruột của ông cũng là lính đặc công hải quân. Mấy anh em ông Chính đều là cựu lính hải quân. Thêm nữa, quê ông là vùng biển nên từ nhỏ, biển đảo đã là một phần máu thịt của chàng trai trẻ Trần Quân Chính. Năm 1989, ông nhập ngũ và làm nhiệm vụ canh gác căn cứ quân sự tại Cam Ranh thuộc Vùng 4 Hải quân. Ba năm sau, ông xuất ngũ và bôn ba mưu sinh ở Nga, Trung Quốc hàng chục năm trời.

Trở quê quê hương, bên cạnh làm kinh tế bằng nhiều nghề, trong tâm trí ông Chính luôn đau đáu tâm nguyện tái hiện lại một không gian, một mô hình “bảo tàng” gói ghém hết tất cả những kỷ vật của cha ông để nhắc nhở thế hệ sau nhớ một thời hào hùng, gian khó. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông Chính quyết định mở một quán cà phê nhà sàn, trong đó dành riêng một không gian trưng bày những kỷ vật của người lính hải quân cùng những đồ vật khác của một thời xưa cũ.

Những kỷ vật về Trường Sa, về người lính hải quân đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của cựu binh Trần Quân Chính.

Những kỷ vật về Trường Sa, về người lính hải quân đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của cựu binh Trần Quân Chính.

Nhớ lại quá trình sưu tầm và thành lập phòng trưng bày kỷ vật hải quân, cựu binh Trần Quân Chính cho biết: “Hồi ở trong đơn vị, mỗi lần đến thăm đồng đội, bạn bè thấy có những đồ vật thân thuộc của người lính hải quân, tôi thường trân quý rồi ngỏ lời. Ai cho thì mình lấy, ai bán thì mình mua…”. Trong hàng trăm kỷ vật của người lính hải quân mà ông Chính sưu tầm, mỗi hiện vật đều có những câu chuyện riêng biệt từ giản dị mà rất đỗi thiêng liêng của Trường Sa như hòn đá san hô, những con ốc biển. Dày công nhất trong bộ sưu tập của ông Chính có thể kể đến 6 mô hình tàu ngầm lớp Ki-lô của Học viện Hải quân Nha Trang tạo dựng, rồi mô hình tàu cảnh sát biển Việt Nam, mô hình máy bay Su30… Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với ông là chiếc dao găm của một người lính đặc công hải quân đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Ông Chính kể, chiếc dao găm của người lính đặc công hải quân ấy đến với ông cũng rất đỗi tình cờ. Đó là vào ngày khai trương phòng trưng bày, bất ngờ có một người đàn ông giới thiệu là cháu của một cựu binh hải quân. Nghe tin ông Chính lập bảo tàng người lính hải quân nên người cựu binh đã sai cháu mang chiếc dao găm kỷ vật của đồng đội đến tặng. Chiếc dao găm ấy là kỷ vật thiêng liêng mà người lính đặc công hải quân trước khi hi sinh tặng cho người cựu binh già. Nay tuổi cao, người cựu binh nhờ cháu tặng lại cho ông Chính lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng tư nhân đồng thời kể lại câu chuyện quá khứ hào hùng của những người đặc công hải quân mỗi khi có khách ghé thăm.

“Hàng chục năm sưu tầm kỷ vật của những người lính hải quân, với tôi đó là tình yêu, sự cảm phục dành cho người lính biển ngày đêm trung kiên nơi “đầu sóng ngọn gió” canh giữ biển trời quê hương. Đồng thời mong muốn thế hệ sau luôn ghi nhớ công ơn của cha ông đã anh dũng bảo vệ và tiếp nối dựng xây đất nước ngày càng phát triển tươi đẹp hơn” - Cựu binh Trần Quân Chính

“Khi mở phòng trưng bày, tôi muốn việc làm của mình được lan tỏa trong cộng đồng giúp mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm được quá khứ gian truân mà rất đỗi hào hùng của cha ông. Đó là những bình bi đông, bình tông, đạn pháo gắn với những câu chuyện, chiến tích một thời. Việc tôi lưu giữ những kỷ vật đó không phải để mình bán nó đi mà đó là những thứ thiêng liêng, cần được lưu truyền qua nhiều thế hệ”, ông Chính bộc bạch.

Ngoài những kỷ vật của người lính hải quân, đồ xưa cũ, ông Chính rất đỗi tự hào khi còn lưu giữ 4 tập thơ: “Tình người lính biển” với hàng trăm bài về những người lính Trường Sa do tự tay người cha từng tham gia trên con tàu Không số sáng tác. Nói rồi, ông lật giở từng trang đầu tiên của tập thơ với bút tích của cha tặng cho vợ chồng ông: “Trước khi cha tôi mất, ông để lại cho tôi 4 tập thơ tự sáng tác và biên soạn, đóng thành cuốn. Tuy tặng cho vợ chồng tôi nhưng cha tôi vẫn cẩn thận đề bút ký tặng giống như những người trân quý tặng sách cho nhau. Trong mỗi bài thơ viết cho người lính đảo của người cha quá cố đều có đề năm tháng sáng tác, có những bài thơ ra đời cách đây 30 - 40 năm. Những tập thơ này tôi rất nâng niu, trân trọng. Đó là tất cả những tình cảm của cha tôi dành cho lính hải quân, cho Trường Sa thiêng liêng”.

Ông Trần Quân Chính giới thiệu về tập thơ mà người cha quá cố đã sáng tác về Trường Sa, về những người lính hải quân.

Ông Trần Quân Chính giới thiệu về tập thơ mà người cha quá cố đã sáng tác về Trường Sa, về những người lính hải quân.

Gìn giữ cho đời sau

Qua những lần đi khắp nơi sưu tầm kỷ vật hải quân, cựu binh Trần Quân Chính chia sẻ: “Tôi mở phòng trưng bày mới được một năm thôi nhưng thời gian sưu tầm phải hàng chục năm góp nhặt mới có được. Giá trị về mặt tinh thần, thỏa tâm nguyện bao năm. Từ khi có phòng trưng bày kỷ vật, khách đến quán cà phê có thể lên tham quan, mục sở thị được những mô hình mô phỏng tàu ngầm lớp Ki-lô, rồi tàu chiến khó thấy bằng mắt thường ở ngoài đời. Hay với những ai chưa một lần được tới Trường Sa, tới khu trưng bày này sẽ được tận mắt nhìn thấy hòn đá san hô, những con ốc biển của người lính đảo trao tặng”.

Tình yêu, sự tâm huyết của người lính hải quân với biển đảo, với Trường Sa còn được ông Chính thể hiện trong việc bài trí cảnh quan khuôn viên gia đình, quán cà phê của ông. Cựu binh Trần Quân Chính cho biết, mỗi góc vườn trong ngôi nhà của ông đều thể hiện từng hòn đảo lớn nhỏ của Trường Sa. Đặc biệt, ông đã dày công sưu tầm 5 hòn đá san hô mang tên các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Ông nhớ lại: “Thời điểm Trung ương Đoàn phát động phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, tôi tích cực tham gia và được tặng cũng như sưu tập 5 hòn đá làm kỷ niệm, với tôi đó là hình hài của Tổ quốc thân yêu. Trong đó hòn đá mang tên đảo Trường Sa lớn là hòn đá lớn nhất, nặng tới hàng trăm kg. Tôi dành vị trí trang trọng trong phòng trưng bày kỷ vật đặt viên đá san hô mang tên “Đảo Trường Sa lớn” để Trường Sa thiêng liêng trở nên gần gũi, thân thuộc”. Thời gian tới, cựu binh Trần Quân Chính dự định sẽ lần lượt đăng tải những bài thơ về Trường Sa của người cha quá cố trên trang page người lính Hải quân Việt Nam, qua đó lan tỏa thêm tình yêu biển đảo quê hương với mọi người khắp mọi miền đất nước.

Cảnh Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-vat-ke-chuyen-nguoi-linh-bien-post1666591.tpo