Kỳ VI: Doanh nghiệp nước ngoài 'khủng hoảng niềm tin'
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cảm thấy hoang mang.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các chỉ số chi tiêu của người tiêu dùng, hoạt động sản xuất của nhà máy và đầu tư vào tài sản dài hạn của quốc gia này trong tháng 7 đều tăng trưởng chậm so với năm trước.
Ông Alex Etra, chiến lược gia tại công ty phân tích dữ liệu Exante, cho biết: “Trong hầu hết hai thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc. Biện pháp này khiến các nhà quản lý quỹ lo lắng về cách họ nên đầu tư vào nước này.
Một ủy ban của Quốc hội Mỹ cho biết rằng họ đang điều tra BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và MSCI, một trong những công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp chỉ số, để xác định xem họ có đang đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen hay không.
Ngay cả những công ty không bán hàng trực tiếp cho Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra. Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Mỹ ExxonMobil (XOM) có thể không có nhiều hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, nhưng ông Etra lưu ý, nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, điều đó có nghĩa là giá dầu sẽ giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Các công ty có trụ sở tại Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu nền kinh tế quốc gia này tiếp tục đi xuống. Các công ty như Apple (AAPL), Intel (INTC), Ford (F) và Tesla (TSLA) đều có hoạt động sản xuất lớn với quốc gia này. Những doanh nghiệp khác, như Starbucks (SBUX) và Nike (NKE), cũng đang dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc.
Đầu năm nay, Bank of America đã tổng hợp danh sách các công ty thuộc S&P 500 có mức độ tiếp xúc cao nhất với Trung Quốc. Đứng đầu danh sách là Las Vegas Sands (LVS). Công ty sòng bạc này có 68% doanh thu từ Trung Quốc và giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 10% trong 30 ngày qua.
Tương tự, cổ phiếu của Qualcomm (QCOM), nhà sản xuất chất bán dẫn cũng ghi nhận chuỗi giảm điểm dài nhất trong hơn 4 năm vào thứ Tư tuần này và giảm gần 11% trong khoảng thời gian 30 ngày qua.
Mặc dù vậy, theo ông Jens Eskelund, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, đối mặt với một “cơn bão” đã đánh sập niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh vẫn có thể vượt qua suy thoái nếu có hành động quyết đoán.
Cụ thể, trong cuộc trao đổi mới đây cùng SCMP, ông Eskelund cho rằng, để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài, chính phủ Trung Quốc phải củng cố sự chắc chắn trong môi trường kinh doanh.
"Các bước hướng tới mục tiêu đó nên bao gồm tăng cường tính minh bạch của thông tin và độ tin cậy của dữ liệu, cũng như giảm sự mơ hồ của chính sách và loại bỏ các hạn chế cạnh tranh không công bằng đối với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những vấn đề ngày càng quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ cố gắng đánh giá và hoạt động tại thị trường Trung Quốc", ông Eskelund nói.
Mặc dù các doanh nghiệp EU nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nhưng họ không muốn đặt cược vào nền kinh tế đang phát triển chậm của nước này.
“Những gì thế giới đang thấy là một cuộc khủng hoảng niềm tin trong giới doanh nghiệp tại Trung Quốc", ông Eskelund lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng sự bất an về những rủi ro trong tương lai đã làm suy yếu tâm lý kinh doanh cũng như giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào kinh tế Trung Quốc.