Kỳ vọng bước đột phá để Thủ đô hóa rồng

Việc Quốc hội thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ tạo hành lang pháp lý để Hà Nội có mọi yếu tố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Hơn 3 thập kỷ qua, đặc biệt sau khi triển khai Luật Thủ đô 2013, cũng như các quy định về cơ chế đặc thù cho Thủ đô, kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng đô thị đã có những bước phát triển vượt bậc. Hà Nội đã vươn lên dẫn đầu cả nước về kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại - kết nối - lan tỏa, trở thành động lực cho phát triển kinh tế, không chỉ riêng Thủ đô mà còn cho cả nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, để Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước, là đầu tàu kinh tế, phát triển xứng tầm khu vực, đã đến lúc Thành phố phải có tư duy mới mang tính đột phá chiến lược, cũng như hành động mạnh mẽ hơn. Vậy tư duy đó là gì?

Theo một số chuyên gia kinh tế, đầu tiên là tư duy về quản trị nguồn lực. Để phát triển kết cấu hạ tầng (cầu, đường…), Thành phố không thể dựa vào nguồn vốn ngân sách, đi vay hay phát hành trái phiếu mãi được. Thay vào đó, phải có cơ chế huy động vốn từ tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Đặc biệt, cần huy động nguồn lực đất đai để phát huy lợi thế so sánh, vừa giúp Thủ đô đẹp hơn, Thành phố không phải chi quá nhiều ngân sách cho phát triển hạ tầng, đồng thời, cũng giảm tối đa sự bất bình đẳng trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Ví dụ, như việc mở rộng đường Láng đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, từ 14 m hiện tại, lên khoảng 53 m chiều rộng như dự kiến, thay vì ngân sách Thành phố phải chi đầu tư mấy chục nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến số tiền chi cho giải phóng mặt bằng khoảng 16.000 tỷ đồng, thì chính quyền Thành phố có thể mở rộng diện phải thu hồi lên 130 - 150 m. 53 m để mở rộng đường, 100 m để đấu giá. Số tiền đấu giá dùng cho việc đền bù, tái định cư và tiến hành triển khai dự án. Làm được điều này, Thành phố không phải bỏ cả chục nghìn tỷ đồng cho việc mở rộng đường, thay vào đó để số tiền này chi vào các dự án an sinh như trường học, bệnh viện.

Cạnh đó, Thành phố cần tạo bước đột phá trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực để Hà Nội thực sự là trung tâm “chất xám” của cả nước; nơi tập trung các viện, các trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng của cả nước, có đủ khả năng cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, hy vọng với cơ chế mở, hành lang pháp lý đầy đủ, biến tư duy thành hành động, trong thời gian tới Hà Nội sẽ thực sự hóa rồng.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-vong-buoc-dot-pha-de-thu-do-hoa-rong-173214.html