Kỳ vọng các 'tư lệnh' giải quyết thấu đáo vấn đề của ngành

Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội

Những nhóm vấn đề chất vấn đối với lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Công Thương bao gồm: Quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN)...

Lo ngại về an ninh nguồn nước

Trao đổi trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) cho biết ông dành sự quan tâm đến lĩnh vực TN-MT, nhất là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

Theo ông Hùng, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa được cải thiện. Đơn cử như hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua tỉnh Hải Dương vẫn phải oằn mình hứng chịu rác thải, nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư, các nhà máy thải ra. Hay ô nhiễm ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM) cũng như làm sạch hóa dòng sông Tô Lịch (TP Hà Nội) vẫn đang đòi hỏi rất nhiều công sức.

Một câu chuyện nữa, theo ông Hùng, dù đã có chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng các hoạt động cụ thể như thế nào, có cần một nghiên cứu tổng thể về việc nước biển dâng hay xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL hay không? "Tôi cũng mong rằng các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, không né tránh, có định hướng rõ ràng để giải quyết những tồn tại, hạn chế đối với ngành, lĩnh vực mình phụ trách" - ĐB Hùng nói.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá vấn đề môi trường đang chuyển biến rất chậm. Ví dụ, tình trạng ô nhiễm hệ thống nước sông Bắc Hưng Hải đã được phản ánh từ nhiều năm nay. Người dân của 3 địa phương: Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên - những nơi hệ thống sông Bắc Hải chảy qua, đã không thể sử dụng nước từ hệ thống sông này cho canh tác. Cử tri đã phản ánh nhiều lần và các đoàn ĐB cũng đã nhiều lần kiến nghị; Chính phủ và Bộ TN-MT cũng đã có chỉ đạo và đưa ra các phương án giải quyết, nhưng tình hình thực tế chuyển biến rất chậm, hiện nước sông vẫn ô nhiễm.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy, (đoàn Tây Ninh) cho rằng lĩnh vực TN-MT có nhiều vấn đề mà cử tri, nhất là cử tri phía Nam, rất lo lắng về tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đến khu vực ĐBSCL, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nguồn nước và ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại nặng nề cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng. "Các bộ trưởng cần trả lời thẳng vào vấn đề, trọng tâm, đặc biệt là cần có sự cam kết và thực hiện cam kết mạnh mẽ từ các trưởng ngành với cử tri và nhân dân cả nước" - bà Thúy nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại nghị trường Quốc hôịẢnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại nghị trường Quốc hôịẢnh: LÂM HIỂN

Khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế

Đối với lĩnh vực công thương, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH, cho rằng công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử dự báo sẽ được nhiều ĐB quan tâm, chất vấn.

Theo ông Hạ, hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để cho các đối tượng lợi dụng kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Do vậy, đòi hỏi Bộ Công Thương phải triển khai có hiệu quả các giải pháp để giảm thiểu nạn này, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ĐB Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), trước tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn xác định ưu tiên cho tăng trưởng và phục hồi phát triển KT-XH, vì vậy việc tiếp tục tìm các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho DN là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực công thương được các ĐB đặc biệt quan tâm.

Bà Yến cho rằng những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, QH và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đóng góp vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Mặc dù vậy, bà Yến nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa cao như kỳ vọng...

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, bà Yến đề nghị các bộ, ngành trong đó Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, tiếp tục chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của DN trong nước; hỗ trợ, kết nối các DN trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các DN FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của DN trong nước…

Đề xuất 122.250 tỉ đồng phát triển văn hóa

Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, QH nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỉ đồng. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%). Trong đó vốn đầu tư phát triển 18.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỉ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Trong đó, năm 2025 chỉ tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Kỳ trung hạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua. Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035 tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

VĂN DUẨN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-cac-tu-lenh-giai-quyet-thau-dao-van-de-cua-nganh-196240603203244552.htm