Kỳ vọng chọn ra người xứng đáng nhất
Thời điểm này, khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, điều người dân quan tâm và kỳ vọng là những ai sẽ là các nhà lãnh đạo của Đảng, của đất nước trong giai đoạn 5 năm tới.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Như vậy, có thể thấy cán bộ là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Trong bối cảnh xây dựng đất nước hiện nay, đất nước đang rất cần một đội ngũ cán bộ đủ tài đức để xây dựng đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ. Khi là Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tất cả cán bộ trong bộ máy Nhà nước đều là người của Đảng. Vì vậy, tất cả mọi việc trong xã hội từ to đến nhỏ đều có quan hệ đến Đảng và chính là đến đội ngũ cán bộ do Đảng đào tạo, giới thiệu để gánh vác các trọng trách của hệ thống chính trị.
2. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã ý thức rõ việc dùng người là quốc sách. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Đó là lời của bài ký bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) triều Lê Thái Tông.
Việc tuyển chọn nhân tài gánh vác trọng trách quốc gia có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của đất nước. Lịch sử còn ghi, sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, để xây dựng một đất nước bị tàn phá kiệt quệ sau chiến tranh và nội chiến, Hoàng đế Quang Trung đã nghĩ ngay đến việc phải có một bộ máy quản lý đất nước bao gồm những người hiền năng. Vì vậy, nhà vua đã ban chiếu cầu hiền với những dòng hạ mình, khiêm tốn của một bậc minh quân: "... Dân chúng trăm họ, ai có tài học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều có phép được dâng thư bày tỏ công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì, có thể dùng được cho đời thì các quan văn, quan võ được tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến tùy tài mà bổ dụng".
Trong cất nhắc và sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ". Người thường căn dặn: "Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được". "Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao". "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy", "Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào".
Nhờ tinh thần cầu hiền ấy mà đã có rất nhiều trí thức, quan lại nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi với cách mạng, với nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao của Chính phủ, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Nội vụ khi ấy bao hàm cả ngành Công an)…
3. Trong đánh giá, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất công bằng, nhân văn và độ lượng. Người tin yêu những người thực sự “dĩ công vi thượng”; Người nghiêm khắc với những sai lầm của cán bộ, đảng viên; Người độ lượng với những người không may vướng phải sai lầm, khuyết điểm. Có lẽ vì tư tưởng đặc biệt này mà khi lên đường sang thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quyền Chủ tịch nước lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Sau này, tiễn tướng Võ Nguyên Giáp ra Điện Biên Phủ, Người dặn ông “Tướng quân tại ngoại”. Đó chính là Hồ Chí Minh, là tư duy, là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh: đã tin mới dùng, đã dùng thì phải tin. Sinh thời, Người thường căn dặn: các cấp ủy Đảng, các cơ quan phụ trách, sử dụng cán bộ phải tạo ra môi trường "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", "có gan phụ trách, có gan làm việc"; "Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác".
Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà "thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm", là "hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ". Người thường căn dặn, đã làm con người, phàm ai cũng có sai lầm, khuyết điểm và "Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu". Người cũng chỉ rõ, chúng ta không sợ sai lầm, bởi "có làm việc thì có sai lầm" nhưng cái sợ nhất là sợ những người “không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm" và sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
4. Đại hội Đảng, ngoài vấn đề xây dựng văn kiện về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì có một vấn đề hết sức quan trọng đó là khâu tổ chức, nhân sự, con người.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nhưng người lãnh đạo chủ chốt của các cấp cũng có vị trí, vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Nhiệm kỳ 2016-2021, Đảng đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ, trong đó có cả những cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo rất cao của Đảng và Nhà nước. Đó là một bài học cay đắng của công tác lựa chọn cán bộ.
Việc lựa chọn cán bộ sai lầm đã đưa tới những hệ quả vô cùng tai hại. Tác hại của việc lựa chọn, bố trí sai người này không những làm hỏng ngay chính con người ấy, làm liên lụy đến gia đình, người thân của họ mà còn để lại tác hại khôn lường đối với xã hội mà phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục. Thế nhưng, tác hại lớn nhất của việc bố trí, sử dụng sai cán bộ cấp chiến lược chính là nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, vào bộ máy công quyền. Đó là mất mát lớn nhất khó có gì bù đắp.
Một người lãnh đạo thường trải qua nhiều quá trình hoạt động, nhiều cương vị khác nhau. Kết quả công tác của họ chính là thước đo đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá về người cán bộ ấy. Một nhà lãnh đạo tận tâm, thật sự vì dân vì nước là người luôn thao thức, đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình, họ sẽ nhỏ những giọt nước mắt kín đáo trước những khó khăn, cơ khổ của đồng bào. Hiểu như vậy, họ sẽ gần dân hơn, hiểu dân hơn, thấu lòng dân hơn để không vội vã ban hành, không liên tục cho ra đời những chính sách làm cho lòng dân ta thán. Họ sẽ không có “sân trước, sân sau”, không lợi dụng chức vụ để trục lợi, không để người thân lợi dụng uy tín của mình để sống xa hoa, lãng phí...
Đại hội XIII của Đảng sẽ giới thiệu và lựa chọn các đồng chí vào Trung ương, đây có thể xem là “bộ óc” của Đảng, là đội ngũ tinh hoa nhất của Đảng và đất nước. Tất cả các đồng chí được lựa chọn vào Trung ương sau đại hội sẽ được giới thiệu để nắm các cương vị trọng trách của đất nước, đó chính là điều mà nhân dân kỳ vọng và mong mỏi họ thật sự phải là những người tận tâm, tận lực, vì nước, vì dân. Vậy nên, chắc hẳn nhân dân kỳ vọng cần phải có những cơ chế đặc biệt để lựa chọn được những người thật sự xứng đáng trong những người xứng đáng.
TS Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II)