Kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất tan biến sau báo cáo việc làm tích cực

Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo gần như đã tan biến, sau khi báo cáo việc làm tháng 6/2025 cho thấy sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ và xua tan những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính RSM, khẳng định Fed sẽ không thực hiện đợt cắt giảm lãi suất nào trong tháng Bảy.

Trong khi đó, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới đầu tư Interactive Brokers, ông Steve Sosnick cũng đồng ý rằng khả năng Fed cắt giảm lãi suất đang "bốc hơi" sau báo cáo mới nhất về thị trường việc làm Mỹ.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 147.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, cao hơn con số 106.000 dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp cũng bất ngờ giảm xuống 4,1%, trái với dự báo tăng lên 4,3% của các nhà kinh tế.

Các nhà giao dịch cũng đồng tình với nhận định này. Theo công cụ FedWatch của công ty dịch vụ tài chính CME, tính đến sáng 3/7, tỷ lệ đặt cược Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 28-29/7 đã giảm mạnh từ mức gần 25% trước đó xuống chỉ còn gần 5%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần viện dẫn sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ để giải thích cho cách tiếp cận thận trọng đối với việc cắt giảm lãi suất. Ông cho rằng sức mạnh của kinh tế Mỹ cho phép Fed có thêm thời gian để đánh giá liệu các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có đẩy lạm phát lên cao trong mùa Hè hay không.

Theo chuyên gia Brusuelas của RSM, báo cáo việc làm này hoàn toàn khớp với những gì ông Jerome Powell đã nói - đó là nền kinh tế Mỹ hiện không gặp khó khăn.

Bất chấp điều đó, Tổng thống Trump vẫn liên tục gây áp lực, yêu cầu ông Powell ngừng chờ đợi và bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại. Tổng thống Trump hôm 30/6 đã đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình một ghi chú do chính ông viết tay, chỉ trích ông Powell vì giữ lãi suất cao hơn hàng chục quốc gia khác. Tổng thống Mỹ viết rằng Chủ tịch Fed "khiến nước Mỹ tốn kém" và ông vẫn tiếp tục làm như vậy. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ghi chú đã được chuyển đến Fed vào cùng ngày hôm đó.

Ông Sosnick cho rằng lập luận của Nhà Trắng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ là "rất khó thuyết phục". Có sự mâu thuẫn khi nói rằng: nền kinh tế rất tuyệt vời nhưng nước Mỹ cần cắt giảm lãi suất ngay.

Dù vậy, giới quan sát Fed nhận định chiến dịch gây áp lực của Nhà Trắng sẽ tiếp tục. Ông Brusuelas lưu ý rằng những lời chỉ trích hiện không chỉ nhắm vào Fed mà còn vào toàn bộ hội đồng thống đốc.

Trong nội bộ Fed, các quan chức Fed vẫn còn bị chia rẽ. Các thống đốc Christoper Waller và Michelle Bowman đều đã đưa ra lập luận ủng hộ việc cắt giảm lãi suất trong tháng Bảy, cho rằng lạm phát do thuế quan sẽ không kéo dài.

Tuy nhiên, những người khác lại kêu gọi cần kiên nhẫn. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic hôm 3/7 cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chính sách cẩn trọng của Fed. Ông nói thêm rằng hiện tại các điều kiện của thị trường lao động vẫn lành mạnh, ngay cả khi có dấu hiệu chững lại.

Đầu tuần này, ông Powell đã không loại trừ khả năng giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, nhấn mạnh quyết định sẽ phụ thuộc vào diễn biến của số liệu. Nhưng ông cũng lưu ý rằng Fed đã có thể cắt giảm lãi suất nếu các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump không xuất hiện. Ông giải thích rằng Fed đã phải tạm dừng khi thấy quy mô của những loại thuế quan và có nhiều dự báo rằng lạm phát của Mỹ sẽ tăng đáng kể do tác động của chúng.

Ông Powell cho biết Fed đang cố gắng mang lại sự ổn định vĩ mô, ổn định tài chính, ổn định kinh tế, vì lợi ích của tất cả mọi người. Để thực hiện thành công điều đó, ngân hàng trung ương này cần thực hiện theo cách hoàn toàn phi chính trị, nghĩa là Fed sẽ không đứng về bên nào.

Fed công bố kết quả cuộc kiểm tra hàng năm về sức chịu đựng đối với 22 ngân hàng lớn, cho thấy toàn bộ các ngân hàng này đều có đủ nguồn lực để trụ vững trong một kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Theo Fed, các ngân hàng đã vượt qua bài sát hạch với mức độ vốn vững chắc, kể cả khi chịu thiệt hại giả định lên tới hơn 550 tỷ USD. Thậm chí, sau các tổn thất mô phỏng, các ngân hàng vẫn duy trì vốn tối thiểu cao gấp đôi so với quy định.

Bà Michelle Bowman, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, cho biết kết quả sát hạch năm nay cho thấy các ngân hàng lớn được vốn hóa tốt và có khả năng chống chịu trong nhiều tình huống khắc nghiệt.

Trong khi đó, Thống đốc Fed Michael Barr cho rằng việc áp thuế nhập khẩu cao hơn sẽ gây áp lực khiến giá cả gia tăng và ảnh hưởng này có thể không chỉ là tạm thời. Theo ông, các mức dự đoán lạm phát ngắn hạn cao hơn, những điều chỉnh trong chuỗi cung ứng và các tác động thứ cấp có thể khiến lạm phát kéo dài dai dẳng. Đồng thời, ông nói thêm rằng thuế quan có thể làm chậm lại nền kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp, vốn đang ở mức thấp và ổn định, lên cao.

Fed đã hạ lãi suất một điểm phần trăm trong năm 2024 nhưng đã giữ nguyên lãi suất từ đầu năm 2025 cho đến nay.

Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/ky-vong-fed-som-ha-lai-suat-tan-bien-sau-bao-cao-viec-lam-tich-cuc-20250704112626000.htm