Kỳ vọng logistics ở Bắc Trung Bộ
Ở các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, nhiều tỉnh có 2 tuyến biên giới biển, đất liền tiếp tục kỳ vọng logistics sẽ là mũi nhọn kinh tế để hội nhập, dựa trên thế mạnh hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, có địa phương khai thông được tuyến đất liền thì hệ thống cảng biển vốn được thiên nhiên ưu đãi vẫn chật vật trong việc kết nối.
Tắc tuyến ra biển
Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, từng đoàn xe container nối dài để làm thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Lượng hàng hóa qua cửa khẩu này có thời điểm chiếm phần lớn là dăm gỗ keo lai. Phía Lào có doanh nghiệp của Trung Quốc thu mua dăm gỗ với số lượng lớn, chỉ trong nửa năm, hơn 8.000m3 gỗ dăm đã được xuất khẩu. Phần lớn dăm gỗ lên biên giới được thông quan ngay không phải lưu kho bãi.
Sự thuận lợi trên là nhờ dịch vụ logistics ngày càng hoàn thiện trong chuỗi quản lý cung ứng trên tuyến đường xuyên Á. Các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được thực hiện các thủ tục thuận lợi từ mô hình “Một cửa một lần dừng”. Mô hình này đã góp phần tích cực trong việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch và thúc đẩy giao thương giữa biên giới hai nước Việt Nam - Lào, đưa Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được 6 quốc gia (Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar) ký kết vào năm 2003 đi vào chiều sâu.
Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tầm nhìn đến năm 2025, hướng đến phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa; phát triển hạ tầng vận tải và công nghệ thông tin; tập trung và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây, hướng đến xây dựng tỉnh Quảng Trị thành một đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực miền Trung.
Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng chuỗi quản lý tiên tiến như: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng, dệt may, xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu... Về đầu tư hạ tầng cho logistics, địa phương này đặt chiến lược xây dựng các trung tâm logistics tại thành phố Đông Hà, cửa khẩu quốc tế La Lay, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo... Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn hàng từ các quốc gia nằm trên trục hành lang kinh tế như: Thái Lan, Lào và ngược lại.
Đầu năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã thông báo về việc đã thu hút được hơn 97.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào các khu kinh tế; 170 dự án thì có 110 dự án đã đi vào hoạt động. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có diện tích gần 24.000ha trải dọc theo 17 xã, thị trấn ven biển. Một dự án hết sức quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4-1-2019 về việc xây dựng cảng quốc tế Mỹ Thủy. Trong tương lai, cảng Mỹ Thủy trở thành cảng chuyên dùng phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án cảng quốc tế Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư trên 14.234 tỷ đồng, quy mô 685ha, bao gồm 10 bến cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thì đến đầu năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã hết kiên nhẫn, báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thay đổi nhà đầu tư, vì không đáp ứng được tiến độ.
Kết nối về cơ sở hạ tầng giữa các khu vực sản xuất đến các cảng, bến chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở hạ tầng các cảng, bến, nhà kho còn hạn chế lại thường xuyên phải đối mặt với các rủi ro từ thiên tai..., đây là những nội dung mà các chuyên gia công bố trên Tạp chí Logistics và tỉnh Quảng Trị là một ví dụ điển hình.
Con gà - quả trứng
Đó là đánh giá của giới chuyên gia về logistics ở khu vực miền Trung, khiến lĩnh vực này vẫn chưa khơi thông. Cụ thể là nhiều chủ hàng vẫn phải vận chuyển hàng hóa từ địa phương ra các cảng biển ở phía Bắc, hoặc phía Nam như Hải Phòng, Cái Mép (thành phố Hồ Chí Minh) để đưa xuống tàu; nguồn hàng đến và đi từ nước bạn Lào tới địa phương còn rất ít. Nguyên nhân do hệ thống đường bộ nối từ các trung tâm sản xuất của Lào ra cửa khẩu giữa Lào và Việt Nam có nhiều sông suối chia cắt, đường đi hiểm trở và tắc nghẽn vào mùa mưa, nguồn hàng không ổn định...
Tỉnh Quảng Bình cũng như một số địa phương ở miền Trung có lợi thế, nhưng nhiều mục vẫn ở dạng tiềm năng. Lợi thế lớn nhất là Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo nằm trên tuyến đường được đánh giá là ngắn nhất nối Myanmar - Thái Lan - Lào về cảng Hòn La của Việt Nam để vượt Biển Đông đi sang các châu lục. Quảng Bình là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi về địa lý với bờ biển dài 116km, 5 cửa sông, trong đó, có 2 cửa sông lớn. Cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La có độ sâu 15m, diện tích mặt nước 4km2...
Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 831/UBND-XDCB về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Địa phương đã sửa đổi, ban hành chính sách về dịch vụ logistics; quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, phương tiện kỹ thuật đồng bộ nhằm phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Quảng Bình cũng khuyến khích thành lập doanh nghiệp logistics, đưa vào áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới trong logistics.
Theo các chuyên gia về logistics, Quảng Bình cần thành lập trung tâm logistics hạng II theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, nhằm kết nối các cảng cạn, cảng biển: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các tỉnh ở khu vực miền Trung.
Theo Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-vong-logistics-o-bac-trung-bo-post446792.html