Kỳ vọng ở Haiti trước khi thành lập hội đồng chuyển tiếp
Hội đồng chuyển tiếp sẽ gồm có 9 thành viên, 7 người trong số này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên, trong khi 2 đại diện của khu vực tôn giáo và xã hội dân sự sẽ là quan sát viên.
Phóng viên TTXVN tại vùng Caribe đưa tin chỉ còn vài giờ nữa là đến thời hạn ra mắt Hội đồng chuyển tiếp ở Haiti nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức nào về cơ quan này.
Theo kế hoạch, sau khi cơ quan nêu trên được thành lập, ông Ariel Henry sẽ từ chức thủ tướng.
Hội đồng chuyển tiếp sẽ gồm có 9 thành viên, 7 người trong số này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên, trong khi 2 đại diện của khu vực tôn giáo và xã hội dân sự sẽ là quan sát viên.
Yêu cầu để trở thành thành viên của Hội đồng chuyển tiếp là phải từ bỏ tư cách ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tiếp theo; không bị kết án, buộc tội về bất kỳ tội danh nào và ủng hộ Nghị quyết 2699 của Liên hợp quốc về việc triển khai Sứ mệnh Hỗ trợ An ninh đa quốc gia tại Haiti.
Cựu thượng nghị sỹ Haiti Guy Philippe, nhân vật đối lập được đặt nhiều kỳ vọng, đã từ chối thỏa thuận nêu trên của Cộng đồng Caribe (Caricom).
Ông Philippe không che giấu ý định nắm quyền điều hành Haiti trong quá trình chuyển đổi giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng và cho rằng cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng hỗn loạn hiện nay tại quốc gia Caribe này.
Trước đó, nhiều nhà hoạt động Haiti đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Canada ở Port-au-Prince ngày 12/3 để phản đối Hội đồng chuyển tiếp gồm 9 thành viên tiếp quản công việc sau khi Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức.
Chính phủ Haiti cùng ngày nhấn mạnh rằng các hoạt động biểu tình cũng bị cấm cả ngày lẫn đêm trong khuôn khổ lệnh giới nghiêm và lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 7/4 nhằm lập lại trật tự.
Trong một diễn biến khác liên quan, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne xác nhận nước này đã sơ tán một số nhân viên ngoại giao tại Haiti do lo ngại bất ổn./.