Kỳ vọng sẽ có những quy định đặc thù, 'vượt trước' về văn hóa

Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế khiến luật chưa thực sự trở thành bước đà tạo cho sự thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô cũng như thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô

Góp ý vào Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự thảo ngày 13.7.2023, về bảo vệ, phát triển văn hóa, thể thao, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội mong muốn, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa.

Ưu tiên các nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa và quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Nguồn: ITN

Theo đó, đề xuất nên thay 2 chữ bảo vệ bằng bảo tồn bởi “bảo vệ” là việc giữ gìn một hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa nào đó khỏi bị hư hỏng, mai một mà không bao hàm cả việc phát huy giá trị của chúng. Còn “bảo tồn” là việc không chỉ bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của những hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa ấy mà còn có cả việc phát huy giá trị của chúng. Trong khi đó, nội dung của Điều này hiện nay không chỉ đề cập đến việc bảo vệ mà cả phát huy giá trị, nên dùng từ “bảo vệ” sẽ không bao quát được đầy đủ nội dung đã nêu.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hóa, nhất là di sản văn hóa, một cụm từ thường xuyên xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như sử dụng trong nghiên cứu, trong chuyên môn là “bảo vệ và phát huy giá trị” chứ không dùng riêng thuật ngữ “bảo vệ”.

Tên của Điều 24 cho thấy quan điểm của Ban soạn thảo Luật là muốn hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô; đó là bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bổ sung những giá trị văn hóa mới, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô, để văn hóa thủ đô, văn hóa của người Hà Nội ngày càng phong phú và tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam; đây là một quan điểm phù hợp, đúng đắn.

Vì thế, nếu dùng từ “bảo vệ” thì chưa thể hiện được hết ý nghĩa này, còn dùng từ “bảo tồn” sẽ bao gồm cả việc phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống và việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên cơ sở những giá trị đã có, tức là không chỉ giữ mà còn sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Về nội dung, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương đề xuất, sửa đổi Khoản 1, Điều 24 Bảo tồn và phát triển văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả để văn hóa trở thành nguồn lực mới cho phát triển Thủ đô. Ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Ở Khoản 2, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cũng đề xuất sửa như sau: "các khu vực và di sản văn hóa sau đây phải được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị" với lý do không cần thêm chữ "bảo vệ" nữa, vì tất cả những khu vực được nêu đều đã trở thành những địa điểm văn hóa, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và có tiềm năng để khai thác, phát huy giá trị.

Đề xuất thành lập Quỹ văn hóa thủ đô

Với mục đích thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, để hiện thực hóa và đơn giản hóa hoạt động xã hội hóa này, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương đề xuất việc thành lập Quỹ văn hóa thủ đô; bởi chỉ nói riêng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo… hàng năm mà nếu thực hiện, sẽ tốn một số lượng kinh phí khổng lồ. Vậy nếu bao gồm các hoạt động văn hóa khác, chắc chắn ngân sách sẽ không thể gánh nổi.

Việc thành lập quỹ không phải chưa từng có tiền lệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ở nước ngoài, các quỹ văn hóa được thành lập ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc…, nhiều bang, thành phố của các nước ở Đức, Bỉ, Pháp…, nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật như nhà hát hay bảo tàng ở Mỹ, Anh, Nhật bản, Hà Lan… cũng thành lập quỹ văn hóa để huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn đóng góp ngoài ngân sách nhà nước và tất cả các quỹ này đều hoạt động rất hiệu quả. “Một quỹ nước ngoài mà nhiều người trong chúng ta đều biết đến, đó là Quỹ Bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt 20 năm qua, với 16 dự án bảo tồn di sản văn hóa được thực hiện”, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội dẫn chứng.

Về sự cần thiết về việc thành lập Quỹ văn hóa Thủ đô, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cho rằng, trong những trường hợp cần thiết, nguồn tài chính từ Quỹ có thể giúp chúng ta có cơ hội sở hữu các tài sản văn hóa, nhất là những tài sản văn hóa lưu lạc ở nước ngoài.

“Việc năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh và gần đây là chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mệnh từ nhà đấu giá Pháp, là những ví dụ tiêu biểu. Nếu không có các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước, khả năng lớn là những tài sản văn hóa này không thể hồi hương bởi các quy định, thủ tục về tài chính trong việc sử dụng ngân sách nhà nước để đấu giá cũng như trình tự, thủ tục liên quan”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nêu.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ky-vong-s%E1%BA%BD-c%C3%B3-nh%E1%BB%AFng-quy-d%E1%BB%8Bnh-d%E1%BA%B7c-th%C3%B9-v%C6%B0%E1%BB%A3t-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%E1%BB%81-v%C4%83n-h%C3%B3a-i339059/