Kỳ vọng thị trường M&A được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2025
Khi nền kinh tế được phục hồi và dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, kỳ vọng bước sang năm 2025 các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.
Thị trường M&A 2024 không như kỳ vọng
Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) - lần thứ 16 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ” (diễn ra ngày 27/11/2024 tại TP. Hồ Chí Minh), ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, theo một số tổ chức tư vấn và nghiên cứu quốc tế, thị trường M&A toàn cầu năm 2023 được coi là một thị trường “con gấu” tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Nguyên nhân chính là bất ổn địa chính trị và sự sa sút kinh tế toàn cầu, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể cả về giá trị và khối lượng giao dịch.
Bước sang năm 2024, bất chấp những hy vọng về một sự khởi sắc, thậm chí là bùng nổ, hoạt động M&A vẫn tiếp tục thể hiện giống như một “vở diễn” buồn tẻ. Nửa đầu năm 2024, giá trị các thương vụ có ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ, song khối lượng giao dịch lại đi theo chiều ngược lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Vài tháng gần đây, bức tranh chung dẫu có thêm một số điểm sáng, nhưng chưa thể coi là dấu hiệu khẳng định cho một sự bứt phá trong tương lai gần.
“Trong nước, việc nhiều thương vụ M&A được công bố từ đầu năm 2024 đến nay, dù không có “bom tấn”. Nhưng trong một chừng mực đã mang đến sự hứng khởi về một thị trường nhộn nhịp trở lại sau năm 2023 khá ảm đạm”, ông Minh nêu.
Theo số liệu của Công ty KPMG Việt Nam, thị trường M&A Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines).
Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD, 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.
Nhìn chung, 10 thương vụ lớn nhất chiếm khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 87% tổng giá trị giao dịch đã được công bố. So với 3 năm trước, giá trị trung bình các giao dịch được công bố đã tăng đáng kể.
Xét về cơ cấu, hoạt động giao dịch M&A trong 9 tháng 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (53%), tiêu dùng thiết yếu (14%), và công nghiệp (21%).
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá, năm 2023 thị trường M&A rất thấp, bước sang năm 2024, thị trường cũng không tốt như kỳ vọng.
“Trong năm 2024, có xu hướng các thương vụ không phải nhà đầu tư nước ngoài mua các công ty trong nước, mà là các công ty trong nước mua bán nhau. Do chính sách các nước bảo hộ hơn, dòng tiền ngần ngại chảy ra nước ngoài khi lãi suất ở mức cao”, ông Nguyễn Công Ái đánh giá.
Tăng trưởng giá trị giao dịch này chủ yếu được thúc đẩy bởi mức nền thấp năm 2023, đồng thời một số giao dịch lớn từ các nhà đầu tư trong nước. Cho thấy các doanh nghiệp nội địa có thể đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như tối ưu hóa để tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt của mình trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn đang có nhiều thách thức.
Kinh tế hồi phục, thị trường M&A sẽ được kích hoạt mạnh mẽ
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Tâm, tình hình kinh tế - xã hội 2024 đã cơ bản phục hồi, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7% tạo nền tảng quan trọng để bước vào năm 2025.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng; được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%.
Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn.
Khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng.
"Khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ", ông Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Công Ái cũng dự báo thị trường M&A Việt Nam năm 2025 sẽ “nở hoa” và đạt các con số ấn tượng. Số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ và bất động sản.
Cũng theo ông Ái, các yếu tố lớn ảnh hưởng ảnh hưởng đến thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Thứ nhất, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trên 6% trong cả năm 2024 và 2025; xuất khẩu tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng năm 2024; lạm phát dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% vào năm 2024 và 2025. Ngoài ra, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng 8-9% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2025. Cuối cùng là tín dụng xanh tăng 22% hàng năm trung bình năm 2017 – 2023.
Thứ hai là chính sách tập trung vào công nghệ/AI và người tiêu dùng am hiểu công nghệ. Trong chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia đặt mục tiêu 30% GDP từ nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030. Bên cạnh đó, người tiêu dùng am hiểu công nghệ với thu nhập ngày càng tăng. Đặc biệt, thương mại điện tử có CAGR mạnh 30,4% (từ 2018 – 2023), triển vọng vững chắc 20,6% CAGR (giai đoạn 2024 - 2028).
Thứ ba là phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều dự án trọng điểm như sân bay Long Thành; tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây dựng tuyến đường cao tốc trị giá 3.000 km trị 8 tỷ USD lên kế hoạch vào năm 2025.
“Xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ và các dịch vụ có ứng dụng công nghệ, nhóm ngành dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch M&A từ năm 2025. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các sáng kiến và cải cách chủ động từ Chính phủ, bao gồm ưu đãi thuế cho ngành công nghệ cao và tối ưu hóa các quy trình đầu tư nước ngoài giúp giảm bớt rào cản với các nhà đầu tư quốc tế”, ông Ái nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản dự kiến sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định, kết hợp Luật Đất đai 2024 đang được thực thị.
Năm 2025, cũng chính kiến sự trở lại mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,... sớm giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường M&A Việt Nam
Theo bà Phi Hoa, Tổng giám đốc Công ty OneValue, nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm các lĩnh vực như giáo dục và y tế, do nhu cầu tiêu dùng lớn và liên tục tăng, chi tiêu cho y tế và giáo dục tại Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Trong khi đó, ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành (Công ty Luật ASL) nhận định, xu hướng M&A sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, công nghệ cao, năng lượng sạch
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam có dân số lớn, trẻ, thu nhập tăng, nên nhu cầu sở hữu tài sản, mua sắm, đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu về tiêu dùng, y tế, giáo dục, làm đẹp chắc chắn tăng và ngày càng tăng mạnh mẽ, nên những thương vụ M&A về y tế, giáo dục tiềm năng trong tương lại gần.