Kỳ vọng Trung Quốc cắt giảm lãi suất tăng lên khi có dấu hiệu phục hồi yếu
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu hơn nữa trong tháng 5, làm che mờ triển vọng kinh tế nửa cuối năm nay và thúc đẩy những lời kêu gọi kích thích nhiều hơn từ phía ngân hàng trung ương.
Trong khi phần lớn các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát vẫn dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giữ nguyên lãi suất vào tuần tới, một loạt báo cáo kinh tế đáng thất vọng đã khiến một số nhà phân tích kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn.
“Tháng 6 là thời điểm quan trọng của chính sách nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế. Điều này kết hợp với một số hoạt động gần đây và các chỉ số tài chính cũng như tâm lý thị trường, đã dẫn đến sự gia tăng rõ ràng về sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất”, các nhà phân tích của Citic Securities cho biết.
Citic dự kiến PBOC sẽ giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) xuống 5 đến 10 điểm cơ bản vào ngày 15/6, trong khi Bloomberg Economics dự đoán mức cắt giảm 10 điểm cơ bản. Mizuho Securities Asia Ltd. và Nomura International (Hong Kong) Ltd. cũng dự báo cắt giảm 10 điểm cơ bản.
Dữ liệu thương mại được công bố vào thứ Tư (7/6) là số liệu mới nhất cho thấy triển vọng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong tháng 5 so với một năm trước, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và toàn cầu giảm. Dữ liệu tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm trong tháng 5, trong khi doanh số bán nhà ở đã chậm lại.
Động thái hạ lãi suất tiền gửi của các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ cho phép những ngân hàng này cắt giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn duy trì biên lãi ròng.
Trung Quốc dường như đang chuẩn bị hạ lãi suất chính sách ngay trong tuần tới. Bloomberg News đưa tin rằng, các nhà chức trách đã yêu cầu các ngân hàng lớn cắt giảm lãi suất tiền gửi.
“Điều này sẽ cung cấp cho họ một số dư địa để giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi kỳ vọng PBOC sẽ giảm chi phí đi vay bằng việc cắt giảm lãi suất một năm ngay từ giữa tháng 6, sau đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong quý III/2023 để giải phóng thêm tiền mặt cho các ngân hàng cho vay”, Chang Shu và David Qu, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Lãi suất tiền gửi thấp hơn cũng sẽ khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu hơn thay vì tiết kiệm. Dữ liệu gần đây cho thấy các hộ gia đình đang tiết kiệm nhiều hơn và trả bớt các khoản thế chấp thay vì gánh thêm nợ. Các doanh nghiệp cũng không muốn vay vì nhu cầu vẫn im ắng và lợi nhuận đang suy giảm.
Một số nhà kinh tế lập luận rằng các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu của Trung Quốc đối với các lĩnh vực như bất động sản và sản xuất cho thấy các bước kích thích rộng hơn, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất là điều không cần bàn cãi.
Mitul Kotecha, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại TD Securities cho biết: “Mặc dù dữ liệu kinh tế cho thấy sự phục hồi đang chững lại, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng việc nới lỏng chính sách hơn nữa sẽ thay đổi vấn đề. Chúng tôi kỳ vọng bất kỳ biện pháp kích thích tiền tệ nào cũng sẽ được nhắm mục tiêu đồng thời khả năng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng sẽ cao hơn so với việc cắt giảm lãi suất MLF”.
Trong khi đó, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối thận trọng khoảng 5% trong năm - điều mà hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ đạt được ngay cả khi hoạt động sụt giảm gần đây - nên các bước kích thích lớn là không cần thiết.
Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho rằng, việc cắt giảm lãi suất tiền gửi nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho các ngân hàng và bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất MLF nào cũng sẽ bù đắp cho nỗ lực đó vì nó sẽ thúc đẩy ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất Mỹ tăng cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm lãi suất của Trung Quốc. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất chính sách kể từ tháng 3/2022, trong đó chủ tịch Jerome Powell gần đây cho biết các quan chức vẫn chưa thực hiện việc thắt chặt mặc dù họ muốn tạm dừng để đánh giá triển vọng.
Khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến đồng nhân dân tệ suy yếu, đồng tiền này đã giảm 3,2% so với đồng đô la trong năm nay và là một trong số những đồng tiền tệ nhất ở châu Á.