Kỳ vọng từ các dự án hạ tầng giao thông
Đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), thành phố Hà Nội đã khánh thành và thông xe hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đồng thời khởi công hầm chui đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng và dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đô thị số 3 Hà Nội. Đây đều là các dự án giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết 'bài toán' ùn tắc giao thông, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức.
Gỡ những “nút thắt” xung đột giao thông
Sau khoảng 2 năm xây dựng, ngày 5-10-2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã thông xe hầm chui tại nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3. Sự kiện này được đông đảo nhân dân Thủ đô, đặc biệt là người dân quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm mong đợi từ lâu bởi đây là nút giao trên trục đường hướng tâm phía Tây Thủ đô thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Tại nút giao từng là nỗi ám ảnh ùn tắc kinh niên ấy giờ là hầm chui đồng bộ, hiện đại, với hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75m, có hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án không chỉ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, mà còn từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch. Thường xuyên qua khu vực này, anh Nguyễn Tuấn Tú (trú tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) nhận xét, hầm chui đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu ùn tắc, kéo theo giảm thời gian chờ đợi và ô nhiễm môi trường.
Ngay sau lễ khánh thành hầm chui nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng hầm chui đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng. Theo thiết kế, hầm chui qua nút giao đường Kim Đồng - Giải Phóng có chiều dài 460m. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau khoảng 30 tháng thi công.
Theo đại diện UBND quận Hoàng Mai, khi hầm chui Kim Đồng, dự án Vành đai 2,5 và đoạn tuyến Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 hoàn thành, toàn bộ vùng đệm cho cửa ngõ phía Nam thành phố sẽ hình thành mạng lưới giao thông ô bàn cờ, giải quyết hầu như toàn bộ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Phát triển vận tải hành khách công cộng đa phương thức
Cũng trong dịp này, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khởi công dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội với tổng mức đầu tư lên đến 54,75 triệu USD, bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA của Quỹ CTF (quỹ môi trường) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý. Đây là dự án thuộc Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Dự án được thực hiện trên địa bàn 6 quận, gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, dự án sẽ chia làm 3 hợp phần. Hợp phần 1 xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (bán kính 100-500m của các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga; mở rộng đường Cầu Giấy cho người đi bộ; cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường, tổ chức giao thông khu vực các nhà ga.
Hợp phần 2 thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng hệ thống giao thông thông minh; cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga đường sắt đô thị… Hợp phần 3 nghiên cứu các chính sách. Trong đó, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Theo các chuyên gia giao thông, dự án đường sắt đô thị dù hiện đại, tốc độ cao nhưng sẽ kém hấp dẫn nếu hành khách gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Việc chính quyền thành phố huy động hiệu quả các nguồn lực để triển khai dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững ngay từ sớm chính là bước chuẩn bị phù hợp cho tương lai không xa khi tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội hoàn thành và đưa vào khai thác.