Kỳ vọng vành đai 3 TP.HCM sau 11 năm quy hoạch
Khi hoàn thành, vành đai 3 sẽ kết nối TP.HCM với 3 tỉnh lân cận, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông xương sống và thúc đẩy giao thương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 11 năm quy hoạch, 16 km đầu tiên thuộc đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn trên địa bàn Bình Dương triển khai. Song, 10 năm kể từ 2011 dự án vẫn chưa thể triển khai thêm đoạn nào vì thiếu mặt bằng và phát sinh chi phí đầu tư.
Trong bối cảnh các tuyến đường nội đô trung tâm nối TP.HCM và địa phương lân cận chịu áp lực giao thông gây tắc nghẽn cục bộ, Chính phủ nhìn nhận không thể trì hoãn đầu tư xây dựng đường vành đai 3 thêm nữa. Từ 55.805 tỷ đồng được phê duyệt trước đó, tổng vốn đầu tư dự án nay đã tăng lên hơn 75.300 tỷ đồng và chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư hồi tháng 6 năm nay.
Là địa phương chủ trì triển khai dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng ví vành đai 3 là "con gà cao sản đẻ trứng vàng" cho vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài vai trò kết nối giao thông vùng, vành đai 3 được còn được kỳ vọng mở ra hướng mới phát triển không gian đô thị, hình thành quỹ đất lớn để khai thác và kêu gọi đầu tư.
Khởi công cầu Nhơn Trạch
Nhà sát trụ sở UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phạm Thu Ngân (29 tuổi, làm việc tại TP.HCM) thường xuyên về quê bằng xe máy. Tuy nhiên, do không có nhiều sự lựa chọn, Ngân cho biết thường mất ít nhất một giờ để di chuyển đến phà Cát Lái để tiếp tục quay lại TP.HCM.
"Với những người ở xa hơn, họ phải đi qua bến đò hoặc đi đường bộ đến phà Cát Lái rồi vào thành phố. Còn hướng kết nối thành phố trực tiếp chỉ có cầu Long Thành để qua cao tốc. Thế nhưng đường này lại chỉ dành cho ôtô", Ngân nói.
Cô kỳ vọng khi cầu Nhơn Trạch sớm được hình thành, quãng đường qua lại 2 địa phương được rút ngắn và người đi xe máy có thêm sự lựa chọn lưu thông. "Đây cũng là mong chờ của nhiều người sống tại huyện Nhơn Trạch, đặc biệt là người dân ở các khu vực vùng sâu, xa ven sông Đồng Nai", Ngân cho biết.
Ngày 24/9, cầu Nhơn Trạch, bắc qua sông Đồng Nai nối TP.HCM được khởi công. Hạng mục này là một trong 2 gói thầu chính của dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, dài 8,7 km. Gói thầu chính còn lại của dự án là xây đường dẫn ở hai đầu cầu, với tổng chiều dài hơn 5,6 km.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết đơn vị đã sắp xếp, chỉ đạo đơn vị liên quan hoàn tất công tác chuẩn bị ngoài hiện trường. Trong khi đó, phía nhà thầu cũng đã sẵn sàng và được huy động. Ngay sau khi phát lệnh khởi công, nhà thầu sẽ triển khai công tác thi công.
Theo ông Thi, việc đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 nhằm mục tiêu rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến Bình Dương và TP.HCM. Công trình là bước khởi đầu trong quá trình hình thành hệ thống vành đai 3 TP.HCM, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) dài hơn 8 km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hiện, toàn dự án đã bàn giao mặt bằng được đoạn tuyến dài 2,8 km. Trong đó, TP.HCM đã bàn giao được 1,7 km trên tổng số 1,9 km đoạn qua địa bàn, đạt 91% tổng diện tích mặt bằng. Đồng Nai bàn giao được khoảng 1,1 km trên tổng chiều dài hơn 6,3 km qua địa phương.
Trước đó, cầu Nhơn Trạch đã có kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2002. Do không có nguồn vốn đầu tư nên tiến độ triển khai bị trì hoãn. Hiện, dự án chính thức khởi công sau khi tìm được nguồn vay ưu đãi vốn từ Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Kết nối cao tốc, mở rộng đô thị vệ tinh
Trong bối cảnh quốc lộ 51, 13 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải, lưu lượng xe tiếp tục tăng nhanh, cầu Nhơn Trạch được nhắm đến vai trò phá thế độc đạo cho tuyến đường, chia sẻ áp lực giao thông qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tạo thêm hướng kết nối sân bay quốc tế Long Thành trong nhiều năm tới.
Đường vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34 km (TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Công trình được thiết kế kết nối những tuyến giao thông xuyên tâm nhiều cao tốc và đóng vai trò và giải tỏa luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua khu trung tâm đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình và chi phí vận tải.
Ngoài ra, công trình này còn được quy hoạch với vai trò lớn hơn là kết nối các khu đô thị là thành phố đối trọng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Dĩ an, Thủ Dầu Một, Tây Ninh; đồng thời, mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)...
Cùng với vành đai 4, vành đai 3 khi hoàn thiện sẽ kết nối những khu đô thị này với nhau bằng trục đường bao quanh, tạo điều kiện phát triển chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cũng tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, từng nhìn nhận điểm nghẽn phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lâu nay là hạ tầng giao thông. Việc chậm kết nối giao thông ngày nào sẽ càng làm kinh tế - xã hội thiệt hại thêm ngày đó.
Vì vậy, vành đai 3 triển khai nhanh sẽ kết nối được các đô thị liên vùng, bùng nổ mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam. Hạ tầng này còn kết nối được đô thị liên vùng, góp phần giảm chi phí logistics và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước khi góp 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Nơi đây là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế; đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là một trong 20 cảng lớn nhất thế giới
Tuy nhiên 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông của khu vực Đông Nam Bộ rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Điều này kéo theo tốc độ tăng trưởng khu vực ngày càng chậm lại. Trong buổi làm việc với TP.HCM hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhìn nhận nội đô TP.HCM đang ùn tắc nghiêm trọng.
Ngoài thiếu hệ thống vành đai, đô thị lớn nhất cả nước chưa có những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các địa phương. Tất cả cửa ngõ, thiếu đường Bắc - Nam, Đông - Tây mang tính chất đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình không cải thiện thì TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và có thể là cả khu vực Đông Nam Á.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (2, 3, 4), tổng chiều dài 356 km. Đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 là 16 km), riêng vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng.
Hệ thống vành đai TP.HCM có vai trò giải tỏa các luồng xe quá cảnh, kết nối thành phố với địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh... tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-vong-vanh-dai-3-tphcm-sau-11-nam-quy-hoach-post1358370.html