Kỳ vọng vào Luật HTX sửa đổi

HTX là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP. Hoạt động của HTX tác động trực tiếp đến khoảng 7 triệu thành viên và đời sống của hàng chục triệu người, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân HTX và của toàn bộ nền kinh tế.

Các HTX kỳ vọng việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo động lực để khuyến khích đầu tư, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Trong ảnh: Sản phẩm của tổ hợp tác trà Phú Hội, H.Nhơn Trạch. Ảnh: Đ.Lê

Các HTX kỳ vọng việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo động lực để khuyến khích đầu tư, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Trong ảnh: Sản phẩm của tổ hợp tác trà Phú Hội, H.Nhơn Trạch. Ảnh: Đ.Lê

Dù có nhiều thành công song sự phát triển của kinh tế tập thể nói chung, mô hình HTX nói riêng vẫn có nhiều điểm nghẽn cần khắc phục. Luật HTX sửa đổi đang được thảo luận, lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua đang được coi là động lực cho thúc đẩy mô hình HTX.

* Nhu cầu cấp thiết

Luật HTX hiện hành được Quốc hội thông qua từ năm 2012, sau 10 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cụ thể, vẫn còn nhiều rào cản trong việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác, chưa bảo đảm nguyên tắc mở để thu hút và phát triển nhiều thành viên tham gia.

Đơn cử như Luật HTX năm 2012 có quy định bắt buộc thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX. Điều này làm hạn chế một số đối tượng trở thành thành viên hoặc không thể tiếp tục là thành viên của HTX.

Bên cạnh đó, các quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý HTX còn chưa phù hợp với thực tế. Cơ cấu tổ chức quản lý HTX rất cồng kềnh, gồm nhiều bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát... không phù hợp thực tế của rất nhiều HTX quy mô nhỏ, siêu nhỏ có số lượng ít thành viên, gây lãng phí và bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều quy định đã rất lạc hậu so với sự phát triển nhanh, mạnh hiện nay. Các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX còn thiếu minh bạch, chưa quy định cụ thể về kiểm toán HTX. Các quy định về tài sản, tài chính của HTX còn nhiều bất cập. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm. Các HTX đa số quy mô còn nhỏ, thành viên phần nhiều là đối tượng dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ và ưu tiên, là cơ sở để hỗ trợ được đông đảo thành viên lại chưa được nhận nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

Việc sửa đổi những vấn đề bất cập còn tồn tại lâu nay sẽ là điều kiện để Liên minh HTX Đồng Nai phát huy vai trò, hiệu quả của mình để tham gia vào hội nhập sâu.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Đồng Nai, số lượng HTX khá đông nhưng chưa thực sự mạnh. Khi cạnh tranh phát triển ngày càng gay gắt và yêu cầu của xã hội được nâng cao thì trách nhiệm đặt ra đối với Liên minh HTX Đồng Nai trong thời gian tới rất nặng nề. Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động với chức năng là tổ chức đại diện các HTX.

* Kỳ vọng vào những đổi mới

Mục tiêu của Luật HTX (sửa đổi) lần này là nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) đầu tư công trình cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) đầu tư công trình cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn

Đối với các HTX, điều họ mong muốn nhất là tháo gỡ các rào cản, tạo cơ chế để phát triển. Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho rằng so với các loại hình kinh tế khác, HTX thiếu thốn rất nhiều, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp vì đa phần xã viên là nông dân, sự nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh chưa cao. HTX muốn vay vốn để đầu tư cũng không dễ dàng bởi thiếu tài sản thế chấp. Vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với công ty, doanh nghiệp để cung ứng hàng hóa lớn là khao khát của sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, cần có các cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh... Nhưng hầu như nhiều chính sách vẫn còn nằm trên giấy, triển khai vào thực tế chưa được nhiều.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ cây chuối cho biết thời gian tới, HTX mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu, nhập thêm nhiều máy móc hiện đại để phục vụ cho phát triển sản xuất...

Theo ông Hùng, mô hình HTX là rất phù hợp để liên kết người nông dân nhỏ lẻ cùng hợp lực sản xuất với nhau, từ đó nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương. Trong việc thực hiện chính sách, cần tính toán tới giải bài toán thiếu vốn cho những người làm sản xuất, kinh doanh nói chung trong đó có mô hình HTX. Các HTX kỳ vọng vào những thay đổi tích cực, mạnh mẽ hơn từ Nhà nước, trợ giúp cho kinh tế tập thể phát triển.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/ky-vong-vao-luat-htx-sua-doi-3169239/