Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là 'điểm sáng' kinh tế trên toàn cầu

Năm 2024, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự kiên cường, vững vàng 'vượt gió ngược' để trở thành một trong những 'điểm sáng' nổi bật trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Đây là nền tảng để các chuyên gia, tổ chức quốc tế bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa

Nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia quốc tế, năm 2024, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị quốc tế và chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh được khả năng phục hồi, tiếp tục xu hướng tăng trưởng, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 đạt 7,09%, con số này cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng trưởng khoảng 3,2% của kinh tế toàn cầu và cũng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng gần 1% của khu vực đồng Euro (Eurozone); trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng GDP của Việt Nam là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực. Nhờ có kết quả tăng trưởng tích cực, Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Kết thúc năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu và vào Top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Từ những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm qua, nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều có cái nhìn lạc quan, tiếp tục đưa ra các dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho biết, dự báo mới nhất của WB đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh vào năm 2025 với tốc độ khoảng 6,5%. Mức tăng trưởng này sẽ đưa Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Á và trên toàn cầu. WB kỳ vọng, năm 2025, thương mại sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu có thể không ấn tượng như năm 2024 do khả năng giảm tốc ở Mỹ và Trung Quốc, hai động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu trong nước do tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.

Cùng chung đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho biết, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 6,6% so với mức dự báo 6,2% đưa ra trước đó. Sự điều chỉnh này dựa trên nền tảng từ những kết quả ấn tượng của năm 2024 như hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ, sự phục hồi nhanh chóng của khu vực sản xuất, chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì khả quan...

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 và có tính đến các rủi ro, bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ, ông Suan Teck Kin - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) - cho biết, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% đưa ra trước đó. Đặc biệt, theo ông Suan Teck Kin, năm 2025, Chính phủ Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 8%, dựa trên sự quan sát về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính công và những dự án đầu tư công đang được triển khai quyết liệt, Ngân hàng UOB đánh giá mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam khá tham vọng nhưng vẫn có những dư địa để có thể đạt được.

Những khuyến nghị để nền kinh tế phát triển tăng tốc, bứt phá

Các chuyên gia quốc tế đánh giá, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao) và quyết tâm để đạt được mức cao hơn, tăng trưởng trên hai con số phản ánh kỳ vọng đưa nền kinh tế phát triển tăng tốc, bứt phá và có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này.

Theo đó, đưa khuyến nghị cho Việt Nam để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát triển bền vững, ông Andrea Coppola cho rằng Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, đó là nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế. Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế; cải thiện hệ thống giao thông và chuyển đổi năng lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế để mở rộng không gian phát triển cho khu vực tư nhân... “Nếu tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực quan trọng này, sẽ góp phần giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao” - ông Andrea Coppola nhấn mạnh.

Ông Shantanu Chakraborty đưa khuyến nghị, Việt Nam cần đa dạng hóa các động lực tăng trưởng trong năm 2025. Đồng thời, để duy trì đà tăng trưởng, việc ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa là rất cần thiết. Mặc dù những rủi ro chính sách của chính quyền mới ở Mỹ còn chưa rõ ràng, nhưng là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng từ những yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu. “Để giảm tác động bất lợi, nền kinh tế cần dựa vào các yếu tố nội lực để cân bằng các động lực tăng trưởng” - ông Shantanu Chakraborty nói.

Đưa thêm khuyến nghị, ông Suan Teck Kin cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, lĩnh vực xuất khẩu - một động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cần chủ động mở rộng và tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác nhau, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường cụ thể. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, cầu, cảng biển… , việc này không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế năm 2025 cũng như những năm tới./.

ANH MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ky-vong-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-kinh-te-tren-toan-cau-37902.html