'Lá chắn' bảo vệ biên cương
Ở nơi vùng cao biên giới xa xôi, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) vẫn luôn kiên cường bám trụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các anh đang là 'lá chắn' bảo vệ vững vàng đường biên mốc giới, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Nhắc đến vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ chắc hẳn nhiều người biết đến 3 xã: Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử và Mồ Sì San. Đây không chỉ là những xã cách xa trung tâm huyện mà còn thuộc diện đặc biệt khó khăn do Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phụ trách. Dù đã được Nhà nước quan tâm nhưng ở đây có nơi vẫn còn đường đất, đường bêtông nội bản nhỏ, dốc quanh co, ngày nắng đi lại vất vả, ngày mưa thì càng gian nan hơn. Bà con sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Mông, Hà Nhì), trình độ nhận thức còn hạn chế; kinh tế chậm phát triển. Phong tục tập quán còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của các loại tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, phụ nữ bỏ đi Trung Quốc lấy chồng, làm thuê.
Để giúp người dân nâng cao nhận thức, cải thiện cuộc sống cũng như bảo vệ tốt đoạn biên giới dài 14,228km tiếp giáp với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với 6 mốc giới, từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền. Trong đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể đứng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền được 76 buổi cho 5.548 lượt người nghe về Luật Biên giới quốc gia, Luật Cư trú, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền, Luật Tín ngưỡng tôn giáo… Tuyên truyền cho người dân không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do và theo đạo trái pháp luật.
Phối hợp cùng địa phương vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong phát triển kinh tế - xã hội, đồn duy trì 2 mô hình nuôi bò giống tại xã Vàng Ma Chải do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) hỗ trợ và mô hình nuôi cá hồi ở xã Pa Vây Sử. 2 mô hình này đang phát triển tốt, bước đầu đem lại thu nhập cho bà con. Đồn còn phân công 25 cán bộ phụ trách giúp đỡ 117 nhóm hộ ở các bản.
Ngoài ra, đồn duy trì và cử 8 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 8 chi bộ bản yếu kém, phức tạp. Nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 2 học sinh với số tiền hỗ trợ mỗi cháu là 500 nghìn đồng/tháng. Tổ chức cho nhân dân 6 bản của 3 xã ăn tết quân dân tạo không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết tình cảm. Cán bộ, chiến sỹ còn tham gia các hoạt đồng phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thông qua các hoạt động giúp đỡ người dân chằng chống nhà. Khi có tình huống xảy ra, cán bộ, chiến sỹ khẩn trương có mặt cùng nhân dân đưa người, đồ đạc đến nơi an toàn, hỗ trợ ngày công khắc phục hậu quả thiên tai sớm ổn định cuộc sống.
Thượng tá Quàng Văn Viện - Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cho biết: “Với các giải pháp đồng bộ, phù hợp, đến nay nhân dân các xã chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Bà con cùng lực lượng biên phòng bảo vệ biên giới. Khi có người lạ vào địa bàn nhanh chóng báo cáo; đồng thời cung cấp cho bộ đội biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Trên địa bàn 3 xã không có tình trạng di cư tự do; tình trạng vượt biên trái phép, phụ nữ bỏ nhà sang Trung Quốc lấy chồng, làm việc giảm hẳn. Bà con sống đoàn kết, không có biểu hiện phân biệt, đối xử. Đường biên, mốc quốc giới giữ nguyên trạng, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng được tăng cường.
Anh Chẻo Phủ Lù, dân tộc Dao ở bản Sì Choang (xã Vàng Ma Chải) bộc bạch: “Được các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải tuyên truyền tôi luôn cố gắng chấp hành nghiêm các quy định khi vào khu vực các bản giáp biên, chấp hành nghiêm quy ước bản. Tôi chủ động phát triển kinh tế gia đình từ trồng lúa, sắn, chăn nuôi lợn (5-7 con), trên 100 con gia cầm và nhất là chăn nuôi, bán bò cho các thương lái. Điều này giúp nâng tổng thu nhập gia đình tôi lên 200 triệu đồng/năm (trừ chi phí). Cuộc sống cải thiện rõ rệt”.
Vượt mọi gian khó, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đang mang đến động lực, cổ vũ giúp người dân vùng biên phát triển, chung tay xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đoàn kết cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.