'Lá chắn thép' nơi phên dậu Tây Nam của Tổ quốc

Rong ruổi trên đường tuần tra. Biển đầy nắng, gió. Tôi đã ở đó, cùng thức, cùng ngủ, cùng sinh hoạt và nghe những người lính chia sẻ câu chuyện thú vị trong quá trình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Giờ về với đất liền, tôi muốn kể lại trải nghiệm khó quên đó trong những ngày ngắn ngủi ở một số đồn biên phòng Kiên Giang, Cà Mau.

Nhà báo Thuần Thư

Nhà báo Thuần Thư

1. Tháng 5-2023. Vùng biển Tây Nam những ngày cuối tháng 5 trời nắng như đổ lửa. Ấy vậy mà thoáng chốc lại xuất hiện ngay cơn mưa giông bất chợt khiến hành trình tuần tra của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tây Yên (tỉnh Kiên Giang) trên chiếc cano có sức chứa vừa đủ 4 người ngồi càng thêm chòng chành. Ngồi trên cano, tôi được trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ lãng đãng lướt nhẹ trên mặt sóng, đắm mình giữa bao la biển trời Tổ quốc đến “cảm giác mạnh” khi chiếc cano gặp gió to, sóng lớn cùng những cơn mưa nặng hạt liên tục táp vào. Bộ quần áo mặc trên người bị ướt do mưa tạt khô dần khi cano bỏ lại cơn mưa phía sau, di chuyển tới vùng biển nắng rát.

Vậy đó, hình thái thời tiết liên tục thay đổi. Tôi lạ lẫm. Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú - Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Tây Yên cho biết, đó là chuyện thường tình của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây trên đường tuần tra. Hiểm nguy hơn cả là khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, kiểm tra những tàu, thuyền nghi có buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển mà các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Chuyện là, sau khi thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo “thẻ vàng” năm 2017, ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng còn là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân. Công việc tuần tra vì thế càng thêm vất vả. Trò chuyện với các ngư dân trên dọc hành trình tuần tra, tất cả đều dành lời ngợi khen và cảm ơn những nỗ lực của người lính biên phòng - những tuyên truyền viên trên biển, bởi nhờ đó, họ được cập nhật các kiến thức pháp luật liên quan tới đánh bắt hải sản, vốn gắn liền với lợi ích sát sườn của mình. Còn với một phóng viên, chuyến tuần tra thực địa giúp tôi thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy và cả những hy sinh của lực lượng bộ đội biên phòng, đồng thời có chất liệu tốt phục vụ cho các bài viết.

Tác giả cùng đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ biên phòng hy sinh trong cuộc chiến chống lại quân phản động Pôn Pốt - Iêng xary

Tác giả cùng đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ biên phòng hy sinh trong cuộc chiến chống lại quân phản động Pôn Pốt - Iêng xary

2. Một trong những trải nghiệm khó quên trong chuyến công tác vùng biển Tây Nam là được “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) tại đồn biên phòng. Bỏ lại sau lưng một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, mỗi cán bộ, chiến sĩ cởi mở hơn với những câu chuyện đời thường của bản thân. Trung úy Đinh Trung Hậu say sưa kể cho tôi những lần anh cùng đồng đội triệt phá thành công hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn. Còn với Thượng úy Bùi Duy Tiến - người lính quê Nghệ An vừa mới kết hôn hồi tháng 1-2023 và từ đó đến nay chưa một lần về thăm nhà, thăm vợ đang mang thai - là những nhớ nhung rất đời. “May mắn em được vợ và hai bên gia đình thấu hiểu, sẻ chia và sẵn sàng làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho con yên tâm công tác” - Duy Tiến tâm sự.

Hay Tô Khiêm - chàng trai sinh 1999, nhập ngũ hơn 1 năm, nhà dù chỉ cách đơn vị 3km song vẫn chưa một lần về. Hỏi ra mới hay, mỗi lần nghĩ đến chuyện xin nghỉ phép, Khiêm lại lo các chú, các anh phải vất vả gánh thêm phần việc của mình vì đồn chỉ có từng đó người, nên gác lại ý định, chờ một dịp phù hợp hơn. Lời chia sẻ mộc mạc, chân thành chứa đựng tinh thần trách nhiệm và cả hy sinh thầm lặng của chàng chiến sĩ trẻ.

Mỗi chiến sĩ dù khác nhau về tuổi tác, quê quán, hoàn cảnh gia đình song đều chung một lý tưởng, một niềm tự hào khi chung tay thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi chia sẻ của họ là những bài học lớn về sự hy sinh, về tinh thần dân tộc mà qua đó, tôi thấy mình như được trưởng thành hơn.

Phóng viên An ninh Thủ đô tác nghiệp tại điểm mốc tọa độ quốc gia - đất mũi Cà Mau

Phóng viên An ninh Thủ đô tác nghiệp tại điểm mốc tọa độ quốc gia - đất mũi Cà Mau

3.Dù chỉ là hoạt động bên lề của chuyến thực tế song để lại trong tôi nhiều cảm xúc đó là tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, nơi ghi danh của gần 40 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ đã hy sinh trước pháo kích của 3 Tiểu đoàn quân phản động Pôn Pốt - Iêng xary trong trận chiến ngày 17-5-1978. Dù bị địch tấn công cắt đứt mọi liên lạc, chi viện và tương quan quân số chênh lệch song các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây vẫn anh dũng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, quyết tâm bảo vệ trận địa, giành giật với địch từng thừa ruộng, bờ đê… bám trụ tới cùng, quyết giữ đồn, bảo vệ biên cương Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Chuyến tuần tra biển của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang

Chuyến tuần tra biển của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang

Hiện, Đài tưởng niệm liệt sĩ vẫn là công trình thiêng liêng kế bên Đồn biên phòng Phú Mỹ được cán bộ, chiến sĩ thường xuyên chăm sóc, khói hương. Những ngày tháng 5, hoa chăm-pa nở rộ. Dưới những tán xà cừ rủ bóng mát phủ rợp khuôn viên Đài tưởng niệm, tất cả cùng nhau ôn lại trận chiến hào hùng, tưởng nhờ và nghiêng mình trước những đóng góp của người lính biên phòng cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ đó, trong mỗi người thêm trân quý hơn cuộc sống ngày hôm nay!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/la-chan-thep-noi-phen-dau-tay-nam-cua-to-quoc-post543564.antd