Lạ lùng dự án di dân triệu đô nhiều năm không một bóng người
Dự án di dân lên bờ ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) trị giá hơn triệu USD được hoàn thành hạ tầng từ nhiều năm nay, nhưng cỏ dại vẫn mọc um tùm.
Cháy bỏng khát vọng lên bờ
Ngày đầu tháng 9, ngồi trong chiếc thuyền nhỏ xíu, lắc lư mạnh mỗi khi khi có tàu, xuồng đi qua, chị Phạm Thị Minh (50 tuổi, ở thôn 1 Cống Đông, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) ngước nhìn về khu di dân lên bờ cách đó vài chục mét, thở dài: "Quanh năm, suốt tháng ở chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển, chỉ ước có miếng đất, ngôi nhà nhỏ trên bờ. Thế mà, dự án di dân được hoàn thành từ 4 năm trước vẫn để hoang".
Thấy có khách đến, anh Dương Văn Tiêu, chồng chị Minh chui vào khoang thuyền rộng chừng hơn mét vuông là nơi sinh hoạt của gia đình để lấy ra một số giấy tờ. Anh Tiêu kể, anh sinh ra ở TP Cẩm Phả. Do không biết chữ, lại không có việc làm ổn định, nên năm 2002, vợ chồng anh kéo nhau ra vùng biển xã Thắng Lợi định cư.
Ngày ngày, cả nhà 5 người mưu sinh bằng việc đi câu cá, đánh bắt thủy sản ven bờ rồi nhập hộ khẩu tại xã đảo này từ năm 2005.
"Khoảng năm 2015, những hộ dân không có nhà ở ổn định trên địa bàn xã được thông báo là sẽ có dự án di dân lên bờ, mọi người sẽ được cấp đất, được hỗ trợ vay tiền để xây nhà. Các hộ ở đây mừng lắm, cứ nghĩ khát vọng lên bờ bao đời nay sắp thành hiện thực. Thế rồi, gần chục năm từ khi có thông tin di dân lên bờ, mọi việc vẫn như cũ", anh Tiêu nói.
Trên chiếc lồng bè nhỏ gần đó, anh Nguyễn Văn Hồng (hơn 30 tuổi) chia sẻ, do hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại bệnh tật, nên khi lập gia đình, anh vay mượn mua chiếc bè nhỏ trị giá trên 50 triệu đồng, vừa làm nơi để sinh sống, vừa để mưu sinh bằng nghề nuôi cá. Dù có lồng bè, nhưng không có vốn, nên anh Hồng chỉ nuôi được loại cá giá trị thấp.
"Khoản vay để mua lồng bè từ ngày lấy vợ đến giờ, em vẫn chưa trả nợ xong. Khi lãnh đạo xã thông tin những hộ không có nhà sẽ được cấp đất trong dự án di dân lên bờ để ổn định cuộc sống, em mừng lắm. Vậy mà chờ mãi, không thấy tiến triển gì, cả vùng dự án thì bỏ hoang", anh Hồng tiếc nuối.
Trong vùng dự án hiện nay có duy nhất hộ ông Lã Văn Tề đang sinh sống, nhưng là diện ở nhờ tại nhà văn hóa của khu tái định cư.
Ông Lã Văn Tề cho biết, gia đình ông thuộc diện giải phóng mặt bằng và được hai suất tái định cư tại chỗ với diện tích 400m2/suất. Với diện tích hơn 5.000m2, gia đình ông Tề được đền bù trên 2,6 tỷ đồng…
"Ngay sau khi nhận tiền đền bù, gia đình tôi đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công từ năm 2019 rồi được bố trí ra nhà văn hóa ở tạm chờ xây dựng nhà. Vậy mà bốn năm nay rồi, đất của gia đình đã được chọn lô, nhưng bao lần kiến nghị lên xã, lên huyện đóng thuế đất để xây nhà cũng không được. Vật liệu từ căn nhà cũ gia đình tận dụng mang ra đây để xây nhà giờ đã mục nát, hư hỏng", ông Tề cho hay.
Dự án di dân triệu đô ách tắc do đâu?
Qua quan sát của PV Báo Giao thông, hiện toàn vùng dự án di dân lên bờ ở xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Một số mái ta luy dương do không được kè chắc chắn, nên đất đá đã bị sạt, trượt trôi xuống làm lấp vào hệ thống thoát nước.
Nhà văn hóa thôn theo dự toán được đầu tư lên tới trên 1,8 tỷ đồng, ngoài một phần do gia đình ông Tề đang ở nhờ thì vẫn bỏ hoang, có chỗ đã xuống cấp, hư hỏng…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cho biết: Dự án di dân lên bờ và bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xã Thắng Lợi (Vân Đồn) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 28/10/2015. Dự án có diện tích gần 4ha, có thể đảm bảo cho khoảng 70 hộ dân ở xã Thắng Lợi lên bờ sinh sống.
Mặc dù được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015, tuy nhiên vì nguồn vốn ngân sách khó khăn do phải tập trung cho những công trình cấp bách và trọng điểm khác trên địa bàn, nên đến tận cuối năm 2018, dự án mới được bố trí vốn, triển khai công tác thi công.
Theo quyết định phê duyệt thiết kế thi công của UBND huyện Vân Đồn ngày 22/8/2018 thì dự án có tổng chi phí là trên 26,3 tỷ đồng gồm: Xây dựng trên 19,6 tỷ đồng, thiết bị điện trên 226 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 1,24 tỷ đồng, dự phòng trên 1,01 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính 2 tỷ đồng… Thời gian thực hiện dự án là năm 2018 và 2019.
"Dự án đã hoàn thành được quyết toán năm 2019 và đã bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý để thực hiện việc cấp đất cho nhân dân làm nhà. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, nhất là việc áp dụng hỗ trợ tiền cấp đất cho bà con, nên đến nay vẫn chưa thực hiện được", vị cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Thắng Lợi có 61 hộ dân thuộc diện vào vùng dự án. Nhưng do dự án được triển khai muộn, nên chương trình di dân của trung ương và tỉnh Quảng Ninh đã hết thời hạn.
"Để thực hiện được thì phải chờ các chính sách mới được ban hành để có cơ sở triển khai tiếp", ông Vũ cho hay.