Lạ lùng 'xúc cá cầu may' và 'lễ khơi' của đồng bào Vân Kiều
Trong hành trình đến với Trường Sơn hùng vĩ, đến với bản làng, chúng tôi đã được đồng bào dân tộc Vân Kiều chia sẻ những tập tục lạ. Trong đó có đám cưới lần thứ ba và lễ 'xúc cá cầu may' là phong tục độc đáo trong hôn nhân của đồng bào Vân Kiều.
Cầu may bằng việc… xúc cá
Hàng trăm năm nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn duy trì phong tục xúc cá đoán vận mệnh hôn nhân (tiếng Vân Kiều là “tù toạc”). Phong tục này diễn ra vào thời điểm thú vị, sau đám cưới, cô dâu xuống suối xúc cá để cầu may cho hạnh phúc của vợ chồng mình.
Có nhiều chuyện buồn vui xung quanh “tù toạc”. Nó mang yếu tố tâm linh, số mệnh, tác động đến đời sống người Vân Kiều. Xúc cá cầu may là xúc vận mệnh hôn nhân, mà ở đây cô dâu-người vợ là quyết định.
Con sông Đakrông chảy qua xã Tà Long (Km22 đường Hồ Chí Minh) nước trong xanh hiền hòa. Một con sông cá trắng vây quanh, cây cối xanh rì. Buổi sáng bản làng Vân Kiều với những ngôi nhà sàn lấp ló trong sương khói, trên những ngọn đồi. Một con sông mang thân phận người phụ nữ, của hôn nhân gia đình, nó vui buồn thấp thỏm.
Chúng tôi đã hỏi chuyện rất nhiều người đàn ông Vân Kiều, họ bảo: Phong tục xưa nay phải làm thì làm, không cần cân nhắc nhiều. Hỏi nhiều phụ nữ, phần nhiều họ chỉ cười, có người hơi buồn, họ cũng nói: xưa nay cô dâu về nhà chồng phải xuống suối xúc cá cầu may, đó là phong tục. Chúng tôi lại hỏi, như thế việc cầu may (được hay không may) nó có thể hiện đúng với cuộc sống (hạnh phúc hay không) trong hôn nhân không? Nhiều người lắc đầu chẳng nói. Có người bảo, vợ tôi xúc được một hòn đá, giữa nước lớn chảy vù vù như thế nhưng vợ tôi đã xúc được một hòn đá, chúng tôi sống rất hạnh phúc.
Những phụ nữ Vân Kiều như Pỉ Thăng, Pỉ Muôn (Pỉ tiếng Vân Kiều nghĩa là mẹ)… từng là cô dâu, từng lội xuống sông trong ngày đầu hôn nhân để cầu cho hạnh phúc được bền lâu. Những người đàn ông như Pả Thăng, Pả Muôn (Pả tiếng Vân Kiều có nghĩa là bố)… từng hồi hộp, lo âu cho vận may, hạnh phúc của mình trên dòng sông Đakrông.
Theo quan niệm của người Vân Kiều, nếu cô dâu xúc được đá, ba ba, cá có vảy nhám… thì hôn nhân bền chặt. Vì những vật này tượng trưng cho sự không hoặc ít di chuyển: đá - ở một chỗ, cô dâu sẽ ở nhà chồng mãi mãi; ba ba - di chuyển chậm, cô dâu sẽ đi xung quanh nhà; cá có vảy nhám - cô dâu mắc vào nhà chồng như con cá mắc vào tấm lưới. Ngược lại, nếu cô gái xúc phải cá da trơn, đặc biệt là những con vật biết nhảy như ếch nhái thì sớm muộn gì cô dâu ấy cũng bỏ chồng đi nơi khác hoặc về nhà bố mẹ đẻ(?!).
Trao đổi với chúng tôi về lễ tục này, bà Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tà Long cho hay: Từ nhiều đời nay, đồng bào Vân Kiều vẫn quan niệm nếu con cá đầu tiên xúc được là loại cá có vảy nhám và đặc biệt là cá trắng thì hôn nhân rất bền lâu, viên mãn. Nếu là cá trơn thì hôn nhân không tốt, bền. Tuy nhiên, lễ tục này còn để họ hàng hiểu hơn về cô dâu, để cô dâu hòa nhập với chị em bên chồng nhanh hơn vì việc xúc cá đòi hỏi sự giao tiếp, phối hợp giữa nhiều người, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo…
Đám cưới khi đã già của người Vân Kiều
Có rất nhiều phong tục tạo nên nét đặc sắc trong đám cưới của người Vân Kiều. Nó diễn ra nhiều ngày (thường ít nhất ba ngày) ở nhiều địa điểm khác nhau, trong thời gian khác nhau để thực hiện các lễ nghi. Cùng với đó là tiệc thiết đãi dòng họ, bạn bè trên địa bàn và một số khu vực lân cận.
Đám cưới, hay gọi chính xác hơn, rộng hơn là “hôn nhân” của người Vân Kiều có nhiều điểm đặc sắc mang giá trị văn hóa và nhân văn. Trong đó “Lễ khơi” (tiếng Vân Kiều “khơi” nghĩa là họ đằng trai) thể hiện cả không gian văn hóa với thời gian gần như một đời vợ chồng. Ông Hồ Văn Phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trại Cá, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho hay: Đồng bào Vân Kiều tổ chức “Lễ khơi” khi họ đã về già, tầm 50 - 60 tuổi, có những trường hợp hơn 70 tuổi - tùy điều kiện của mỗi gia đình của đôi vợ chồng.
Ông Phương còn cho biết thêm: Người Vân Kiều gọi “khơi” là từ chỉ họ đằng trai, “cuza” là từ chỉ họ đằng gái. Khi cô gái về nhà chồng, có bà, dì, chị em gái, những người bạn thân của cô dâu và bà con đưa - gọi là “pởh à xuôi” (đi về nhà chồng). Lễ vật mang theo có xấn (một loại chân váy), bánh adư, bánh beng, gạo; thường do mẹ và các chị dâu của cô gái chuẩn bị được bỏ trong cái a chói (gùi đựng) mà các cô gái trong đoàn gùi theo. Các lễ vật này để họ đằng trai nhận rồi tặng lại cho các mụ o đã đi lấy chồng (trong họ nhà trai) về dự đám cưới cháu. Bên nhà trai nhận rồi, họ sẽ bỏ vào trong các a chói kia 4 cái bát, với một ít tiền mặt hàm ý cảm ơn nhà gái và bày tỏ đón nhận, thương yêu cô gái. Cái đó gọi là lễ khơi.
Lễ khơi là lễ cuối cùng trong hôn nhân của người Vân Kiều (trước đó là lễ “chổh vưan” (tức là “bỏ của”) và lễ cưới. Lễ khơi quan trọng nhất, với lễ này vợ chồng Vân Kiều mới làm xong nghĩa vụ hôn nhân, hai người mới thực sự được chính thức trở thành vợ chồng.
Có trường hợp vợ chồng khó khăn về kinh tế, đến đời con, thậm chí đời cháu đứng ra làm chủ lễ khơi cho cha mẹ, ông bà. Ông Pả Bình và bà Pỉ Bình ở thôn Tà Lao, xã Tà Long (huyện Đakrông - Quảng Trị) sau hơn 40 năm cưới và chung sống đã làm lễ khơi vào năm 2018, khi ông bà đã có con cháu nội ngoại. Ông Pả Bình hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: “Qua mấy mươi năm chung sống với nhau, ăn ở với nhau, cư xử với tốt với nhau… thì làm lễ khơi là để công nhận xứng đáng là vợ chồng”.
“Lễ khơi” của đồng bào Vân Kiều mang giá trị văn hóa đặc sắc, thu hút nhiều giai tầng trong xã hội nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan du lịch.
Vĩ thanh
Đi dọc suốt dãy Trường Sơn, ở đâu có đồng bào Vân Kiều, chúng tôi đều hỏi đến tục “xúc cá cầu may”. Đa số đồng bào Vân Kiều đều cho hay, phong tục này vẫn được duy trì. Có một số nơi, nhất là đối với lớp trẻ họ cho rằng đây là lễ tục không còn cần thiết, nhưng khi làm đám cưới chính họ vẫn thực hiện lễ này một cách vui vẻ.
Với người viết bài này, “Xúc cá cầu may” là lễ tục đẹp, mang giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều. Tuy nhiên, để tin hoàn toàn vào những may mắn hoặc không trong việc xúc cá đoán vận mệnh hôn nhân là điều không nên. Hãy tin rằng hạnh phúc vợ chồng ngoài yếu tố rủi ro này khác thì phần lớn phải được vun đắp từ những việc làm tốt trong đời, cho gia đình và con cái. Đặc biệt là vai trò của người chồng trong hôn nhân, không nên “cá cược với sông” cho hạnh phúc chồng vợ.