Lá sen có tác dụng gì?

Lá sen không chỉ là một loại thảo dược quý giá trong y học cổ truyền mà còn có nhiều tác dụng khác trong đời sống, làm phong phú hơn nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Sen là loài cây quý với hầu hết các bộ phận đều có ích. Ngoài củ sen, ngó sen, hạt sen, lá sen đều là dược liệu quý giá với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Riêng lá sen không chỉ được y học cổ truyền sử dụng như một vị thuốc quý chữa nhiều bệnh lý và cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn có vai trò riêng trong văn hóa ẩm thực. Vậy lá sen có tác dụng gì?

Tác dụng của lá sen trong ẩm thực Việt Nam

Với màu xanh mát mắt và hương thơm nhẹ nhàng, tinh tế, lá sen có mặt trong ẩm thực Việt một cách vừa dân dã vừa sang chảnh, dùng để gói các món từ gạo nếp như xôi, cốm và nhiều món ăn chế biến khác.

Thường người Việt dùng lá chuối hay lá dừa để gói món ăn, việc dùng lá sen thể hiện sự cầu kỳ khi người chế biến muốn tăng sự tinh tế trong trải nghiệm cho người thưởng thức. Những món ăn được ôm ấp bởi chiếc lá sen luôn có hương vị thanh tao kỳ lạ khiến người ta trân trọng khi nếm từng miếng nhỏ thực phẩm.

Lá sen có tác dụng gì? (Ảnh: Frontiers)

Lá sen có tác dụng gì? (Ảnh: Frontiers)

Có thể kể đến một số món ăn sử dụng lá sen như:

- Xôi cốm lá sen: Món ăn đặc thù của mùa thu Hà Nội này được làm từ cốm, hạt sen hay đậu xanh và vài sợi dừa thái sợi, có hương vị dịu nhẹ, ngọt thơm. Xôi cốm chuẩn phải được gói bằng lá sen, hương thơm dịu dàng của cốm và lá sen hòa quyện và cùng tôn nhau lên, đem lại cảm xúc khó quên cho những ai được thưởng thức.

Ngoài xôi cốm, lá sen còn là vật không thể thiếu để gói cốm nếp khi bán cho người tiêu dùng. Nhiều người cũng dùng lá sen để gói các loại xôi khác để tăng hương vị cho món ăn.

- Cơm lá sen: Đây là món ẩm thực cung đình Huế nổi tiếng với sự tinh tế, thanh tao. Cơm sen được nấu từ những hạt gạo dẻo thơm nhất cùng với hạt sen thơm bùi, đặt trong hoa sen rồi dùng lá sen gói lại.

- Trà sen: Trà được cho vào bông sen, thấm đẫm hương thơm tinh khiết từ nhụy, sau khi được bọc lại bởi những cánh hoa sẽ được bọc thêm một lớp nữa bằng lá sen. Đây là món quà quý giá của mùa hè.

Lá sen có tác dụng gì với sức khỏe?

Là một loại thảo dược quý, lá sen có những lợi ích sức khỏe được giới thiệu dưới đây. Bạn đọc lưu ý chỉ tham khảo, nếu muốn áp dụng nhất định phải hỏi ý kiến bác sỹ. Việc dùng sai cách hoặc không phù hợp với tình trạng cơ thể mình có thể gây những phản ứng bất lợi.

Hỗ trợ giảm cân và điều chỉnh mỡ máu

Lá sen chứa nhiều hợp chất có khả năng ức chế hấp thụ chất béo và carbohydrate trong cơ thể, bao gồm flavonoid, quercetin và isoquercetin. Chúng giúp giảm lượng mỡ tích tụ, đặc biệt là ở vùng bụng.

Việc uống nước lá sen thường xuyên không chỉ giúp giảm cân mà còn hỗ trợ giảm cholesterol xấu (LDL) trong máu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Cách dùng là lấy lá sen khô pha trà uống hàng ngày hoặc kết hợp với các thảo dược khác như cam thảo, hoa hòe để tăng cường tác dụng.

Hỗ trợ điều trị mất ngủ

Lá sen có tác dụng an thần, giúp giảm căng thẳng, lo âu và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Trong y học cổ truyền, lá sen được sử dụng như một phương pháp tự nhiên giúp cân bằng tâm trạng, làm dịu hệ thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các hợp chất alcaloid có trong lá sen, đặc biệt là nuciferin, có tác dụng an thần nhẹ.

Cách dùng lá sen trị mất ngủ: Lấy 20-30gr lá sen khô hãm với nước sôi trong khoảng 10-15 phút rồi uống vào buổi tối. Nước lá sen không chỉ giúp dễ ngủ hơn mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp tỉnh táo và minh mẫn hơn vào ngày hôm sau.

Thanh nhiệt, giải độc cơ thể

Lá sen có tính mát, vị đắng, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền để thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Các hợp chất trong lá sen có khả năng kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường chức năng gan và thận, giúp cơ thể đào thải độc tố một cách hiệu quả.

Trong những ngày hè nóng bức, việc uống trà lá sen có thể giúp làm mát cơ thể, giảm cảm giác nóng nực và mệt mỏi.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường cũng là một trong những tác dụng của lá sen. Các hợp chất trong lá sen có khả năng làm giảm đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Việc sử dụng trà lá sen đều đặn có thể giúp kiểm soát đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2.

Cải thiện tiêu hóa

Tác dụng của lá sen đối với hệ tiêu hóa cũng khá rõ rệt. Nhờ tính chất thanh nhiệt, lá sen giúp làm dịu các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra, lá sen còn có khả năng kích thích tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, từ đó cải thiện hấp thu dinh dưỡng và giảm tình trạng táo bón.

Một số người sử dụng lá sen kết hợp với các thảo dược khác như vỏ bưởi, cam thảo để tạo thành một bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa rất hiệu quả.

Hỗ trợ điều trị rong kinh

Tính chất làm mát và khả năng cầm máu của lá sen giúp giảm tình trạng chảy máu kéo dài và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Trong y học cổ truyền, lá sen thường được sử dụng kết hợp với các dược liệu khác như cỏ mực, rễ cỏ tranh để điều trị các chứng bệnh liên quan đến kinh nguyệt.

Phòng chống ung thư

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lá sen chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại, từ đó giảm nguy cơ ung thư. Các hợp chất như flavonoid, quercetin trong lá sen có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư gan.

NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/la-sen-co-tac-dung-gi-ar892505.html