La Tiến - xanh mãi ý chí kiên cường của chiến sĩ, đồng bào

Những ngày tháng 7, nhìn từ bên này sông Luộc, bến đò La Tiến xanh ngắt màu trời. Mảnh đất anh hùng từng nhuốm máu 1.145 chiến sĩ cách mạng ở thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên giờ đây yên ả bên sông, lưu giữ bài học hào hùng về giá trị của hòa bình.

La Tiến vốn là một triền đất cổ bên sông thuộc tổng Võng Phan, huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng xưa kia. Nơi này, bến đò La Tiến bên sông Luộc giáp ranh giữa 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình luôn là vị trí giao thông huyết mạch của đồng bằng Bắc Bộ.

Bia căm thù dựng tại bến đò La Tiến bên sông Luộc ngày nay. Ảnh: Thụy Văn

Bia căm thù dựng tại bến đò La Tiến bên sông Luộc ngày nay. Ảnh: Thụy Văn

Trong thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định miền Bắc, La Tiến trở thành vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự. Hệ thống giao thông thủy, bộ rất thuận lợi cho việc chuyển quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm chi viện cho khu vực tả ngạn sông Luộc.

La Tiến còn là trung tâm một vùng rộng lớn, nông nghiệp trù phú, có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, thực dân Pháp đã lấy La Tiến là vị trí chiếm đóng, lập 72 bốt, án ngữ phía Nam tỉnh Hưng Yên, phía Bắc tỉnh Thái Bình, phía Tây tỉnh Hải Dương, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm... từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương và đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân khu vực này.

Bốt bến đò La Tiến ngày đó khét tiếng tàn ác, khủng bố tàn bạo các chiến sĩ cách mạng. Chúng xét hỏi, tra tấn dùng cực hình với bất cứ ai nghi ngờ qua đây. Bến sông Luộc chứng kiến bao cảnh máu chảy, đầu rơi, thực dân bức hiếp đồng bào. Lòng căm thù khắc sâu khi chứng kiến địch phá làng, dỡ đình, đốt chùa, phá bỏ trường học. Đồng bào bị lùa đi xây bốt, làm đường, đi phu, đi vơ vét nông sản, của cải...

Cây đa La Tiến ngày ấy chứng kiến cảnh dân ta bị thực dân đàn áp. Chúng nghi ai là Việt Minh cũng bắt mang về đây, tra tấn và giết dã man. Có nhiều chiến sĩ cách mạng bị treo lên cây đa để tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, người bị tra tấn đến chết thì chúng ném xuống sông Luộc. Ngoài chiến sĩ cách mạng, đội du kích Hoàng Ngân, bộ đội địa phương, thực dân Pháp còn giết cả đồng bào, tổng số lên đến 1.145 người.

Liệt sĩ Trần Thị Khang quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, là Huyện ủy viên, Bí thư phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy Đội Nữ du kích Hoàng Ngân đã bị thực dân Pháp giết tại cây đa La Tiến. Cùng với liệt sĩ Trần Thị Khang, còn bao người con ưu tú của đồng bằng sông Hồng với tinh thần kháng Pháp kiên cường bị giặc sát hại nơi đây. Cây đa La Tiến vì vậy như một biểu tượng của ý chí, của lòng căm thù khôn nguôi, và nuôi dưỡng khát vọng hòa bình cho dân tộc, cho đất nước lớn mãi.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt, Cây đa và đền La Tiến đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 4007/QĐ-BVHTTDL ngày 18/11/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thụy Văn

Với những giá trị lịch sử đặc biệt, Cây đa và đền La Tiến đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 4007/QĐ-BVHTTDL ngày 18/11/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thụy Văn

Năm 1956, xã Nguyên Hòa đã xây dựng "Bia căm thù" ở bến đò La Tiến bên sông Luộc để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Năm 1984, công trình "Bia căm thù" được tu bổ, tôn tạo lại. Năm 2010, đền La Tiến được xây dựng, trước có khuôn viên 3 ngàn mét vuông. Và năm 2023, công trình đền La Tiến thờ các liệt sĩ, Bia căm thù và di tích cây đa La Tiến đã được chỉnh trang lại với diện mạo mới.

Đền La Tiến trang nghiêm bên bóng rủ của cây đa. Ảnh: Thụy Văn

Đền La Tiến trang nghiêm bên bóng rủ của cây đa. Ảnh: Thụy Văn

Sơ đồ trận đánh bốt La Tiến lịch sử.

Sơ đồ trận đánh bốt La Tiến lịch sử.

Bằng xếp hạng di tích Quốc gia cho cây đa và đền La Tiến.

Bằng xếp hạng di tích Quốc gia cho cây đa và đền La Tiến.

Ngôi đền được thờ các liệt sĩ, đồng thời trưng bày các thông tin lịch sử về di tích.

Ngôi đền được thờ các liệt sĩ, đồng thời trưng bày các thông tin lịch sử về di tích.

Hiện nay, di tích cây đa và đền La Tiến được địa phương gìn giữ, trông coi và thắp nhang hằng ngày.

Hiện nay, di tích cây đa và đền La Tiến được địa phương gìn giữ, trông coi và thắp nhang hằng ngày.

Bến đò La Tiến ngày nay. Ảnh: Thụy Văn

Bến đò La Tiến ngày nay. Ảnh: Thụy Văn

Công trình Bia căm thù đã được chỉnh trang lại bên gốc cây đa La Tiến. Ảnh: Thụy Văn

Công trình Bia căm thù đã được chỉnh trang lại bên gốc cây đa La Tiến. Ảnh: Thụy Văn

Di tích yên ả nằm bên bờ sông Luộc nối 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình hiện nay. Ảnh: Thụy Văn

Di tích yên ả nằm bên bờ sông Luộc nối 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình hiện nay. Ảnh: Thụy Văn

Thụy Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/la-tien-xanh-mai-y-chi-kien-cuong-cua-chien-si-dong-bao-179230719111716663.htm