Lai Châu bàn giải pháp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
Chiều 29/11, tại huyện Tân Uyên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh Lai Châu đã ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân.
Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh ước đạt hơn 226 nghìn tấn. Diện tích cây chè hơn 10.500ha, trong đó diện tích chè kinh doanh gần 8.400ha; tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 60 nghìn tấn.
Tổng diện tích cây ăn quả hơn 8.000ha, sản lượng ước đạt hơn 52 nghìn tấn; diện tích cây dược liệu hơn 11.300ha, trong đó diện tích cây sâm Lai Châu khoảng 100ha, hơn 6.600ha thảo quả, 2.500ha cây sa nhân. Diện tích cây mắc ca hơn 7.400ha, sản lượng ước đạt hơn 3.430 tấn...
Tổng đàn gia súc chính đạt gần 372 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 21 nghìn tấn; diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt toàn tỉnh đạt hơn 1 nghìn ha, 92 cơ sở nuôi cá nước lạnh... Toàn tỉnh hiện có 195 doanh nghiệp, 221 hợp tác xã, 173 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2024, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 953 tỷ đồng thực hiện các đề án: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra đề xuất và các giải pháp về vấn đề liên kết hình thành vùng, sản phẩm chủ lực có quy mô đủ lớn, bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên kết; giải pháp phân định vùng nguyên liệu; cơ chế, chính sách sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa trong giai đoạn tới theo hướng liên kết, hữu cơ, an toàn...
Đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố thực tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung...
Đồng thời, các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm quy chuẩn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành liên kết hệ thống các cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp…
Nhân dịp này, các huyện có thế mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa và cây ăn quả đã ký kết biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây mít, mía, dứa; sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè.
Ngoài ra, các huyện cũng ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên để phát triển vùng trồng dứa với quy mô khoảng 1.000ha; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và sản xuất Khánh Thìn đầu tư trồng và phát triển cây mít ruột đỏ với quy mô khoảng 800ha; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây mía với quy mô khoảng 7.000ha.
Tại sự kiện, Công ty cổ phần Bio Farm Việt Nam cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Tuyền Phương đầu tư sản xuất chè an toàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch quảng bá sản phẩm...