Nông sản Việt mong 'đổi vận' tại các hệ thống phân phối nước ngoài
Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm này vào chuỗi phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước còn phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ chế biến và tiêu chuẩn quốc tế.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Việt Nam hiện có 6 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm và cá tra.
Do thiếu các tiêu chuẩn kĩ thuật quốc tế, khá nhiều nông sản Việt mới chỉ dừng lại ở xuất thô.
Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu với giá trị thặng dư 10,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Rau quả và cà phê cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt thặng dư 4,47 tỷ USD (tăng 39,6%) và thặng dư 4,33 tỷ USD (tăng 38,5%). Tiếp theo, gạo thặng dư 3,68 tỷ USD (tăng 13,1%); tôm thặng dư 2,92 tỷ USD (tăng 21,7%) và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD (tăng 8,7%).
Thách thức từ giá trị gia tăng thấp và yêu cầu tiêu chuẩn cao
Thành tựu này một phần đến từ những nỗ lực mở rộng thị trường của Việt Nam thông qua các hiệp định xuất khẩu chiến lược. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, việc ký kết 3 nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc đối với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu đã mở ra những cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khó tính như UAE cũng đang được đẩy mạnh, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành nông, lâm, thủy sản.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô với hàm lượng chế biến thấp, chiếm 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này làm giảm đáng kể giá trị gia tăng của sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thẳng thắn cho rằng, việc thiếu đầu tư vào công nghệ chế biến và nâng cấp tiêu chuẩn đang kìm hãm giá trị thực sự của nông sản Việt.
Câu chuyện của Công ty Trà Dược Núi Đèn là một minh chứng điển hình. Theo ông Phạm Xuân Phương, Chủ tịch HĐQT công ty, dù sở hữu vùng nguyên liệu sạch và sản xuất trà Shan tuyết chất lượng cao, doanh nghiệp này vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế do thiếu vốn và công nghệ chế biến.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Xuân Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trà Dược Núi Đèn, cho hay doanh nghiệp sẵn vùng nguyên liệu sạch để sản xuất số lượng lớn trà Shan tuyết có chất lượng cao. Tuy nhiên, do còn khá thiếu thốn về vốn và công nghệ chế biến nên hiện tại đơn vị này vẫn chủ yếu xuất trà thô là chủ yếu.
Ông Phương nêu ví dụ, khi xuất khẩu trà nguyên liệu sang Phúc Kiến (Trung Quốc), các doanh nghiệp tại đây sử dụng công nghệ cao để sản xuất lục bảo trà, nâng giá trị sản phẩm lên gấp chục lần so với giá nhập.
Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) từ các thị trường như châu Âu, Mỹ và Australia cũng đặt ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải có các thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, để duy trì đảm bảo việc chăm sóc trà đạt tiêu chuẩn hữu cơ sẽ cần khoản kinh phí không hề nhỏ, khoảng 300 triệu đồng/10 ha.
Giải pháp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh
Để đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế, các doanh nghiệp và hợp tác xã phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, có đầy đủ hồ sơ công bố, kiểm nghiệm sản phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, đối với các sản phẩm tươi sống, việc áp dụng công nghệ cao để đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc.
Do đó, ông Phương bày tỏ mong muốn các bộ ngành và Liên minh hợp tác xã Việt Nam quan tâm, có những chính sách hỗ trợ trong việc làm thủ tục định danh trà hữu cơ góp phần nâng giá trị các sản phẩm trà nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung.
“Tính đến nay các sản phẩm trà của Trà Dược Núi Đèn dù đã xuất khẩu đạt số lượng lớn nhưng do chỉ mới có chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nên bắt buộc chúng tôi phải xuất nguyên liệu với giá trị thấp. Đơn cử, từ năm 2023 DN đã và đang xuất khẩu trà nguyên liệu tại thị trường Phúc Kiến (Trung Quốc). Khi sang nước bạn, vẫn sản phẩm trà đó nhưng do có những ứng dụng công nghệ cao kết hợp bí kíp lên men đặc biệt, họ đã làm ra sản phẩm lục bảo trà với giá trị cao gấp cả chục lần giá nhập”, ông Phương nói.
Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ chế biến và nâng cấp thương hiệu là yếu tố cốt lõi giúp tăng giá trị nông sản. Từ câu chuyện của Trà Dược Núi Đèn cho thấy, để sản phẩm Việt Nam bước chân vào hệ thống bán lẻ nước ngoài không hề dễ dàng.
Theo các nhà mua hàng thế giới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, đủ khả năng để cung ứng hàng cho thế giới. Tuy nhiên, để hàng Việt đủ tiêu chuẩn vào các thị trường lớn thì các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực dịch vụ, cải tiến về thương hiệu, đầu tư công nghệ chế biến, logictis… mang lại giá trị cao hơn cho nông sản Việt.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và Việt Nam trở thành điểm đến thu mua nông sản chiến lược. Việc kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác về công nghệ, kĩ thuật với các quốc gia nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp triển khai, để các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam có thể tiệm cận và hợp nhất dần với các tiêu chuẩn thế giới.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho Cục Khuyến nông tìm cách hợp chuẩn giữa các tiêu chuẩn sản xuất của Nhật Bản (J-Gap) và Việt Nam (VietGap). Sự đồng hành giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố then chốt để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Để vượt qua thách thức và mở rộng thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ cao và tăng cường xúc tiến thương mại. Việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã và nông dân sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ chính sách từ các bộ, ngành để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ chế biến, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chương trình đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ tài chính cho nông dân, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị nông sản.