Lãi ròng TCO quý I tăng mạnh, nhờ khoản thu bất thường khi lãi gộp hoạt động chính lao dốc

Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm 2025 của TCO Holdings tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản lãi thoái vốn công ty con, trong khi lãi gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sụt giảm đáng kể.

CTCP TCO Holdings (mã chứng khoán: TCO) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả này lại phản ánh sự phụ thuộc lớn vào các khoản thu bất thường, trong khi hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn.

Trong kỳ, TCO ghi nhận 488 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 0,8% so với quý 1/2024. Cơ cấu doanh thu vẫn chủ yếu đến từ mảng kinh doanh lúa gạo và phụ phẩm, chiếm 92% với 450 tỷ đồng. Mảng vận tải đóng góp hơn 28 tỷ đồng (6%), và mảng cho thuê văn phòng tăng trưởng mạnh đạt gần 10 tỷ đồng (2%). Theo Báo cáo thường niên 2024, đây là ba mảng trọng tâm trong chiến lược tái cấu trúc và phát triển của TCO.

Điểm đáng chú ý là lợi nhuận gộp trong quý 1/2025 của TCO chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, giảm tới 41% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải sự sụt giảm này do ảnh hưởng chung từ thị trường đã tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của mảng kinh doanh lúa gạo trong ngắn hạn.

Thực tế, thị trường gạo thế giới đã chứng kiến xu hướng giảm giá trong thời gian qua sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu, khiến nguồn cung tăng lên. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý 1/2025 đạt khoảng 522 USD/tấn, giảm đáng kể, khoảng 20% so với mức đỉnh cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, TCO cho biết đã áp dụng các biện pháp như linh hoạt chiến lược tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và tìm kiếm khách hàng mới để cố gắng tạo lợi nhuận bền vững hơn cho mảng lúa gạo trong dài hạn.

Đối với các mảng khác, lợi nhuận gộp từ hoạt động vận tải ghi nhận tăng trưởng nhờ quản lý tài sản hiệu quả. Mảng cho thuê văn phòng có lợi nhuận gộp tăng mạnh nhờ việc hoàn tất thương vụ mua lại tòa nhà văn phòng Enterprise Tower từ tháng 7/2024 và việc tăng tỷ lệ lấp đầy từ hoạt động cho thuê.

Tuy nhiên, yếu tố chính "cứu cánh" cho lợi nhuận quý 1/2025 của TCO là doanh thu tài chính. Khoản mục này mang về gần 48 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi thoái vốn công ty con. Đây là khoản chênh lệch phát sinh khi TCO hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Tập đoàn Nam An cho đối tác, sau khi đã chuyển toàn bộ tài sản (đất đai, nhà xưởng, máy móc) từ Nam An về một công ty con khác là TCO Agri từ cuối năm 2024 nhằm mục đích tái cấu trúc hoạt động đầu tư.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TCO đạt hơn 37 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ khoản lãi tài chính đột biến này. Lãi ròng của Công ty nhờ đó cũng tăng mạnh lên hơn 33 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2025, cơ cấu tài chính của TCO có sự thay đổi tích cực về mặt nợ vay. Nợ ngắn hạn của Công ty giảm mạnh gần 60% so với đầu năm, xuống còn 421 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng gần 10%, đạt 370 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động quản trị, TCO cũng thông báo chính thức thay đổi niên độ kế toán, áp dụng từ ngày 01/10/2025 (năm tài chính mới bắt đầu từ 01/10 đến 30/09 năm dương lịch). Kỳ chuyển giao giữa niên độ cũ và mới sẽ kéo dài 9 tháng (từ 01/01/2025 đến 30/09/2025). Công ty cũng đã xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 chậm nhất đến ngày 30/06/2025.

Như vậy, dù con số lãi ròng tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2025, hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của TCO, đặc biệt là mảng lúa gạo, vẫn đang đối mặt với những thách thức từ thị trường và cần thời gian để các biện pháp tái cấu trúc phát huy hiệu quả bền vững.

Nhã Liên

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/lai-rong-tco-quy-i-tang-manh-nho-khoan-thu-bat-thuong-khi-lai-gop-hoat-dong-chinh-lao-doc-82736.html